Không phân loại rác thải ngay từ nhà có thể bị phạt tới 1 triệu đồng

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được chia sẻ tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến bảo vệ Luật bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại chất thải sinh hoạt.

Phải phân loại rác ngay từ nhà

Ngày 22/5, Chi hội luật gia phường Bưởi (thuộc Hội Luật gia quận Tây Hồ, Tp. Hà Nội) phối hợp với Trường THCS Đông Thái tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến bảo vệ Luật bảo vệ môi trường năm 2020 hướng dẫn phân loại chất thải sinh hoạt sinh hoạt”.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Thúy Nga - Chi hội trưởng Hội Luật gia phường Bưởi cho biết, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.

Bà Phan Thị Thúy Nga - Chi hội trưởng hội luật gia phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Bà Phan Thị Thúy Nga - Chi hội trưởng hội luật gia phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Nghị định có nhiều điểm đáng chú ý, việc tìm hiểu về các quy định không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng Thủ đô xanh-sạch-đẹp mà còn tránh được những vi phạm rất dễ bị xử phạt hành chính.

Bà Nga cho biết, Luật bảo vệ môi trường quy định, chủ nguồn rác thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại rác ngay từ nguồn thải theo nguyên tắc: có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và rác thải rắn khác.

Rác thải sau khi phân loại phải được chứa trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho các cá nhân, đơn vị có chức năng thu gom. Nếu hộ gia đình nào không phân loại rác thải trước khi giao cho đơn vị vận chuyển thì phải trả phí dịch vụ cho việc thu gom, xử lý đối với rác thải sinh hoạt.

Các bạn học sinh chăm trú lắng nghe những chia sẻ tại hội nghị.

Các bạn học sinh chăm trú lắng nghe những chia sẻ tại hội nghị.

Về quy định xử phạt, theo khoản 1, điều 26 Nghị định trên, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định đối với hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Hay, có thể phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.

Các đại biểu tại hội nghị.

Các đại biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, có thể bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông…

Bà Nga cho biết thêm, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm sẽ do UBND cấp xã thực hiện. Ngoài ra, các chiến sĩ công an đang thi hành công vụ cũng có quyền xử phạt.

“Có thể thấy, lực lượng giám sát, phát hiện và xử lý rất đông. Do đó, chỉ một hành vi vứt rác trên vỉa hè, ném rác xuống lòng hồ, hay vứt đầu mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định dù vô tình hay cố ý đều rất dễ bị xử phạt”, bà Nga cho hay.

Xây dựng thủ đô văn minh từ những hành động nhỏ

Tiếp đó, bà Nga cũng trình bày tới hội nghị những vấn đề liên quan đến cách thức thu gom, phân loại, cách nhận biết với các loại rác thải theo quy định...

“Tôi hi vọng, các thầy cô sẽ lồng ghép những nội dung được chia sẻ tại hội nghị vào các tiết học phù hợp, nhất là tiết sinh hoạt lớp để các em học sinh nắm bắt. Từ đó, các bạn chấp hành và phổ biến lại cho gia đình. Để xây dựng Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là xuất phát từ những hành động nhỏ về bảo vệ môi trường từ chính ngôi nhà của mình”, bà Nga bày tỏ.

Bà Lê Thủy Trang Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái.

Bà Lê Thủy Trang Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái.

Ông Lê Trung Đức – Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho biết, hiện nay áp lực về bảo vệ môi trường tại Hà Nội đang rất lớn. Các vấn đề ô nhiễm về nước, đất, không khí, thực phẩm ô nhiễm…đều rất đáng quan ngại.

Do đó, ông Đức mong muốn các thầy cô giáo thông qua hoạt động giảng dạy tại nhà trường có thể truyền tải những nội dung tại hội nghị tới các em học sinh và tiếp tục phổ biến tới gia đình để cùng chung tay xây dựng thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phát biểu sau đó, bà Lê Thủy Trang Hiệu trưởng Trường THCS Đông Thái khẳng định, nhà trường cam kết sẽ triển khai những hành động cụ thể tới toàn thể cán bộ, nhân viên và đặc biệt là học sinh – mầm non tương lai của đất nước những rất thiết thực, ý nghĩa đã được chia sẻ tại hội nghị.

Đặng Ngọc Thủy

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-phan-loai-rac-thai-ngay-tu-nha-co-the-bi-phat-toi-1-trieu-dong-a664802.html