Không được chủ quan trước nguy cơ tái nhiễm Covid-19
Để hạn chế tái nhiễm Covid-19, mọi người cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. F0 đã khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vaccine phòng dịch đủ liều để tăng khả năng bảo vệ cơ thể; Đồng thời, cần tích cực tập luyện thể thao; bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Theo các chuyên gia y tế, sau khi mắc Covid-19, tất cả các đối tượng, từ người trẻ đến người già nếu tiếp xúc nguồn lây đều có thể tái nhiễm. Thời gian tái nhiễm càng ngắn, bệnh nhân càng mệt mỏi, triệu chứng có thể nặng hơn so với lần nhiễm trước. Đối tượng có nguy cơ tái nhiễm cao là người già bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền và trẻ chưa được tiêm vaccine. Do đó, người dân không thể chủ quan sau khi khỏi Covid-19, bởi biến chủng liên tục thay hình đổi dạng, thay đổi tính chất miễn dịch, cơ thể không nhận diện được sẽ nhiễm lại.
Cùng với những diễn biến của dịch Covid-19, số lượng F0 điều trị khỏi ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người sau khi mắc Covid-19 lại có tâm lý cho rằng, bản thân đã tiêm 3 mũi vaccine và cơ thể đã sinh ra kháng thể nên sẽ không bị tái nhiễm. Theo các chuyên gia, đây là tâm lý chủ quan, tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực đối với bản thân người dân cũng như công tác phòng, chống dịch của cộng đồng…
Thực tế, rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 thì chủ quan và nghĩ rằng, mình đã có kháng thể cực mạnh cùng với việc tiêm đủ 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, bởi đã có không ít trường hợp mắc Covid-19 điều trị khỏi, trong 2 tuần hay 1 tháng lại bị nhiễm lần 2.
Trường hợp của chị Nguyễn Minh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Cách đây khoảng 1 tháng, chị mắc Covid-19 lần đầu, sau đó chị cách ly và điều trị tại nhà 8 ngày thì khỏi bệnh. Chị tiếp tục cách ly ở nhà thêm 7 ngày nữa. Thời điểm chị đi làm trở lại, cả cơ quan có khá nhiều ca dương tính. Do mới mắc Covid-19 nên chị yên tâm là sẽ không bị mắc nữa, chị thoải mái ra ngoài ăn uống và tiếp xúc với mọi người.
3 tuần sau, chị Vân thấy người sốt, mệt, ho nhiều, chị nghĩ rằng, đó là triệu chứng của hậu Covid nên đi khám. Qua test nhanh, bác sĩ chẩn đoán chị bị tái dương tính. Không tin vào kết quả này, hôm sau, chị test lại thì vẫn dương tính, bác sĩ giải thích hoàn toàn có khả năng tái dương tính. Tuy nhiên, lần sau không nặng như lần trước và chỉ 4 ngày sau chị đã âm tính.
Theo nhận định của chuyên gia y tế, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn có thể mắc Covid-19 lần 2, thậm chí lần 3, 4. Bởi sau khi khỏi bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sinh kháng thể và các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại virus. Nhưng sự đề kháng này ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng sinh kháng thể. Người trẻ, có sức khỏe tốt, không bệnh nền, ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý sẽ sinh kháng thể tốt hơn những người mắc bệnh về hệ miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh cấp tính. Tuy vậy, khả năng miễn dịch này không đảm bảo cho người bệnh không bị tái nhiễm mà chỉ có tác dụng bảo vệ khỏi những thể bệnh nặng, giảm biến chứng và nguy cơ tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải, tái dương tính là tình trạng người mắc Covid-19 có thời gian mang virus SARS-CoV-2 kéo dài. Một số người có thể mang virus kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính nhưng phần lớn không còn khả năng lây nhiễm sau 2 tuần nhiễm virus.
“Tái nhiễm là trường hợp người bệnh mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vaccine sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu. Một số người có nồng độ kháng thể bảo vệ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn. Đã có trường hợp lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron. Những người có tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc khả năng sinh kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm cao hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay.
Cũng theo bác sĩ Cấp, người bệnh tái nhiễm là một lần nhiễm virus mới và phát bệnh. Do đó họ vẫn phát tán virus bình thường và vẫn có khả năng lây nhiễm cho những người khác nếu không có biện pháp phòng lây nhiễm hiệu quả.
Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng thường nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vaccine mà nhiễm bệnh lần đầu. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ bệnh nhân nhất định có thể có diễn biến nặng. Việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân. Những người có diễn biến nhẹ thì chỉ cần đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng và điều trị các triệu chứng, nếu có.
Những người không may có diễn biến nặng thì sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.
Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. Virus SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh lại chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc một F0 khác mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Do đó, để hạn chế tái nhiễm, mọi người cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Cho dù đã là F0 khỏi bệnh, vẫn phải tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều để tăng khả năng bảo vệ cơ thể; Mỗi người cần tăng cường miễn dịch bằng việc tích cực tập luyện thể thao; bổ sung dinh dưỡng hợp lý để không bị tái nhiễm Covid-19./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khong-duoc-chu-quan-truoc-nguy-co-tai-nhiem-covid-19-post932462.vov