Không để các con bị bỏ lại phía sau
Với mục tiêu không để các em bị bỏ lại phía sau, những trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa từ lúc mới được nhận vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã được các 'bố, mẹ' quan tâm chăm sóc, giáo dục, định hướng nghề nghiệp để mai sau trưởng thành lập thân, lập nghiệp, trở thành người có ích cho xã hội.
Nơi nuôi dưỡng những hoàn cảnh éo le
Nhanh tay cùng các anh chị em vận chuyển ô doa nước để tưới những luống rau bị táp lá sau những ngày nắng nóng như lửa đốt, em Lý Sử Mẩy, 15 tuổi, ở thôn Tùng Chỉn 1, xã Trịnh Tường (Bát Xát) tâm sự với chúng tôi: Năm em học lớp 3, bố bị bệnh qua đời, đến năm học lớp 6, mẹ cũng mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi. Nhà chỉ có hai ông bà đã già không đủ khả năng nuôi dưỡng hai chị em em ăn học. Năm 2014, hai chị em em được các cô, chú ở Trung tâm Công tác xã hội làm thủ tục nhận nuôi dưỡng. Mặc dù chúng em rất thương và nhớ ông bà, nhưng không còn cách nào khác. Chúng em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này về phụng dưỡng ông bà.
Trường hợp của 3 anh em Tráng A Lử, Tráng Thị Cú, Tráng Thị Chủ ở xã Sín Chéng (Si Ma Cai) là một trong những hoàn cảnh thương tâm nhất: Được nhận vào Trung tâm Công tác xã hội từ năm 2006 sau khi các em cùng lúc mất cả bố và mẹ trong một vụ tai nạn giao thông. Em Tráng Thị Chủ, học sinh lớp 12 Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai bảo: Những ngày mới vào trung tâm, 3 anh em rất buồn và bỡ ngỡ, nhưng được các bác, các cô, chú ở đây quan tâm, chia sẻ, động viên như những người bố, người mẹ, dần dần chúng em vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và hứa cùng nhau phấn đấu học tập thật tốt để không phụ lòng các bố, mẹ. Hiện anh trai cả của em đang học Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, chị gái thứ hai học nghề ở Hà Nội, còn em năm nay cố gắng thi đỗ đại học.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang nhận nuôi dưỡng 77 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, lang thang, không nơi nương tựa. Tất cả các em được nhận vào trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, có trường hợp cả 3 anh, chị, em cùng trong một gia đình bị mồ côi do cha mẹ mất sớm, cũng có trường hợp các em bị chính cha mẹ, người thân trong gia đình bỏ rơi trở thành trẻ lang lang, không nơi nương tựa. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông có 63 em.
Để giấc mơ mãi được bay xa
Chị Lò Thị Liên, Trưởng phòng Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Ở đây, chúng tôi luôn coi các em như những người con của mình và ngược lại, các em cũng dành tình cảm đối với cán bộ của trung tâm như những người bố, người mẹ. Sau khi giúp các em hòa nhập với cuộc sống mới, các cán bộ trung tâm luôn giáo dục các em phải thương yêu, quý mến, giúp đỡ nhau trong cuộc sống như anh em ruột thịt trong nhà. Ai lớn tuổi hơn thì làm anh, chị, kém tuổi hơn thì làm em. Các em nam và nữ được chia thành 2 khu nhà riêng biệt, mỗi khu nhà lại chia thành các “gia đình nhỏ” với đủ lứa tuổi để thuận tiện việc giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, học tập.
Các em ở đây được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, được chu cấp đầy đủ vật dụng sinh hoạt hằng ngày, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, được theo học từ cấp mầm non đến THPT và được định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Những em thi đỗ đại học, cao đẳng cũng được trung tâm chu cấp kinh phí, những em có nguyện vọng đi học nghề hoặc mong muốn trở lại địa phương cũng được trung tâm liên hệ, tạo điều kiện tốt nhất để học tập, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với cuộc sống. Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 7 em đang học đại học, 9 em chuẩn bị tốt nghiệp THPT, nhiều em là học sinh giỏi, xuất sắc tại các trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Hơn 13 năm làm công tác quản lý tại ngôi nhà tình thương này, ông Vũ Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là người đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn vui về những “đứa con” của mình và nó sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời “Bố Vinh”. “Là người bố, vui nhất là nhìn thấy các con mình lớn khôn, trưởng thành và tuyệt vời hơn là chứng kiến các con thành đạt trong cuộc sống. Ở Trung tâm Công tác xã hội, có nhiều trường hợp rất thành công trong tạo dựng sự nghiệp, nhiều trường hợp đang làm chủ của các nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch… trải dài từ Đồng Nai, Huế, Hà Nội, Lào Cai…” - ông Vinh nói.
Theo chế độ, Trung tâm Công tác xã hội chỉ nuôi dưỡng các đối tượng từ 1 đến 22 tuổi, các trường hợp ngoài 22 tuổi mà vẫn theo học thì trung tâm phải vận động tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, trong khí đó hầu hết các đối tượng ở trung tâm đi học không đúng độ tuổi. Do đó, để giúp các em hoàn thành giấc mơ trên chặng đường học tập của mình, rất cần sự sẻ chia, đồng hành của toàn xã hội.