Khiếu nại bản án có hiệu lực gần 5 năm, chưa được thi hành

Sau 5 năm bản án có hiệu lực pháp luật, 4 đồng thừa kế theo pháp luật của người chết (bà Ô Thị Thu Giang, Ô Thị Thu Trúc, Ô Thị Thu Trinh và Ô Thị Thu Duyên, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) vẫn chưa thi hành bản án.

Vợ chồng ông Diệp Kim Sanh (sinh năm 1970), bà Đặng Thị Ngọc Loan (sinh năm 1974, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) cho biết, gia đình họ cất nhà trên đất của cha mẹ (ông Diệp Kim Lái, bà Phan Thị Rơi) nhiều năm, không ai tranh chấp. Năm 2008, bà Diệp Thị Nguyên (sinh năm 1942, chị cùng cha khác mẹ với ông Sanh) yêu cầu vợ chồng ông tháo dỡ nhà, trả lại 39,9m2 đất, cho rằng đất thuộc chủ quyền của bà.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, bà Nguyên rút yêu cầu khởi kiện. Ông Sanh làm đơn phản tố, yêu cầu giữ lại đất, do gia đình không có chỗ ở. Nếu bà Nguyên không đồng ý trả lại đất, phải hoàn trả giá trị đất (được hội đồng định giá xác định gần 80 triệu đồng). Bà Nguyên không đồng ý, khiếu nại.

Ông Diệp Kim Sanh trình bày sự việc

Cơ quan chức năng vào cuộc, phối hợp giải quyết vụ việc. Qua nhiều phiên tòa xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm) mới có quyết định cuối cùng. Theo Bản án 53/2018/DS-ST, ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân TP. Châu Đốc (có hiệu lực pháp luật), bà Nguyên được quyền sử dụng 39,9m2 đất, nhưng có trách nhiệm hoàn trả lại cho vợ chồng ông Sanh 79,8 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Nguyên cho rằng mình lớn tuổi, sống cùng con cháu, không nợ tiền ông Sanh, không hợp tác, không nhận các văn bản về thi hành bản án, giấy tờ được niêm yết tại địa phương.

Qua đơn yêu cầu thi hành bản án của vợ chồng ông Diệp Kim Sanh, ngày 8/3/2019, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Châu Đốc ban hành Quyết định 270/QĐ-CCTHADS, thi hành án theo yêu cầu. Do bà Nguyên đã mất, 4 đồng thừa kế theo pháp luật có trách nhiệm trả cho vợ chồng ông Sanh tiền gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa thi hành bản án.

Tại buổi tiếp công dân với ông Diệp Kim Sanh ngày 1/2/2023, lãnh đạo Chi cục THADS TP. Châu Đốc có ý kiến: “Đơn vị đang tiếp tục thi hành bản án theo quy định; làm việc với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Châu Đốc, vận động các đồng thừa kế của bà Nguyên tự nguyện thi hành bản án có hiệu lực pháp luật”.

“Thực hiện quyết định của bản án, vợ chồng tôi tháo dỡ nhà, trả lại đất nên không có nơi ở. Trong lúc chờ nhận tiền, chúng tôi buộc vay tiền mua đất cất nhà. Tuy nhiên, quá trình chờ nhận tiền gặp gian nan. Đến ngày 3/7/2021, bà Nguyên chết, vợ chồng tôi gặp khó khăn hơn. Hiện tại, gia đình tôi gồm 5 nhân khẩu, hàng ngày phải lao động, lo trả nợ vay cùng tiền lãi lũy kế. Gần 5 năm bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng gia đình tôi vẫn chưa nhận được tiền, mong pháp luật vào cuộc, giải quyết trả lại quyền lợi cho vợ chồng tôi” - ông Diệp Kim Sanh bức xúc.

Trả lời việc này, ThS Nguyễn Hồng Hoai (Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh) cho biết, qua hồ sơ vụ việc cho thấy, Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS huyện Châu Phú đã thực hiện các bước đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế, người phải thi hành bản án thường không tự nguyện, tìm cách chậm trễ hoặc không thi hành án.

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức phải “chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án.

Cụ thể, tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc để xảy ra chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án tại cơ quan, tổ chức do mình là người đứng đầu. Xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm thuộc phạm vi mình quản lý; xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan THADS, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị trong thời hạn 5 ngày làm việc.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Thực hiện một trong các hành vi chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tẩu tán tài sản có thể bị phạt đến 5 năm tù, đồng thời người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khieu-nai-ban-an-co-hieu-luc-gan-5-nam-chua-duoc-thi-hanh-a370971.html