Khẩn cấp triển khai giải pháp bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển tại Cà Mau

Do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu nên bờ biển Cà Mau ngày càng bị xâm thực với mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Tổng cục phòng, chống thiên tai kiểm tra tiến độ công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại đoạn Kinh Mới - Đá Bạc.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Tổng cục phòng, chống thiên tai kiểm tra tiến độ công trình kè chống sạt lở khẩn cấp tại đoạn Kinh Mới - Đá Bạc.

Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cho thấy, hiện có khoảng khoảng 57 km bờ biển Tây qua địa bàn các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân đang trong tình trạng sạt lở với mức độ rất nghiêm trọng; trong đó, có ba vị trí sạt lở rất nguy hiểm phải kể đến đoạn bờ bắc Vàm Tiểu Dừa đến bờ bắc Hương Mai (huyện U Minh) có chiều dài 8,5 km; đoạn bờ nam Hương Mai đến bờ bắc Khánh Hội (huyện U Minh) có chiều dài 3,8 km và đoạn từ Vàm Ba Tỉnh đến Kênh Tư (huyện Trần Văn Thời) có chiều dài 13,9 km.

Do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu nên bờ biển Cà Mau ngày càng bị xâm thực với mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Hậu quả dễ nhận thấy nhất đó là đai rừng phòng hộ đang mất dần, nhiều đoạn đê biển Tây đối diện với nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Trước tình hình cấp bách bảo vệ đê biển, UBND tỉnh Cà Mau đã giao công trình cho Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thực hiện ứng dụng giải pháp công nghệ mới có tên gọi “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” thuộc cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Khoa học - Công nghệ của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo.

Theo đó, Busadco thực hiện công trình kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi, tạo bãi để xử lý khẩn cấp khoảng 2,1 km bờ biển đang bị sạt lở rất nghiêm trọng thuộc khu vực bờ biển Đông và bờ biển Tây, với mức vốn đầu tư 37,8 tỷ đồng (khoảng 18 tỷ đồng/km); trong đó, Busadco đang đẩy nhanh tiến độ thi công theo cơ chế lệnh khẩn cấp, với chiều dài 1,2 km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, đoạn bờ biển Kênh Mới - Đá Bạc thuộc huyện Trần Văn Thời.

UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu đơn vị thi công đảm bảo hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng trước khi kết thúc mùa mưa bão 2018, nhằm phát huy công năng ứng phó với sạt lở, góp phần bảo vệ đê biển nguy cơ bị vỡ do sạt lở gây ra.

Công trình kè đang được thi công.

Công trình kè đang được thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, tỉnh sẽ ưu tiên sử dụng những giải pháp công trình đã được áp dụng tại Cà Mau và đã mang lại hiệu quả lâu dài, giá thành hợp lý. Thời gian qua, tỉnh triển khai ứng dụng nhiều giải pháp công trình như kè bản nhựa, bê tông li tâm, đê trụ rỗng và hiện tại đang ứng dụng kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi, tạo bãi của công ty Busadco.

Các công nghệ trước đây tỉnh Cà Mau áp dụng có giá thành rất cao, khoảng 30 tỷ đồng/km, còn giải pháp công nghệ mới của Busadco thì chi phí đầu tư giảm xuống chỉ còn 18 tỷ đồng/km. Qua khảo sát bước đầu, công trình có nhiều ưu điểm, nhất là có tính hiệu quả an toàn, khả năng gây bồi tạo bãi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ngoài ra, cấu kiện công nghệ gọn nhẹ, thuận lợi cho việc thi công và lắp đặt thi công phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, lũ, sóng và triều cường; chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, xói mòn, sạt lở.

Trong chuyến đi thực tế khảo sát, kiểm tra thực tế tiến độ thi công công trình ngày 29/10 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) ông Tăng Quốc Chính cũng đã đánh giá cao về những ưu điểm vượt trội của giải pháp kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi, tạo bãi của Busadco.

Busadco sử dụng công nghệ làm kè bằng vật liệu bê tông cốt phi kim chống ăn mòn trong môi trường nước mặn, được sản xuất trên dây chuyền bê tông thành mỏng đúc sẵn. Điều này sẽ khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công.

Sau khi nghiên cứu thành công và triển khai thực hiện kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi, tạo bãi đã mở ra nhiều triển vọng cho tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm bớt khó khăn, gánh nặng trong ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Giải pháp công nghệ “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều địa phương như: Thái Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tin, ảnh: Kim Há (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/khan-cap-trien-khai-giai-phap-bao-ve-bo-song-ho-va-de-bien-tai-ca-mau-20181031105941590.htm