Khám phá bí mật thành phố cổ Nakhon Ratchasima
Một phát hiện bất ngờ tại thành phố Nakhon Ratchasima, thủ phủ tỉnh Nakhon Ratchasima (Thái Lan) đã hé lộ lịch sử khu vực có niên đại hàng nghìn năm, vượt xa thời kỳ Ayutthaya. Ban đầu, cuộc khai quật do Cục Mỹ thuật thực hiện nhằm tìm kiếm dấu tích tường thành từ triều vua Narai (1656-1688), nhưng chỉ vài ngày trước khi dự án kết thúc, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hài cốt người tiền sử. Phát hiện thú vị này cho thấy một cộng đồng đã tồn tại từ rất lâu trước khi các đường hào quanh thành phố nổi tiếng này được xây dựng.
Bằng chứng đầu tiên từ bức ảnh chụp 70 năm trước
Năm 2024, GS.TS Santi Pailoplee từ Đại học Chulalongkorn ở Bangkok đã quyết định dẫn đầu một nghiên cứu mới ở thành phố cổ Nakhon Ratchasima, phía Đông Bắc Thái Lan. Theo GS.TS Santi Pailoplee, thành phố cổ Nakhon Ratchasima đã có lịch sử kéo dài hàng thế kỷ, được hình thành khi Vua Narai Đại đế cai trị Vương quốc Ayutthaya của khu vực này từ năm 1656 đến năm 1688 sau Công nguyên. Nhưng có vẻ như, Nakhon Ratchasima không phải là thành phố lâu đời nhất trên chính vùng đất của mình.
GS.TS Santi Pailoplee và nhóm nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn tin rằng họ đã tìm thấy một thành phố thậm chí còn cổ hơn, nằm dưới khu vực trung tâm của khu định cư lịch sử này. Nguyên do là vì, từ việc phân tích các bức ảnh chụp trên không được thực hiện vào năm 1954, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một bờ kè đất 4 mặt tuyến tính kéo dài về phía Bắc, phía Tây và phía Đông của kênh đào Takhong.
Quan sát thêm, các nhà nghiên cứu nhận định, bờ bè thẳng này nằm ngoài một con kênh và cách bờ kè tạo thành một hình gần vuông với con kênh, cho thấy đây là bằng chứng về một nền văn minh cổ đại.

Di vật và hiện vật của con người được tìm thấy tại địa điểm khai quật. Ảnh: Cục Mỹ thuật.
Kết hợp các bức ảnh với những hoạt động đã biết trước đó của hai dòng suối trong khu vực, nhóm nghiên cứu từ Đại học Chulalongkorn xác định thêm rằng, dòng chảy của hai con suối trùng khớp với các tuyến đường thủy gần các cộng đồng Thái Lan cổ đại khác, đã tạo ra các bờ kè tương tự để hướng dòng nước, có thể là về phía các khu định cư cổ đại gần đó như một phần của hệ thống kênh thoát nước.
Theo nhóm nghiên cứu, trong khi các đoạn bờ kè phía Tây và phía Đông hiện chồng lên hào nước của thành phố, một trong những bờ kè cuối cùng đã bị biến thành đường Chompol - tuyến đường chính cắt qua trung tâm của thành phố cổ từ Cổng Chumphon ở phía Tây đến Cổng Phon Lan ở phía Đông. Con đường này có thể là ranh giới phía Nam của cộng đồng cổ đại trước khi thành phố cổ Nakhon Ratchasima được thành lập.
GS.TS Santi Pailoplee nói: "Đê phía Nam có thể đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ chức năng ban đầu là điểm đánh dấu ranh giới cộng đồng thành con đường trung tâm chính của thành phố cổ Nakhon Ratchasima". Việc kiểm tra sâu hơn các đặc điểm địa lý của khu vực cho thấy rằng, đê có thể đã hướng dòng nước về phía các khu định cư cổ đại khác ở Đông Bắc Thái Lan, chẳng hạn như các khu định cư ở các tỉnh Buriram và Sakon Nakhon. Trong mùa lũ, nước từ Lam Takhong cổ có thể đã bị đê chặn lại và chuyển hướng chảy qua các kênh thoát nước hẹp hơn, một mô hình dẫn đến xói mòn và hình thành các vùng đất thấp sau này trở thành ao hoặc đầm lầy, chẳng hạn như hồ Assadang ngày nay.
Cũng theo giả thuyết này, cộng đồng cổ đại gần như là một hình vuông chứ không phải hình chữ nhật. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi trong nền văn hóa Khmer cổ đại, các hồ chứa nước thường có hình chữ nhật (với tỷ lệ 1:2 trong hầu hết mọi trường hợp), trong khi các thành phố thường được bao quanh bởi hình vuông.
GS.TS Santi Pailoplee cho biết thêm rằng, nhóm nghiên cứu đã đo thành phố cổ này và phát hiện ra rằng kích thước của nó rộng 2km và dài 1,6km (diện tích là 3,2km2). Nghĩa là, khu định cư này không chỉ có khả năng là một cộng đồng mà còn có diện tích lớn gấp đôi thành phố cổ Nakhon Ratchasima và lớn hơn các cộng đồng cổ đại khác từng được phát hiện trước đây trong khu vực.
Phát hiện này đã dẫn đến những câu hỏi liên quan đến mốc thời gian của Nakhon Ratchasima, ngụ ý rằng khu vực này có thể đã là một khu định cư quan trọng sớm hơn so với suy nghĩ trước đây. Tuy nhiên, Giáo sư Tiến sĩ San GS.TS Santi Pailoplee vẫn cảnh báo rằng những phát hiện này dựa trên dữ liệu cảm biến từ xa và cần phải khảo sát khảo cổ học và khai quật để xác nhận cách giải thích.
Phát hiện khảo cổ chấn động
Từ thông tin của nhóm nghiên cứu Đại học Chulalongkorn, Cục Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thái Lan đã khởi xướng một dự án khảo cổ mới tại thành phố cổ Nakhon Ratchasima với mục đích tìm kiếm tàn tích của bức tường thành phố từ thời Vua Narai Đại đế cai trị Vương quốc Ayutthaya. Đáng chú ý là vài ngày trước khi dự án kết thúc theo lịch trình, các nhà khảo cổ học đã có một khám phá đáng kinh ngạc - khai quật được một hộp sọ người. Sau đó, Cục Mỹ thuật quyết định kéo dài dự án khảo cổ và các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 3 bộ xương, cùng với nhiều lễ vật được chôn cất cùng, trong đó có đồ gốm Phimai Black và đồ trang sức bằng vàng - những hiện vật đặc trưng của nền văn hóa thời kỳ đồ sắt tiền sử.

Khu vực khảo cổ (nhìn từ trên cao) được mở cửa cho công chúng. Ảnh: Cục Mỹ thuật.
Sau đó, khi dùng phương pháp định tuổi bằng nhiệt phát quang, các nhà khảo cổ học xác nhận địa điểm này là một nghĩa trang cổ đại, có niên đại từ 2.400 đến 1.500 năm. Phát hiện đáng chú ý này đạt được chỉ trong vòng 17 ngày khai quật, đã làm sáng tỏ đáng kể quá khứ tiền sử của khu vực. (Nhiệt phát quang là sự phát xạ ánh sáng của một chất bán dẫn hoặc điện môi đã được chiếu xạ trước đó khi bị nung nóng. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, các nghiên cứu về hiện tượng nhiệt phát quang đã được thực hiện và ngày nay nó được phát triển thành một phương pháp áp dụng nhiều trong nghiên cứu vật liệu, đo liều bức xạ và tính tuổi khảo cổ).
Chưa hết, đến đầu năm 2025, các cuộc khai quật lại được tiến hành ở gần Cổng Phon Lan ở phía Đông thành phố cổ Nakhon Ratchasima. Đến ngày 25/1, các nhà khảo cổ học từ Văn phòng Mỹ thuật Khu vực 10 đã phát hiện thêm 3 bộ xương người khác, cùng với các bình và vòng tay được chôn bên cạnh chúng. Ba bộ hài cốt được tìm thấy lần này ở độ sâu từ 120m đến 200m. Công việc khai quật tại địa điểm này đã kết thúc vào ngày 12/2. Ước tính ban đầu cho rằng địa điểm này có niên đại từ 2.500 đến 4.000 năm.
Trong quá trình khai quật, Cổng Phon Lan cũng đóng vai trò là trung tâm học tập tạm thời, mở cửa cho công chúng trong một thời gian giới hạn. Du khách, bao gồm cả sinh viên và những người đam mê lịch sử, được mời đến khám phá địa điểm khai quật, quan sát cận cảnh những bộ xương người tiền sử đích thực. Đồng thời, một cuộc triển lãm cũng được tổ chức với sự hướng dẫn từ các chuyên gia của Cục Mỹ thuật.
Học giả và sử gia người Thái Tongthong Chandransu khi đến thăm địa điểm này nói: "Từ những gì tôi quan sát được hôm nay, kết hợp với triển lãm, giờ tôi hiểu rằng khu vực này đã có người sinh sống cách đây ít nhất khoảng 1.500 năm. Khu định cư này tồn tại cho đến gần buổi bình minh của kỷ nguyên lịch sử - có thể là cuối thời đại đồ sắt”.
Cho đến nay, các cuộc khai quật ở thành phố cổ Nakhon Ratchasima đã giúp phát hiện 11 bộ xương người cùng với đồ gốm, đồ trang trí (bao gồm cả những miếng vàng có độ tinh khiết khoảng 80%) và nhiều hiện vật khảo cổ khác. Những đồ vật này được cho là sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về quá khứ của Thái Lan. “Công việc khai quật cực kỳ tỉ mỉ. Tôi đã chứng kiến quá trình khai thác và bảo quản cẩn thận một tấm vàng nhỏ, nhỏ đến mức có thể dễ dàng bị bỏ sót. Mảnh nhỏ này có thể cung cấp những hiểu biết về các giá trị và lối sống của thời đại đó. Sự tận tụy của những nhà khảo cổ học đảm bảo rằng chúng ta không chỉ khám phá ra các hiện vật mà còn cả những câu chuyện lịch sử sâu sắc khó tìm thấy ở nơi khác”, Học giả và sử gia Tongthong Chandransu viết trên trang Facebook của mình.
Nakhon Ratchasima là một thành phố hiện đại, năng động và cũng là nơi lưu giữ những trang sử hào hùng của Thái Lan. Nằm ở vùng Đông Bắc, cách thủ đô Bangkok khoảng 260km, Nakhon Ratchasima từng là một phần của Vương quốc Lào trước thế kỷ 19. Trước thế kỷ 14, khu vực Nakhon Ratchasima nằm dưới quyền thống trị của đế chế Khmer và được gọi bằng tiếng Khmer là Angkor raj.
Vua Narai Đại đế cai trị Vương quốc Ayutthaya của khu vực này từ năm 1656 đến năm 1688 sau Công nguyên đã ra lệnh xây dựng một thành phố mới trên địa điểm này để làm thành trì ở biên giới phía Đông Bắc của Ayutthaya. Nakhon Ratchasima sau đó đã được nhắc đến trong các biên niên sử và tài liệu pháp lý như một thành phố hạng hai của Vương quốc Ayutthaya. Một thống đốc hoàng gia cai trị thành phố theo phương thức cha truyền con nối.
Sau khi giai đoạn cuối cùng của vương quốc Ayutthaya kết thúc vào năm 1767, một người con trai của Vua Boromakot đã cố gắng lên ngôi cai trị, nắm quyền kiểm soát Nakhon Ratchasima và các tỉnh phía Đông. Vua Taksin của Vương quốc Thonburi (1768 - 1782) đã cử hai vị tướng là anh em Thong Duang và Boonma đến đánh bại vị hoàng tử này vào năm 1768. Thong Duang sau đó trở thành Vua Rama I của vương quốc và Nakhon Ratchasima trở thành thành trì chiến lược ở biên giới phía Đông Bắc.
Nakhon Ratchasima tiếp tục là một trung tâm chính trị và kinh tế quan trọng ở khu vực Đông Bắc trong cuộc cải cách hành chính Monthon vào cuối thế kỷ 19. Từ năm 2005, Nakhon Ratchasima trở thành thành phố lớn thứ 3 của Thái Lan và thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.