Kết quả thực hiện Dự án 8: Tạo tiền đề cho sự thay đổi tích cực bền vững ở vùng núi

Sau gần 4 năm triển khai Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn I từ 2021-2025 đã tạo nên những chuyển biến tích cực trên những bản, làng phía Tây Quảng Trị và chuẩn bị bước sang giai đoạn 2 với nhiều kỳ vọng được đặt ra. Song, để chuyển hóa kỳ vọng thành kết quả bền vững, những thách thức cũ và mới đang đặt ra yêu cầu không nhỏ cho các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng.

Nhờ được hỗ trợ sinh kế từ các chương trình, dự án, phụ nữ ở Tổ dệt thổ cẩm xã A Bung, huyện Đakrông có việc làm và thu nhập ổn định hơn trước - Ảnh: T.C.L

Nhờ được hỗ trợ sinh kế từ các chương trình, dự án, phụ nữ ở Tổ dệt thổ cẩm xã A Bung, huyện Đakrông có việc làm và thu nhập ổn định hơn trước - Ảnh: T.C.L

Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn I: từ năm 2021-2025. Theo kết quả đánh giá của Trung ương Hội LHPN, sau 4 năm thực hiện, Dự án 8 cơ bản hoàn thành 8/9 chỉ tiêu cốt lõi và vượt kế hoạch giai đoạn, trong đó 4/9 chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch (gồm: Tổ truyền thông cộng đồng đạt 115,5%; Địa chỉ tin cậy cộng đồng đạt 231%; CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đạt 113%; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS đạt 208%).

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, Dự án 8 giai đoạn I đã ghi dấu những bước đi quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy hành vi tích cực và tạo tiền đề cho sự thay đổi lâu dài ở vùng đồng bào DTTS&MN. Hàng loạt mô hình phụ nữ, tổ, nhóm cộng đồng đã được thành lập, vận hành hiệu quả ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, đã có 171 tổ truyền thông cộng đồng hoạt động tích cực, thực chất tại 37 xã, thị trấn thuộc 2 huyện miền núi và 3 huyện có xã miền núi. Nhận thấy được tác động tích cực của mô hình can thiệp này, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng và vận hành các tổ, nhóm phủ khắp các thôn, bản, tiêu biểu như: xã Lìa 10 tổ, Hướng Phùng 8 tổ, Tà Long 8 tổ, xã Đakrông 8 tổ; xã Linh Trường 7 tổ.

Bên cạnh đó, 54 “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” được thành lập và duy trì hoạt động, kịp thời xử lý và giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, tích cực truyền thông cho người dân về các vấn đề đến bạo lực giới, xây dựng những bản làng an toàn, hạnh phúc cho PN&TE.

Tại 29/37 xã, thị trấn cũng đã thành lập và vận hành được 30 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường TH&THCS. Với hướng đi này, các CLB của Dự án 8 đã tạo được sự tự tin, bản lĩnh ở lứa tuổi học sinh, nâng lên tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám nói, dám thay đổi cho thế hệ trẻ. Các ban điều hành của các CLB làm việc trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, góp phần dẫn dắt và đào tạo nên những “hạt nhân” nòng cốt cho công tác tuyên truyền tại địa phương, góp phần vào công cuộc thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào DTTS.

Đáng chú ý, thông qua những hoạt động của Dự án 8, năng lực của cán bộ nữ DTTS được cải thiện rõ rệt. Đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia vào các hoạt động Dự án 8 được đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người dẫn dắt trong các hoạt động cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở các buổi sinh hoạt, truyền thông nhóm nhỏ tại thôn, bản, hội LHPN xã, thị trấn vùng cao đã được tập huấn để tổ chức hội nghị đối thoại giữa phụ nữ với cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiều chủ đề đa dạng, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của PN&TE.

Tại huyện Hướng Hóa, đã có 13/25 hội nghị được các hội LHPN xã tổ chức, thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến của đông đảo hội viên, phụ nữ. Ở nhiều địa phương miền núi, số lượng nữ trưởng thôn tăng - một tín hiệu khởi đầu cho sự chuyển dịch cấu trúc lãnh đạo ở cơ sở.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, tồn đọng còn gây cản trở trong quá trình triển khai dự án. Một số định mức chi tiêu theo Thông tư 55/2023/TT-BTC còn thấp so với yêu cầu thực tế; cách áp dụng thông tư giữa các cơ quan thực hiện và ngành tài chính, kho bạc ở một số nơi chưa thống nhất, khiến việc lập dự toán, triển khai hoạt động và thanh quyết toán còn gặp khó khăn.

Việc duy trì đảm bảo hiệu quả hoạt động của các mô hình can thiệp tại cộng đồng còn gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương, đặc biệt đối với các mô hình đã thành lập nhưng không còn thuộc đối tượng của chương trình. Việc triển khai hoạt động ứng dụng KHCN còn gặp khó khăn, do ít mô hình đáp ứng điều kiện hỗ trợ, công tác triển khai phải phối hợp với nhiều đơn vị, ngành.

Trình độ nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, chị em quen với tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún, nguồn lực hỗ trợ xây dựng mô hình hạn hẹp nên chỉ tiêu hỗ trợ tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX ứng dụng KHCN khó đạt.

Bước sang giai đoạn II (2026-2030), Dự án 8 được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở việc “nâng cao nhận thức”, mà theo hướng tác động đến đa dạng đối tượng, khơi dậy sự chủ động “tiên phong thay đổi” trong nhận thức, hành động của phụ nữ, cộng đồng, các cấp, các ngành.

Theo đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy nội lực, sự chủ động của phụ nữ vùng DTTS&MN; phát huy sự chủ động, trách nhiệm của từng địa phương, sự tham gia của cộng đồng trong thực hiện bình đẳng giới phù hợp với đặc điểm địa bàn, thành phần dân tộc, văn hóa của mỗi địa phương. Tiếp tục xác định thực hiện bình đẳng giới là nguyên tắc xuyên suốt trong thực hiện toàn bộ Chương trình MTQG phát triển KT-XH cùng đồng bào DTTS& MN giai đoạn 2026-2030.

Thời gian tới, trong tình hình sắp xếp bộ máy toàn hệ thống chính trị, cùng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc thực hiện dự án. Do đó, Hội LHPN Việt Nam đề xuất tiếp tục duy trì mô hình Ban Điều hành dự án ở trung ương và cấp tỉnh để đảm bảo phối hợp đồng bộ. Bộ Tài chính chủ trì hướng dẫn cơ chế tài chính cho dự án.

UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện, giám sát, báo cáo kết quả và bố trí ngân sách đối ứng theo quy định. Đồng thời, chú trọng công tác chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực thực hiện cho cấp tỉnh; làm mẫu và theo dõi, giám sát, đánh giá, tổng kết làm cơ sở rút kinh nghiệm trong công tác triển khai, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, theo phương châm phân cấp, phân quyền để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ket-qua-thuc-hien-du-an-8-tao-tien-de-cho-su-thay-doi-tich-cuc-ben-vung-o-vung-nui-193890.htm