Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở Binh đoàn 15 - Những cách làm sáng tạo, hiệu quả - Bài 2: Xây dựng sức mạnh mềm

Đó là khẳng định và tâm huyết của Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 trong chỉ đạo các đơn vị gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh trên địa bàn đơn vị đứng chân. Sức mạnh mềm có được từ nhiều chương trình an sinh xã hội, mô hình sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương của Binh đoàn 15 mà nổi bật là mô hình gắn kết hộ, trưởng thôn mang quân hàm.

Gắn kết tế bào ở thôn, làng

Từ giới thiệu của đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 15, chúng tôi đến làng Khóp, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ (Gia Lai) và được người dân nơi đây cho biết: Hình ảnh gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Kiên, Đội trưởng Đội 6 (Công ty 75, Binh đoàn 15), chị Phạm Thị Hà, giáo viên mầm non Đội 6 cùng với gia đình anh Rơ Lan Nam, công nhân Đội 6, chị Rơ Mah Pích, người dân tộc Gia Rai thường xuyên qua lại trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình là hình mẫu đoàn kết các dân tộc ở địa phương.

Được sự động viên, giúp đỡ của gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Kiên, anh Rơ Lan Nam trở thành công nhân ưu tú, có tay nghề xuất sắc của Công ty 75, hằng năm vượt kế hoạch sản lượng được giao trên 126% và 5 năm liên tục (2019-2023) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Kiên và gia đình anh Rơ Lan Nam thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình.

Câu chuyện chị Y Nhái, người dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) kể làm nhiều người cảm động. Từ một gia đình thuộc diện khó khăn, cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc, năm 2010, được gia đình chị Nguyễn Thị Son, công nhân Đội 7 (Công ty 732, Binh đoàn 15) nhận “gắn kết hộ” và xem như anh chị em trong nhà, rồi động viên, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cao su, cà phê, chăn nuôi, giờ đây, gia đình chị Y Nhái có thu nhập mỗi năm hơn 120 triệu đồng, mọi buồn vui đều có chị Son động viên, chia sẻ, hỗ trợ. “Những điều chị Son giúp gia đình tôi không đo đếm bằng tiền, bằng ngày công được mà là cái tình, cái nghĩa của gia đình chị dành cho gia đình tôi”, chị Y Nhái xúc động nói.

Hiện nay, Binh đoàn 15 có hơn 4.000 cặp gắn kết hộ. Hằng năm, các cặp hộ gắn kết giúp nhau hàng nghìn ngày công lao động, hỗ trợ nhau kỹ thuật, cây giống, con giống để phát triển kinh tế, động viên nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, trở thành những tế bào tích cực của thôn, làng, được nhiều địa phương học tập, nhân rộng.

Theo Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, thành công của mô hình gắn kết hộ là được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 và các cấp ủy, chỉ huy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Các cặp hộ gắn kết phải trên tinh thần tự nguyện, trong đó, hộ gia đình cán bộ, công nhân của đơn vị là hạt nhân để giúp hộ dân người dân tộc thiểu số. Vì vậy, các đơn vị đều chọn những hộ cán bộ, công nhân tiêu biểu trong làm kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời lên kế hoạch, lộ trình, mục tiêu hỗ trợ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số một cách cụ thể.

Độc đáo những trưởng thôn mang quân hàm

Chúng tôi đến thôn 6, xã Ia Đal, huyện Ia H'Drai (Kon Tum) khi chiều đã muộn, bếp trong những ngôi nhà khang trang bắt đầu đỏ lửa, mùi cơm mới tỏa ra thơm phức, ấm áp. Một số gia đình quây quần bên nhau nhâm nhi ly rượu còn hương xuân, tiếng cười nói, chơi đùa của con trẻ rộn vang cả khu xóm. Trung tá QNCN Vũ Văn Cương, Đội trưởng Đội 6 (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) kiêm Trưởng thôn 6, xã Ia Đal, chia sẻ: “Đây là quê hương thứ hai của tôi, một lời khó mà nói hết nghĩa tình với nhân dân và vùng đất này, chỉ biết mình hạnh phúc vì thôn ngày càng đổi mới, phát triển, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Trò chuyện với người dân trong thôn, chúng tôi được biết, Trung tá QNCN Vũ Văn Cương gắn bó với thôn 6 từ khi chưa thành lập huyện Ia H'Drai, nghĩa là đã hơn 10 năm rồi, khi đó anh Cương làm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 6. Anh hiểu từng nếp nhà, từng thửa ruộng, luôn có những giải pháp, cách làm hay để hướng dẫn, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế gia đình.

Anh Lục Văn Bình, người dân thôn 6 kể, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo một phần là do chưa có nhà ở kiên cố, phần nữa vì chưa mạnh dạn đầu tư làm ăn. Nắm bắt được điều đó, Trưởng thôn Vũ Văn Cương đã lập hồ sơ đề xuất với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai hỗ trợ gia đình anh Bình 50 triệu đồng để làm nhà. Cùng với số tiền tích lũy của gia đình, anh Bình làm được ngôi nhà 3 cứng với diện tích sử dụng gần 100m2.

Chưa dừng lại ở đó, Trưởng thôn Vũ Văn Cương còn vận động, hướng dẫn anh Bình mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia H’Drai để mở quán ăn, trồng cây điều trên bờ lô hợp thủy. “Giờ đây, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập hơn 150 triệu đồng ngoài tiền lương, không chỉ thoát được nghèo mà có cuộc sống ngày một khấm khá. Gia đình tôi biết ơn anh Cương rất nhiều, anh ấy là người trưởng thôn của dân, vì dân”, anh Lục Văn Bình chia sẻ.

Chi nhánh 716 còn có các trưởng thôn mang quân hàm như: Thiếu tá QNCN Kiều Bá Oanh, Đội trưởng Đội 7 kiêm Trưởng thôn 8 (xã Ia Đal); Đại úy QNCN Lê Văn Bình, Đội trưởng Đội 10 kiêm Trưởng thôn 7 (xã Ia Đal); Đại úy QNCN Nguyễn Đăng Hưởng, Đội phó Đội 11 kiêm Trưởng thôn Ia Der (xã Ia Đal). Ở xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 (Binh đoàn 15) cũng có 3 cán bộ làm trưởng thôn và hàng chục cán bộ khác tham gia hệ thống chính trị ở cơ sở.

Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78 khẳng định: “Những trưởng thôn mang quân hàm-cán bộ hai vai của đơn vị không chỉ để lại hình ảnh đẹp về sự tận tụy, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân mà còn tích cực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/ket-hop-kinh-te-voi-quoc-phong-o-binh-doan-15-nhung-cach-lam-sang-tao-hieu-qua-bai-2-xay-dung-suc-manh-mem-776079