Kbang: Các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả

Nhiều mô hình, dự án phát triển nông nghiệp do huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) triển khai trong giai đoạn 2020-2023 đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2020-2023, huyện Kbang triển khai 149 mô hình, dự án, phương án sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí trên 47,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 23,7 tỷ đồng.

Trong đó, một số mô hình, dự án mang lại hiệu quả, được đề xuất nhân rộng như: sản xuất các giống lúa HN6 và ĐT100; nuôi ốc bươu đen; tưới tiết kiệm nước trên cây mía; trồng thử nghiệm một số loại nấm tại xã Kông Lơng Khơng; trồng cây ăn quả gắn với cải tạo vườn tạp tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số; trồng thí điểm cây cam ruột đỏ, quýt hồng tại 2 xã Kon Pne, Đăk Rong; trồng cây mắc ca; hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả; tái canh cây cà phê vối; liên kết trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê; trồng dừa xiêm lùn, dứa, bưởi da xanh; nuôi heo đen trong làng đồng bào dân tộc thiểu số...

Mô hình hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả tại thị trấn Kbang. Ảnh: L.N

Ông Đổng Văn Thái (làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng) cho hay: Năm 2020, gia đình ông tham gia mô hình trồng thử nghiệm nấm bào ngư với diện tích 50 m2 và được hỗ trợ men giống nguyên liệu, kỹ thuật phối trộn, đóng bịch vào túi ni lông chịu nhiệt hấp khử trùng. Sau hơn 1 tháng chăm sóc, nấm cho thu hoạch đạt khoảng 150-200 gram tươi/bịch, giá bán ra thị trường tại thời điểm đó là 30 ngàn đồng/kg. Với hơn 4.000 bịch phôi giống, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng. “Kỹ thuật chăm sóc nấm bào ngư cũng đơn giản, nuôi cấy từ lúc hình thành 1 phôi đến khi thu hoạch khoảng 1-1,5 tháng. Mỗi phôi có thể cho thu hoạch 2-3 đợt”-ông Thái chia sẻ.

Tương tự, mô hình nuôi ốc bươu đen tại các xã Lơ Ku, Kông Bơ La, Đăk Hlơ có quy mô gần 0,5 ha, 9 hộ tham gia được hỗ trợ gần 160.000 con giống. Ông Nông Văn Nghĩa (thôn 1, xã Lơ Ku) chia sẻ: “Từ năm 2022 đến nay, gia đình nuôi ốc bươu đen, mỗi năm thu nhập thêm 60-70 triệu đồng. Hiện nay, đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Giờ gia đình tôi có 2 sào ao nuôi ốc bươu đen để bán con giống và thương phẩm”.

Ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết thêm: Hiện tại, diện tích nuôi ốc bươu đen trên địa bàn xã đã được mở rộng lên 3 ha của 22 hộ. Đa số người dân tận dụng diện tích vườn nhà để đào ao hồ nuôi ốc bươu đen. Với mô hình này, người dân có thu nhập 30-60 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, Dự án hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả cho các hộ dân ở ở xã Đông, Kông Lơng Khơng, Sơn Lang, Sơ Pai và thị trấn Kbang bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiều hộ trồng nhãn, ổi, quýt, cam, bơ và sầu riêng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Huế-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Phong Kbang (thị trấn Kbang) cho hay: “Chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng quy trình mà Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn. Nhờ đó, năng suất cây trồng ổn định hơn và giá sản phẩm đầu ra cao hơn giá thị trường 3-5 ngàn đồng/kg”.

Các hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc Bahnah ở xã Krong được hỗ trợ cây mắc ca giống. Ảnh: L.N

Trong khi đó, tham gia mô hình trồng cây mắc ca, dổi xanh, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc Bahnar được hỗ trợ 30-70% chi phí mua cây giống. Theo đó, huyện đã hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng cho người dân trồng hơn 520 ha cây mắc ca, gần 72 ha cây dổi xanh theo hình thức xen canh.

Ông Đỗ Công Trúc-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Hàng năm, căn cứ vào các nội dung được UBND huyện phê duyệt, Trung tâm phân công từng viên chức phụ trách trực tiếp các mô hình, dự án và hướng dẫn người dân theo hình thức cầm tay chỉ việc tại đồng ruộng. Trong đó, hướng dẫn từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch để thực hiện các mô hình đạt hiệu quả”.

Trao đổi thêm với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-thông tin: Nhìn chung, các mô hình, dự án, phương án sản xuất nông nghiệp được triển khai đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành dần các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh mang tính hàng hóa.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX về đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến cây dược liệu, cây ăn trái cho nhu cầu nội địa và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục triển khai các mô hình, vận động người dân nhân rộng các mô hình tập trung, có ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”-ông Sơn cho hay.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kbang-cac-mo-hinh-du-an-phat-trien-nong-nghiep-mang-lai-hieu-qua-post277458.html