Hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan' lần đầu tiên tại Việt Nam: Thúc đẩy kết nối, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan lên tầm cao mới

'Tôi tin tưởng rằng, chương trình 'Gặp gỡ Thái Lan' lần thứ nhất tại Việt Nam là bước đi quan trọng để tăng cường kết nối Thái Lan và Việt Nam trên mọi lĩnh vực, cùng với việc tạo điều kiện cho cả hai nước đạt được mục tiêu thương mại 25 tỷ USD trong năm 2025 và đưa Thái Lan trở thành nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 5 tại Việt Nam trong tương lai gần', Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura đã phát biểu đầy kỳ vọng sau 2 phiên thảo luận quan trọng tại Hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan' diễn ra tại Quảng Trị ngày 4-8-2023.

Khai mạc Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan.

Khai mạc Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan.

Ngày 4-8, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ nhất tại Việt Nam nhân kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976- 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan (2013 – 2023). Nằm trong khuôn khổ chương trình, cũng đã diễn ra sự kiện gặp gỡ, kết nối nội bộ giữa đối tác Quảng Trị và Thái Lan (ngày 3-8) và tổ chức trưng bày quảng bá hình ảnh về văn hóa, du lịch, xúc tiến đầu tư và sản phẩm tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan (sáng 4-8) để lại những ấn tượng sâu sắc về cơ hội kết nối, thúc đẩy hợp tác. Tham dự hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” có khoảng 500 đại biểu trong và ngoài nước. Cụ thể, đại biểu đến từ các cơ quan bộ ngành trung ương, đại diện các ngân hàng thương mại lớn và 13 tỉnh thành trong cả nước. Hiệp hội DN Thái Lan tại Việt Nam cũng như DN đến từ Thái Lan, địa biểu chính quyền 2 địa phương Mukdahan và Ubon Ratchathani tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định thời gian qua lãnh đạo hai Nhà nước đã tổ chức các chuyến thăm, gặp gỡ, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước về chính trị, kinh tế, QP-AN, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân. Và Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” tại Quảng Trị sẽ là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các cơ hội, định hướng và giải pháp đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Kỳ vọng rằng với thế mạnh và kinh nghiệm về công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp Thái Lan, khi kết hợp với các lợi thế của các địa phương Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn và thiết thực cho cả đôi bên. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Thái Lan đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực mà Thái Lan có thế mạnh như: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình (thứ 2 từ trái qua) trình bày tại phiên thảo luận chủ đề Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình (thứ 2 từ trái qua) trình bày tại phiên thảo luận chủ đề Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Ngay trong cuộc gặp gỡ, hội nghị diễn ra 2 phiên thảo luận quan trọng, gồm: Năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao; Thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông –Tây. Các diễn giả đến từ nhiều địa phương Việt Nam và các cơ quan, bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp Thái Lan đã mang đến bức tranh toàn cảnh về những cơ hội, kỳ vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Như Quảng Bình, gửi lời mời kêu gọi các nhà đầu tư Thái Lan có thế mạnh về năng lượng tái tạo nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, khí sinh học, điện địa nhiệt và một số nguồn năng lượng tái tạo khác. Hay lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất một số biện pháp thúc đẩy hợp tác trên hành lang kinh tế Đông - Tây giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thái Lan trong thời gian tới như kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chế biến các sản phẩm nông, thủy, hải sản; hạ tầng KCN; khu kinh tế, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; dịch vụ, du lịch; quản lý khách sạn, nhà hàng; công nghiệp phụ trợ; sản xuất hàng tiêu dùng; mong muốn doanh nghiệp Thái Lan nghiên cứu sử dụng Cảng nước sâu Chân Mây đê vận chuyển hàng hóa đến Việt Nam và quốc tế…Trong khi đó, Nghệ An cũng đã có những ý kiến chia sẻ đầy “màu sắc” về tình hình hội nhập chuỗi cung ứng tại địa phương. Cụ thể, các doanh nghiệp Nghệ An đã rất nỗ lực để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố vị thế để đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đến nay, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa sang 130 thị trường/khu vực trên thế giới, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường Thái Lan cũng tăng trưởng đáng kể qua các năm... Hướng tới sự hợp tác hiệu quả, các diễn giả Thái Lan gồm chuyên gia cao cấp về phân tích chính sách và kế hoạch, Bộ Năng lượng Thái Lan; Giám đốc quốc gia, B.Grimm Power Việt Nam; Tập đoàn CP Việt Nam; Tập đoàn Amata Việt Nam; Chủ tịch Mạng lưới học thuật và logistics ASSEA và Bộ Ngoại giao Thái Lan đã chia sẻ nhiều thông tin ý nghĩa cũng như cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực đề xuất. Tại hội nghị này, vai trò Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) trong thúc đẩy phát triển của các địa phương được nhấn mạnh. Được biết, năm 2023 này là kỷ niệm 25 năm ra đời EWEC, một không gian địa lý kéo dài 1.450 km, đi qua 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Riêng ở Thái Lan, Hành lang Kinh tế Đông-Tây chạy qua 7 tỉnh và ở Việt Nam chạy qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, suốt 25 năm qua, các nước đã dần dần chuyển đổi EWEC thành một trong những cơ chế hợp tác hiệu quả, năng động, ghi dấu ấn rõ ràng, đậm nét trong bức tranh kinh tế - xã hội các địa phương nằm trên tuyến.

Có 40 gian hàng của Việt Nam và Thái Lan giới thiệu sản phẩm tiêu biểu dịp này.

Có 40 gian hàng của Việt Nam và Thái Lan giới thiệu sản phẩm tiêu biểu dịp này.

Phát biểu sau hai phiên thảo luận, Đại sứ Nikorndej Balankura hy vọng sẽ tiếp tục tổ chức chương trình “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ 2 với Bô Ngoại giao Việt Nam và các tỉnh thành Việt Nam có tiềm năng lớn như Quảng Trị; tận dụng và kết nối các thỏa thuận về thành phố kết nghĩa, thành phố anh em của 19 cặp tỉnh thành để thúc đẩy chính sách 3 kết nối trên phạm vi rộng hơn. Đặc biệt, lần gặp tiếp theo nên có những mục tiêu cụ thể hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan.

Phát biểu khép lại chương trình hội nghị, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác quan trọng; các ý kiến trao đổi tại hội nghị sẽ được ban thư ký tổng hợp, báo cáo chi tiết, làm tài liệu cơ sở thúc đẩy sáng kiến chương trình, dự án hợp tác cũng như các hoạt động thương mại, sau đó sẽ triển khai trong thời gian tới giữa các địa phương Việt Nam và đối tác Thái Lan. Hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan” đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, kết nối giữa Việt Nam – Thái Lan ngày càng mạnh mẽ, lên tầm cao mới. Và ngay sau hội nghị trên, các doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam và Thái Lan đã có phiên gặp gỡ, kết nối theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tìm cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoi-nghi-gap-go-thai-lan-lan-dau-tien-tai-viet-nam-thuc-day-ket-noi-hop-tac-dau-tu-giua-viet-nam-va-thai-lan-len-tam-cao-moi-post281488.html