Học phí đại học tăng cao, chất lượng đào tạo có được nâng lên? (kỳ 1)
Hàng loạt trường đại học (ĐH) công lập tự chủ, trường ngoài công lập tăng học phí kịch trần, vấn đề này đè nặng lên vai sinh viên (SV), phụ huynh (PH). Trên thực tế, điều cần quan tâm hiện nay là học phí tăng, chất lượng đào tạo liệu có được nâng theo, bởi tôn chỉ của giáo dục (GD) trước sau vẫn là 'trồng người' chứ không phải kinh doanh, trong khi xu hướng muốn làm giàu từ GD hiện vẫn còn tồn tại ở một số trường ĐH.
Đại học Luật TPHCM có mức học phí tăng cao nhất
Do dịch Covid-19 nên năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có công văn yêu cầu các cơ sở GD-ĐT giữ học phí ổn định như năm trước đó. Tuy nhiên, năm học 2022-2023 sắp tới, học phí các trường đại học tự chủ (ĐHTC) sẽ đồng loạt tăng mạnh dựa vào Nghị định 81/2021/NĐ-CP (NĐ81) của Chính phủ, ban hành ngày 27-8-2021. Hiện trên cả nước có 23 trường ĐH thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, việc học phí tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học của SV, khi mà đa phần các trường có chủ trương tăng học phí kịch trần theo NĐ81, dù trong đó quy định các trường ĐHTC được phép thu tối đa gấp 2 - 2,5 lần trường chưa tự chủ, nhưng phần lớn các trường đều tăng học phí kịch trần.
Ngày 02-8, ĐH Luật TPHCM thông tin về học phí năm học 2022-2023 và lộ trình đến năm học 2025-2026, với mức học phí các ngành đều tăng rất cao, như hệ chất lượng cao ngành quản trị luật - kinh doanh, học phí năm 2022-2023 lên đến hơn 74 triệu đồng/năm, đến năm học 2025-2026 lên đến hơn 106 triệu đồng/năm; cao nhất là Hệ chất lượng cao ngành luật - giảng dạy bằng tiếng Anh, có học phí 165 triệu đồng/năm; năm học 2025-2026 lên đến 219,7 triệu/năm... Theo ông Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng phụ trách đào tạo của trường, học phí được tính đúng, tính đủ theo mức trần của NĐ81, vì trường thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước.
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học phí của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, theo NĐ81 cũng được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm, tăng khoảng 10,75 triệu đồng so với năm học trước. Các trường ĐH Y dược cũng tăng học phí, như ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng từ 12 - 13 triệu đồng/năm tùy ngành; các ngành y, dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm; với Đại học Y Dược TPHCM, các ngành Răng hàm mặt, Dinh dưỡng, Y tế công cộng tăng 7 triệu đồng, y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm.
Tại ĐH Quốc gia TPHCM, mức học phí của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tăng lên từ 16-60 triệu đồng/năm, gần gấp đôi so với năm 2021. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có mức học phí tăng từ 21,5 - 47,3 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, nhiều trường trong top chất lượng khác như ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Học viện Báo chí Tuyên truyền, ĐH Công nghệ thông tin...cũng tăng học phí.
Các trường ĐH ngoài công lập tăng học phí
Mức tăng học phí kịch trần của các trường ĐHTC đã kéo theo các trường ĐH ngoài công lập cũng tăng theo. Những năm học trước, ĐH Văn Lang thu học phí khóa sau tăng 10% so với các khóa trước, nhưng năm nay trường thu từ 966.000 đồng đến hơn 1.300.000 đồng/tín chỉ; học phí ngành Dược (cao nhất năm ngoái) cũng tăng gần 35%, từ 1,3 triệu đồng lên gần 1,8 triệu đồng/tín chỉ.
Đại học Hoa Sen cũng thông báo tăng học phí cho năm học mới, với mức học phí các ngành dao động từ 26 triệu đến 39 triệu đồng. Tại ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, năm nay nhà trường tăng học phí 12,5%, mức thu từ 800.000 đồng/tín chỉ tăng lên 900.000 đồng/tín chỉ.
Tại ĐH Quốc tế Sài Gòn cũng tăng học phí từ năm học 2020-2021, với các ngành có chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt là 31,2 triệu đồng/ học kỳ; những ngành còn lại thu mỗi kỳ khoảng 27,8 triệu đồng. Học phí chương trình dạy bằng tiếng Anh tăng hơn 7%, từ 66,9 triệu đồng lên gần 72 triệu đồng/học kỳ.
Học phí tăng, chất lượng đào tạo liệu có nâng theo?
Theo nguyên tắc thị trường, tăng phí là tăng chất lượng. Trong GD cũng vậy, tôn chỉ của GD trước sau vẫn là "trồng người" chứ không phải KD, mặc dù vậy xu hướng muốn làm giàu từ GD hiện vẫn còn tồn tại ở một số trường ĐH. Lạm dụng thu học phí và mở rộng đào tạo để thu hút người học nhưng không đảm bảo chất lượng, SV ra trường không có việc làm, đó cũng là sự lãng phí về nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh chính sách tín dụng cho sinh viên
Để giải bài toán học phí cho SV nghèo, GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho rằng khi tăng học phí sẽ đi cùng với tăng chất lượng và nâng chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, ông Hà cũng chỉ ra mặt hạn chế đối với những SV có gia cảnh khó khăn sẽ thêm gánh nặng khi học phí tăng cao.
Theo GS Hà, ngoài việc các trường có chính sách học bổng cho các SV này, chia ra nhiều kỳ học để dễ đóng, cần đẩy mạnh chính sách tín dụng. Người học sẽ được vay chi phí đi học không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Tuy nhiên, chính sách tín dụng dành cho học tập ở nước ta thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi thủ tục còn rườm rà hoặc phụ huynh có những lo ngại về rủi ro trong chi trả.
Thực tế nhiều trường ĐH ngoài công lập, ngay cả các trường công, việc đầu tư cho chất lượng đào tạo chưa được chú trọng. Nhiều ngành kỹ thuật với yêu cầu cơ sở vật chất rất cao nhưng nhiều trường không đầu tư, đi thuê cơ sở của trường khác để SV thực tập là điều dễ thấy. Vậy thì lấy đâu ra chất lượng đào tạo?
Trên thực tế, nhiều trường vẫn chưa làm tốt khoản đầu tư cho các ngành học. Ví dụ các ngành đào tạo về y dược, nếu tính đúng, tính đủ, học phí phải trên 100 triệu đồng/năm, nhưng thử hỏi các khoa y dược ở các trường ngoài công lập hiện nay đầu tư đến đâu để xứng đáng với số học phí mà SV phải nộp. Do vậy, yêu cầu trước hết của việc tăng học phí là phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại hội nghị về tự chủ ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 04-8, vấn đề tài chính là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi nhất và cũng là vấn đề đau đầu nhất của các trường ĐH Việt Nam trên lộ trình tự chủ. Phát biểu vì sao phải tăng học phí, PGS-TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác, nhưng việc gia tăng nguồn thu phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí, nhưng việc này cũng có những mặt trái, nổi lên là tạo áp lực lên người học. Ông Thụy dẫn chứng từ số liệu của Tổng cục Thống kê 2018-2020, theo đó tổng chi ngân sách cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 0,2% GDP năm 2018, năm 2019 giảm còn 0,19%, năm 2020 chỉ còn 0,18%.
Chính Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, khi các cơ quan chủ quản cắt giảm kinh phí, nhiều trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành, đầu tư phát triển và giữ đội ngũ giảng viên giỏi. Nguyên nhân của vấn đề trên là do cách hiểu sai lầm của nhiều cơ quan có thẩm quyền về vấn đề tự chủ ĐH. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là Nhà nước cần khẳng định việc tiếp tục đầu tư tài chính từ ngân sách, chi đầu tư từ các bộ, ngành cho lĩnh vực giáo dục ĐH mà bộ, ngành quản lý... để tự chủ không đồng nghĩa với cắt toàn bộ đầu tư nhà nước như giai đoạn thí điểm.
Tại hội nghị, đại diện các trường cho rằng đừng xem tự chủ là trường ĐH tự lo về tài chính, hệ quả là các trường ĐH chỉ còn cách tăng thu học phí. Theo GS Trần Đức Viên, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang lấy tiêu chí "tự túc" về kinh phí chi thường xuyên và mức độ "tự lo" về chi đầu tư làm tiêu chí hàng đầu để cho phép một trường ĐH được tự chủ. Vì thế, tự chủ ĐH đồng nghĩa với việc đánh đổi giữa "hy sinh" kinh phí cấp phát để lấy quyền tự quyết về một số lĩnh vực.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, phát biểu: "Nghịch lý tại Việt Nam hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ, trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Trên thực tế, chưa có nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình tự túc".
(Còn tiếp...)