Hoàn thiện chính sách về cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Chiều 22-2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Cảnh vệ được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã bám sát và cụ thể hóa các chính sách được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 16/NQ-CP gồm: Bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội là đối tượng cảnh vệ; hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cụ thể, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng theo hướng thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ.

Sự kiện có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Dự thảo luật bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng luật hóa một số nhiệm vụ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện như: Xây dựng, diễn tập phương án để thực hiện công tác cảnh vệ, huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân, huấn luyện nâng cao, huấn luyện đặc thù, diễn tập phương án tác chiến thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cảnh vệ cho Công an các đơn vị, địa phương; lực lượng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ và lực lượng khác phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ; quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ.

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 15/33 điều của Luật Cảnh vệ, trong đó tập trung vào các chính sách lớn như sửa đổi, bổ sung đối tượng cảnh vệ, biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, chế độ, chính sách đối với công tác cảnh vệ.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát toàn diện Luật Cảnh vệ hiện hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hoạt động cảnh vệ ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo đảm đầy đủ địa bàn của công tác cảnh vệ.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Cảnh vệ cho thấy, nhiều nội dung của luật cần sửa đổi, một mặt chủ động bổ sung một số nội dung để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế bất cập trong quá trình thi hành luật. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết và xác đáng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, công tác chuẩn bị dự án luật đầy đủ, công phu. Nội dung cơ bản thể chế hóa đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng cảnh vệ trong quân đội, công an, cơ bản bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thực tiễn và quy định của Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, về cơ bản dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét trình Quốc hội thông qua tại một kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo các ý kiến đóng góp, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để khi trình Quốc hội thông qua đạt được sự đồng thuận cao nhất.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoan-thien-chinh-sach-ve-canh-ve-dap-ung-yeu-cau-trong-tinh-hinh-moi-765946