Hình thức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới.

Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận

Theo Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Bùi Quang Thái, để Luật Đường bộ sớm đi vào cuộc sống, Cục đang xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, tránh khoảng trống pháp lý khi luật đã có hiệu lực. Nghị quyết 52 của Quốc hội năm 2017 đã có chủ trương cho phép thu phí các tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Hình thức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Hình thức thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Triển khai chủ trương này, Bộ GTVT nhất quán thống nhất những tuyến cao tốc đảm bảo chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu phí mới triển khai thu phí, trên cơ sở Nhà nước thu phí đường cao tốc không vì mục đích lợi nhuận, chủ yếu tạo nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì, đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.

Dự báo của Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, trong 10 năm tới, nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%. Thêm vào đó, nhân lực quản lý, vận hành cao tốc cũng đang là bài toán khó, khi đến năm 2030 cần 10.000 công nhân vận hành. Về mức thu phí, Cục đang nghiên cứu các kịch bản, tính toán, đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng.

Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có cao tốc do Nhà nước đầu tư đi qua hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm một số nước thu phí cao tốc từ nguồn vốn đầu tư công hiện nay, sau khi đưa vào vận hành, đã thu phí để bảo trì, hoàn vốn và tái đầu tư phát triển mở rộng mạng lưới cao tốc mới. Đơn cử, Trung Quốc thực hiện thu phí khoảng hơn 150.000 km đường bộ cao tốc bằng hình thức thu phí tự động không dừng, áp dụng hình thức chuyển nhượng quyền thu phí cao tốc, sau đó bên nhận sẽ thu phí và vận hành. Thời hạn chuyển nhượng quyền thu phí theo thỏa thuận, thời gian không quá số năm do Nhà nước quy định.

Hay tại Hàn Quốc, Chính phủ xây dựng mô hình thành lập các tổng công ty đường bộ cao tốc là doanh nghiệp Nhà nước, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển đường cao tốc. Hàn Quốc thực hiện mô hình hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư và tổng công ty chịu trách nhiệm 50%. Nguồn vốn đầu tư do Nhà nước hỗ trợ được sử dụng để chi trả cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng tuyến đường. Với các tuyến cao tốc được doanh nghiệp xây dựng, khai thác, tổng công ty sẽ trực tiếp quản lý vận hành, thu phí và bảo trì tuyến đường...

Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến sẽ thu phí các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ (QL)45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. Các tuyến cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Binh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau sau khi hoàn thành cũng sẽ thu phí.

Hai hình thức thu phí

Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng, lựa chọn 2 hình thức thu phí: Cơ quan quản lý tài sản là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu phí và đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý. Trong mọi trường hợp, Cục Đường bộ Việt Nam đều có phương án dự phòng, nếu không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ đứng ra thực hiện trên tinh thần cung cấp sản phẩm dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục cho người tham gia giao thông.

Với hình thức thứ nhất, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Phương án này có nhược điểm là sau khi thu phí sẽ nộp ngân sách Nhà nước, khó thực hiện lộ trình bảo trì. Với hình thức thứ 2, nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và trực tiếp quản lý bảo trì tuyến đường, Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định. Hình thức này có nhiều ưu điểm, nhưng đối với những tuyến cao tốc có lưu lượng xe lưu thông thấp sẽ khó hấp dẫn nhà đầu tư.

Về vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và giao thông Phương Thành, đơn vị quản lý thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho rằng, nếu thực hiện theo phương án Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu phí, việc thu hồi vốn sẽ không được tập trung, khó đạt mục tiêu thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư, để có nguồn lực tái đầu tư các dự án, công trình hạ tầng giao thông. Còn với phương án bán quyền thu phí, nhà đầu tư có thể đếm xe để tính toán sơ bộ, cân nhắc việc đầu tư vốn. Song, dù áp dụng phương án nào, cũng cần lưu ý nguyên tắc công khai, minh bạch về số phí thu được, chi phí vận hành...

Theo Điều 50 Luật Đường bộ, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác, bao gồm: Đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công, đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước. Về quản lý, sử dụng các nguồn thu từ phí sử dụng đường cao tốc, Luật Đường bộ quy định, cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản nộp số phí thu được vào ngân sách theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Vân Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hinh-thuc-thu-phi-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu-20240702161901445.htm