Thái Nguyên: Một hộ dân xây chặn đường liên xóm đòi lại đất đã hiến vì Xã 'quên' thỏa thuận

Việc làm này đã khiến hơn 150 hộ dân xóm 10 và xóm 11, xã Phúc Tân, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bắt buộc phải đi qua tuyến đường này bị ảnh hưởng, việc vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng bằng xe ô tô bị gián đoạn.

Ông Lê Hồng Quang (áo xanh) là người xây chặn đoạn đường độc đạo từ xóm 10 và 11 ra bên ngoài. Ảnh: Tuấn Tú.

Ông Lê Hồng Quang (áo xanh) là người xây chặn đoạn đường độc đạo từ xóm 10 và 11 ra bên ngoài. Ảnh: Tuấn Tú.

Vì sao chặn đường giao thông nhưng không bị xử lý?

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ngày 24/6/2024, gia đình ông Lê Hồng Quang đã xây bức tường chắn ngang đường liên xóm từ trung tâm xã Phúc Tân vào xóm 10 và 11, chỉ để một lối đi cho xe máy và người đi bộ qua lại. Xe ô tô con, xe tải vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng không thể qua lại được. Trong khi đó, đây là lối đi duy nhất ra bên ngoài của hơn 150 hộ dân (xóm 10 có 77 hộ; xóm 11 có 78 hộ).

Sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND xã Phúc Tân cùng cán bộ chuyên môn kiểm tra, vận động nhiều lần để gia đình ông Quang tháo dỡ hàng rào. Sau 3 ngày thì ông Quang đã mở rộng thêm phần lề đường đủ để xe tải nhỏ có thể đi qua. Gia đình ông kiên quyết không chịu dỡ bỏ phần còn lại, mà còn dựng cả lán bên cạnh để trông giữ bức tường rào.

Sau khi được vận động, ông Lê Hồng Quang đã nới phần tường rào chắn trên đường đủ để xe tải nhỏ có thể qua lại được, còn các loại xe tải lớn hơn chở nông sản cho bà con vẫn chưa thể đi qua được. Ảnh: Tuấn Tú.

Sau khi được vận động, ông Lê Hồng Quang đã nới phần tường rào chắn trên đường đủ để xe tải nhỏ có thể qua lại được, còn các loại xe tải lớn hơn chở nông sản cho bà con vẫn chưa thể đi qua được. Ảnh: Tuấn Tú.

Giải thích về việc xây dựng tường chắn đường giao thông, ông Lê Hồng Quang cho biết: Vào năm 2000, đường liên xóm bị ngập do mực nước hồ Núi Cốc dâng cao, gia đình ông Quang đã tự nguyện tháo dỡ căn nhà cấp 4 chuyển sang vị trí khác, làm đường tạm thời cho người dân 2 xóm 10 và 11 đi nhờ. Về căn nhà cấp 4, trước khi tháo dỡ được xây dựng và sinh sống ổn định từ năm 1975, nằm trên thửa đất số 42, tờ bản đồ số 87II; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) năm 1994 với diện tích là 324m2 đất ở nông thôn.

Năm 2007, gia đình ông Lê Hồng Quang làm nhà kiên cố tại vị trí hiện nay, nhưng chỉ là đất trồng cây lâu năm chứ không phải đất thổ cư. Thửa đất làm nhà nằm liền kề với thửa 42 nói trên.

Năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đầu tư tuyến đường bán ngập hồ Núi Cốc, ông Quang tự nguyện hiến đất cho Nhà nước tổng cộng 378m2, trong đó có một phần diện tích của thửa đất số 42. Theo thỏa thuận của UBND xã Phúc Tân và gia đình ông Quang vào ngày 24/11/2012 (sau đó biên bản thỏa được điều chỉnh vào ngày 6/11/2012), địa phương có trách nhiệm điều chỉnh lại GCN theo đúng hiện trạng mới, hỗ trợ gia đình ông Quang hoán đổi phần đất thổ cư từ vị trí đã hiến làm đường lên vị trí ngôi nhà đang ở. Ông Trần Đức Minh là cán bộ địa chính xã thời điểm đó là người cầm GCN của gia đình ông Quang để thực hiện việc cấp đổi.

Đến cuối tháng 3/2013, gia đình ông Quang nhận được GCN mới do huyện Phổ Yên (nay là thành phố Phổ Yên) cấp theo Quyết định số 2688, ngày 19/3/2013. Thấy trên GCN thể hiện có đầy đủ 324m2 đất ở nông thôn và 1.938m2 đất sản xuất nông nghiệp, nên gia đình yên tâm và cất đi.

Ông Bùi Văn Lương (hiện là Bí thư Thành ủy Phổ Yên) là người ký cấp GCN cho ông Lê Hồng Quang, nhưng với lý cấp lại do GCN cũ hỏng, chứ không phải là điều chỉnh theo đúng hiện trạng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Bùi Văn Lương (hiện là Bí thư Thành ủy Phổ Yên) là người ký cấp GCN cho ông Lê Hồng Quang, nhưng với lý cấp lại do GCN cũ hỏng, chứ không phải là điều chỉnh theo đúng hiện trạng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Phải đến năm 2021, cần vốn làm ăn nên ông Quang lấy GCN để làm thủ tục vay thế chấp ngân hàng thì không được chấp nhận. Sau khi kiểm tra, xác minh làm rõ thì phát hiện GCN được cấp năm 2013 không được điều chỉnh hiện trạng, mà chỉ là cấp lại với lý do GCN cũ, hỏng. Tức toàn bộ phần diện tích đất 378m2 đã hiến để làm đường vẫn nằm trong sổ của nhà ông Quang.

Lúc này gia đình ông Quang mới kiến nghị lên xã Phúc Tân và các cơ quan chức năng yêu cầu điều chỉnh lại GCN theo đúng hiện trạng, cũng như hoán đổi đất thổ cư theo đúng thỏa thuận năm 2012 giữa UBND xã Phúc Tân và gia đình.

Ông Quang cho biết: Gia đình tôi nhường đất cho người dân đi lại, hiến đất cho Nhà nước làm đường, nhưng cán bộ thời điểm đó tắc trách, không điều chỉnh đất kịp thời theo đúng hiện trạng. Sau 3 năm gửi đơn đi nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không được giải quyết điều chỉnh đúng với thực tế, nên tôi bắt buộc phải xây lại phần đất của gia đình để đòi lại quyền lợi đáng được hưởng.

Đường đi cũ vào xóm 10 và xóm 11 trước đây (bôi đỏ) nay đã bị ngập nước, còn phía bên phải (khoanh vàng) là đất hiến, nhưng hiện vẫn nằm trong GCN nhà ông Quang. Ảnh: Tuấn Tú.

Đường đi cũ vào xóm 10 và xóm 11 trước đây (bôi đỏ) nay đã bị ngập nước, còn phía bên phải (khoanh vàng) là đất hiến, nhưng hiện vẫn nằm trong GCN nhà ông Quang. Ảnh: Tuấn Tú.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Trần Quốc Thung, người dân xóm 10 cho rằng: Ông Quang là người sống hòa đồng mọi người, nhiều lần nhường đất cho người dân trong xóm đi lại mà không đòi hỏi đền bù nên được bà con rất quý mến. Mong muốn các cấp, ngành sớm có biện pháp giải quyết cho gia đình ông Quang, trả lại đường đi vào xóm 10 và 11 cho người dân.

Ông Hà Minh Tiến - Trưởng xóm 11 (51 tuổi) nói: Tôi sống từ nhỏ tại xóm 11 nên khẳng định trước đây đường cũ nằm ở vị trí giáp với mặt hồ Núi Cốc. Từ năm 2000, nước hồ dâng cao khiến con đường vào xóm 10 và 11 bị ngập nước, lúc đó ông Quang đã chuyển nhà sang vị trí khác để cho người dân đi nhờ qua đất. Sau này làm đường giao thông bê tông kiên cố, ông Quang đã hiến đất cho Nhà nước làm đường.

Ông Hà Minh Tiến trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Tuấn Tú.

Ông Hà Minh Tiến trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Tuấn Tú.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Thái Anh – Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết, đoạn đường hiện nay bị xây tường rào chắn vẫn nằm trong GCN nhà ông Lê Hồng Quang là sự thật. Việc điều chỉnh hiện trạng đất theo đúng thực tế không kịp thời, dẫn tới thiệt thòi cho gia đình ông Quang.

Ông Thái Anh cho rằng, việc người dân đòi hỏi quyền lợi là chính đáng, nhưng xây tường chắn đường là việc làm gây cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông… Lãnh đạo xã Phúc Tân vận động ông Quang mở lối để người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, đồng thời phối hợp với các cơ quan cấp trên có biện pháp giải quyết sớm nhất.

Ông Lê Thái Anh - Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết, thành phố Phổ Yên, xã Phúc Tân và các đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ảnh: Tuấn Tú.

Ông Lê Thái Anh - Chủ tịch UBND xã Phúc Tân cho biết, thành phố Phổ Yên, xã Phúc Tân và các đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết thỏa đáng nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ảnh: Tuấn Tú.

Xã Phúc Tân không có thẩm quyền điều chính diện tích, hiện trạng đất cho người dân, nhưng ở thời điểm năm 2012, nếu cơ quan chức năng thực hiện việc điều chỉnh đất từ đất trồng cây sang đất ở cho người dân có thể thực hiện được. Còn hiện tại, toàn bộ khu vực lân cận nhà ông Quang, bao gồm cả vị trí ngôi nhà đang ở cũng được quy hoạch đất trồng cây, vì vậy việc điều chỉnh hiện trạng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Công Thịnh – Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên đã chỉ đạo xã Phúc Tân phải đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông qua tuyến đường vào xóm 10 và 11. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp với xã và gia đình ông Quang tìm ra hướng giải quyết thỏa đáng, không để người dân bị thiệt thòi.

Trước đó tại xóm Quân Cay, xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên cũng xảy ra vụ việc tương tự, lý do cũng đến từ việc những người có trách nhiệm không điều chỉnh hiện trạng đất theo đúng thực tế.

Cụ thể: Vào tháng 2 và tháng 4/2024, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân đã xây chặn 2 đoạn đường dân sinh để đòi lại đất vì phát hiện đoạn đường vẫn nằm trong GCN của nhà mình. Trong khi gia đình ông Xuân đã nhường phần đất này cho người dân địa phương đi lại từ trước năm 1994; Đến năm 2017, tuyến đường cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng bê tông kiên cố.

Đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết, người dân không có đường vận chuyển thóc nông sản vào nhà.

Cũng tại thành phố Phổ Yên, ông Nguyễn Văn Xuân ở xóm Quân Cay, xã Phúc Thuận đã xây chặn đường dân sinh vì vẫn nằm trong GCN của gia đình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cũng tại thành phố Phổ Yên, ông Nguyễn Văn Xuân ở xóm Quân Cay, xã Phúc Thuận đã xây chặn đường dân sinh vì vẫn nằm trong GCN của gia đình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Toán Nguyễn - Tuấn Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thai-nguyen-mot-ho-dan-xay-chan-duong-lien-xom-doi-lai-dat-da-hien-vi-xa-quen-thoa-thuan-10284867.html