Hiểm họa rình rập khi vừa lái xe ô tô vừa ôm trẻ

Hiện chưa có quy định xử phạt hành vi vừa lái xe ô tô vừa ôm trẻ, nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tôi thấy nhiều phụ huynh vừa lái xe ô tô vừa ôm trẻ ngồi trong lòng, ngay ghế lái, thậm chí dùng một tay giữ con một tay cầm vô lăng, rất nguy hiểm. Xin hỏi hành vi này bị xử phạt như thế nào, thưa luật sư?

Bạn đọc Khánh Đàm (TP.HCM)

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:

Theo Luật giao thông đường bộ, hiện không có quy định về việc xử phạt người vừa lái xe ô tô vừa ôm trẻ em ngồi vào lòng mà chỉ quy định việc người ngồi ghế nào trên xe và ngồi như thế nào cho đúng cách.

Cụ thể tại khoản 2 Điều 9 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định xe ô tô có trang bị các thiết bị bảo đảm an toàn (giây an toàn) thì người ngồi trên xe, bao gồm cả người lái xe và những người ngồi ở hàng ghế phía trước trong ô tô phải thắt dây an toàn.

Vì vậy, hành vi để trẻ ngồi trong lòng khi tham gia giao thông không thuộc trường hợp bị xử lý vi phạm. Nhưng để cho trẻ nhỏ sử dụng vô lăng của xe trong quá trình điều khiển thuộc trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện để tham gia giao thông. Việc làm này vô cùng nguy hiểm, bản thân người lái cũng như những người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt.

Cụ thể Nghị định số 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021 quy định mức xử phạt như sau:

- Đối với cá nhân khi giao phương tiện hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng". (Theo điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định số 100/2019).

Trước đây, cộng đồng mạng từng dậy sóng khi xuất hiện clip tài xế để trẻ em ôm vô lăng, suýt mất tay lái. Ảnh: Cắt từ clip.

- Còn đối với trường hợp khi trẻ nhỏ chẳng may sử dụng vô lăng lái xe mà gây ra hậu quả như: Làm chết người, tai nạn gây ra thương tích hoặc gây ra tổn hại về mặt sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại từ 61% trở lên. Gây ra thương tích cho 2 người trở lên mà mức tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người bị hại có tổng là từ 61% trở lên, có thiệt hại về tài sản mà mức thiệt hại về tài sản có giá trị là từ 100 triệu đồng trở lên.

+ Cha mẹ hoặc người lái xe hơi cho trẻ cầm vô lăng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (theo Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015), có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

+ Còn mức cao nhất có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù giam, ngoài ra người thực hiện hành vi còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Như vậy, hành vi cho trẻ nhỏ ngồi vào lòng (ngồi ghế trước vô lăng) là rất nguy hiểm mà nhiều người điều khiển xe hơi chưa lường trước được hậu quả. Trong trường hợp điều khiển xe ô tô, để trẻ nhỏ ngồi trong lòng mà vô tình trẻ cầm tay vào vô lăng làm xe chạy chệch hướng, nếu không xử lý kịp thời sẽ xảy ra tai nạn.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến người điều khiển xe hơi, trẻ nhỏ, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của những người tham gia giao thông khác.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hiem-hoa-rinh-rap-khi-vua-lai-xe-o-to-vua-om-tre-post780390.html