Hành trình 3 thập kỷ đưa cha về đất Mẹ
Cho đến ngày nhận được giấy báo tử, vợ của liệt sĩ Lê Thanh Tùng (bí danh Thư) mới hay chồng là chiến sĩ tình báo đơn vị T65 của Bộ CA, hoạt động bí mật ngay địa bàn Quảng Trị và Thừa Thiên Huế những năm dài ác liệt của cuộc trường kỳ kháng chiến, giải phóng dân tộc. Ông đã ngã xuống tại dãy núi Răng Cưa, H.Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), mang theo nỗi nhớ về đứa con gái bé bỏng duy nhất chưa từng được thấy mặt. Ròng rã đến 30 năm sau, người con gái ấy cùng người thân, đồng đội mới tìm thấy được hài cốt ông Tùng để đưa về quê an táng.
Người con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Thanh Tùng là chị Lê Thị Lan Hương, hiện là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Tại Nhà bia Tưởng niệm đơn vị Tình báo T65 - Bộ CA (thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, TX Quảng Trị), trong danh sách 10 liệt sĩ tình báo T65 ở bia tưởng niệm, liệt sĩ Tùng ở vị trí thứ 10, được xếp theo năm hy sinh. Như nội dung giấy báo tử, liệt sĩ Tùng hy sinh vào giữa tháng 1-1973. Lúc đó, chị Hương mới được 4 tuổi, chưa một lần được nhìn thấy cha.
Theo như lời mẹ kể thì hai ông bà nên duyên khi bà ở nông trường Quyết Thắng phía tây Vĩnh Linh. Bà quê Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) còn ông quê làng An Thái (xã Cam Tuyền, H. Cam Lộ), kết hôn rồi bà vẫn ở nông trường còn ông đi chiến đấu. Ông kiên trung, giữ bí mật tuyệt đối về nhiệm vụ nên bà chỉ biết ông hoạt động cách mạng mà không hề biết là chiến sĩ tình báo CA. Chiến tranh ác liệt, số lần vợ chồng gặp nhau ít ỏi, mãi đến 5 năm sau ngày cưới, bà mới mang thai đứa con đầu lòng là chị Hương. Ông “ở xa” biết tin, vui mừng khôn xiết nhưng vẫn chưa thể về thăm hai mẹ con. Vì yêu cầu công tác, ông hầu như không để lại cho vợ con nhiều kỷ vật gì như ảnh hay thư từ, ngoài 1 tấm ảnh chân dung bé tí đã mờ. Chính vì thế, ký ức về cha chỉ còn qua nhớ thương của mẹ, khắc khoải của người thân. Mãi nhiều năm sau, khi có thêm thông tin về đơn vị T65 huyền thoại, chị mới hình dung cha mình và đồng đội đã chiến đấu sinh tử như thế nào trong năm tháng gian khổ nhưng thấm đẫm tự hào đó.
T65 được thành lập vào năm 1965 trên cơ sở sáp nhập tổ tình báo Z17 và A5. Trước đó, Z17 được Bộ CA triển khai từ năm 1958 với nhiệm vụ đứng chân ở H.Vĩnh Linh nhằm tổ chức đường dây giao thông qua lại giới tuyến để liên lạc với cơ sở miền Nam, thu thập tin tức tình báo, xác minh... Qua đó đã hình thành một đường giao thông liên lạc thông suốt, đảm bảo an toàn bí mật nối từ Vĩnh Linh và Quảng Trị qua vĩ tuyến 17, phục vụ đưa đón nhiều lượt cán bộ, chuyển chỉ thị, tài liệu bí mật vào Nam và ngược lại.
Trước tình hình địch gia tăng, để chủ động nắm sâu hơn tình hình địch ở chiến trường và xác minh, tìm chọn đầu mối xây dựng lực lượng bí mật đi sâu vào các mục tiêu trên toàn địa bàn miền Nam, từ tháng 5 – 1961 đến tháng 8 – 1962, Bộ CA lần lượt triển khai 5 tổ điệp báo, đặt bí số từ A1 đến A5 hoạt động theo phương thức “bí mật bất hợp pháp”, riêng A5 đứng chân tại địa bàn Quảng Trị. Qua một thời gian, Bộ CA đã lần lượt bàn giao các tổ từ A1 đến A4 cho An ninh Trung ương Cục và An ninh các địa phương phía Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo, riêng Z17 và A5 vẫn do lãnh đạo Bộ CA tiếp tục quản lý để rút kinh nghiệm chỉ đạo công tác an ninh miền Nam. Chính vì thế, vào năm 1965, khi Z17 và A5 sáp nhập thành T65, đơn vị này trở thành đơn vị tình báo duy nhất ở miền Nam đặt dưới sự lãnh chỉ đạo trực tiếp và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ CA và Cơ quan Tình báo CA Trung ương.
T65 tiến hành công tác tình báo ở địa bàn chính là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và từng bước mở rộng ra các địa bàn xa hơn như Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. T65 chọn núi rừng của H.Hải Lăng (Quảng Trị) làm hậu cứ. Trong đó, thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, TX Quảng Trị được T65 và các tổ chức tình báo tiền thân là Z17 và A5 chọn làm địa bàn hoạt động từ năm 1961 đến 30-4-1975.
Với những chiến công, T65 đã góp phần quan trọng vào chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam và làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của ngành tình báo CA Việt Nam. Và liệt sĩ Lê Thanh Tùng là một trong những chiến sĩ thầm lặng đó. Sau khi trúng mìn định hướng, bị thương nặng ở địa bàn Lộc Vĩnh (H.Phú Lộc), ông được đồng đội đưa lên núi Răng Cưa (H.Phú Lộc) và đã hy sinh tại đây. Đồng đội chôn cất ông giữa cánh rừng già, dù đã làm dấu nhưng khi chiến tranh qua đi, cảnh vật đổi thay, lần tìm nhiều đợt mà nỗi đau cứ thế dày thêm.
Chị Hương kể hành trình tìm cha là quãng dài của gia đình với hơn 10 lần với sự tham gia của cả đại gia đình, chú bác bà con. Được biết, sau ngày đất nước thống nhất, mẹ chị đi bước nữa, sinh thêm 2 người con. Người chồng sau của bà là cựu chiến binh trải qua hai cuộc kháng chiến, thấu hiểu nỗi mất mát và vô cùng thương yêu chị Hương. Ông cũng có con riêng với người vợ đầu đã tử nạn trong chiến tranh, khi về chung một nhà, khó khăn bộn bề nhưng đại gia đình luôn đùm bọc, hòa thuận, thương yêu. Sau khi học xong đại học và kết hôn, chị Hương càng tăng dày những chuyến tìm kiếm hài cốt cha. Và trong mọi cuộc tìm kiếm ấy, cả đại gia đình đều gắn bó đồng hành. Lần này qua lần khác, năm này qua năm khác, tưởng đã không còn tia hy vọng nhưng chị Hương cùng mẹ và người thân vẫn không từ bỏ. Niềm thương yêu thôi thúc, cùng với hỗ trợ không mệt mỏi của những đồng đội cũ, trong đó đồng đội Kiên ở H.Phú Lộc và bà con ở đó, một ngày mưa gió của tháng 10 – 2004, đoàn tìm kiếm đã phát hiện, cất bốc được hài cốt liệt sĩ Tùng giữa mịt mùng núi Răng Cưa và đưa về an táng tại NTLS quốc gia Đường 9.
Trong một lần ra thăm bảo tàng nơi có lưu giữ về hình ảnh hoạt động T65, chị Hương bắt gặp được tấm hình về người cha thương yêu. Tại đây, chị càng hiểu hơn những hy sinh thầm lặng của cha cùng đồng đội, và niềm thiêng liêng ấy như mạch nguồn chảy mãi…
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_223616_hanh-trinh-3-thap-ky-dua-cha-ve-dat-me.aspx