'Hành tinh khỉ: Vương quốc mới' - bộ phim gây choáng ngợp về hình ảnh

'Kingdom of the Planet of the Apes' mang đến bữa tiệc đồ họa kỹ xảo choáng ngợp. Phim dù còn hạn chế trong kịch bản nhưng vẫn mở ra tương lai đầy tiềm năng cho thương hiệu.

Genre: Khoa học viễn tưởng, Phiêu lưu
Director: Wes Ball
Cast: Owen Teague, Freya Allan, Kevin Durand...
Rating: 7/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim

Là phần thứ 4 thuộc chuỗi phim tái khởi động, Kingdom of the Planet of the Apes mang trọng trách kế nhiệm những di sản mà trilogy đình đám trước đó để lại. Nhận lời cầm trịch dự án này, thách thức mà đạo diễn Wes Ball gặp phải là việc tiếp nối câu chuyện về hành trình của loài khỉ, khi giờ đây đã không còn thủ lĩnh Caesar - nhân vật vốn được coi là linh hồn của thương hiệu.

Tác phẩm có phần táo bạo khi lựa chọn cuộc nội chiến của loài khỉ làm trung tâm, thay vì xung đột giữa khỉ và người như các phần trước đó. Giờ đây, câu hỏi về tương lai của loài khỉ được nêu bật khi cuộc nội chiến đã đi ngược với tư tưởng của Caesar, rằng khỉ thì không giết khỉ.

Kỷ nguyên mới của loài khỉ

Kingdom of the Planet of the Apes (tựa Việt: Hành tinh khỉ: Vương quốc mới) xảy ra nhiều năm sau các sự kiện của phần phim năm 2017. Lúc này, khỉ trở thành loài thống trị hành tinh, còn con người phải chịu cảnh nép mình trong bóng tối.

Chuyện phim theo chân Noa (Owen Teague), một chú khỉ trẻ tuổi thuộc bộ tộc Đại Bàng. Ngày nọ, làng của cậu bị đội quân của lãnh chúa Proximus Caesar (Kevin Durand) tấn công. Cha hy sinh, toàn bộ người thân, dân làng của Noa cũng bị bắt đi làm nô lệ. Trước mất mát lớn, Noa quyết tâm lên đường giải cứu bộ tộc, chống lại gã bạo chúa.

Trên hành trình này, cậu gặp được cô gái loài người tên Mae (Freya Allen) và Raka (Peter Macon) - một con đười ươi già thấm nhuần những lời răn mà Caesar để lại.

 Ngân sách phim lên tới 160-165 triệu USD.

Ngân sách phim lên tới 160-165 triệu USD.

Mở ra một tuyến truyện cùng dàn nhân vật hoàn toàn mới, Kingdom of the Planet of the Apes phải dành khá nhiều thời lượng để dẫn dắt người xem đến với bối cảnh phim. Đó là thời điểm khá xa sau sự qua đời của Caesar. Những con khỉ ngày càng trở nên thông minh hơn, bắt đầu hình thành các bộ lạc. Chỉ có điều hành trình huy hoàng của Caesar qua nhiều thế hệ đã dần phai nhạt trong ký ức của giống loài.

Trong khi còn người dưới ảnh hưởng của loại virus ALZ-113 đã thoái hóa, trở về thời kỳ hoang dã. Những kẻ sống sót được lũ khỉ gọi là “Echo” (tàn dư). Thế nhưng, loài người vẫn còn một số kho chứa bí mật công nghệ, vũ khí. Đó là lý do khiến Proximus Caesar mượn danh Caesar, nô dịch đồng loại nhằm mở ra cánh cửa kho chứa này. Gã tin rằng đó là “chìa khóa tiến hóa cấp tốc” cho giống loài của mình.

Phân nửa thời lượng ban đầu của Kingdom of the Planet of the Apes diễn ra khá chậm. Đạo diễn tập trung tái hiện cuộc sống hiện tại của loài khỉ, đặc trưng bởi bộ tộc Đại Bàng - nơi Noa sinh sống. Kịch bản an toàn, không nhiều cao trào ấn tượng. Chuyện phim chủ yếu dõi theo hành trình trưởng thành của nhân vật chính giữa bối cảnh thế giới hậu tận thế.

Những nét phong tục, văn hóa của bộ tộc khỉ Đại Bàng hiện lên khá thú vị. Từ tập tục sinh hoạt, giao tiếp cho đến những nghi lễ trưởng thành được xây dựng chi tiết, mang nhiều nét đặc trưng tương đồng với chế độ thị tộc - hình thức cộng đồng xã hội đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Đây cũng là điểm thú vị níu giữ sự chú ý của khán giả dù diễn biến hai hồi đầu phim khá lê thê, tiết tấu chậm do biến cố đến muộn, lại ít xung đột đáng kể.

Bước ngoặt trong hành trình trưởng thành của nhân vật chính được xác định rõ ràng, với động cơ và mục tiêu cụ thể. Theo chân cuộc lật đổ bạo chúa, giải cứu bộ lạc của Noa, Kingdom of the Planet of the Apes mang đến nhiều thông điệp về tự do, quyền lực và thể chế xã hội...

 Tạo hình của phản diện Proximus Caesar.

Tạo hình của phản diện Proximus Caesar.

Tuy nhiên, hồi sau lại diễn ra chóng vánh, với một số tình tiết còn hời hợt, có phần thiếu logic. Mối quan hệ giữa Noa và cô gái Mae còn nhiều mâu thuẫn. Hơn nữa, xoay quanh cuộc xung đột nội bộ của loài khỉ, việc biên kịch sử dụng con người làm nút thắt dẫn đến cao trào chưa thực sự thuyết phục, khó tạo ép phê cảm xúc.

Dẫu biết đó là ý đồ của biên kịch nhằm “mở đường” cho những dự án tiếp theo, sự xuất hiện của nhân loại ở tác phẩm này nhìn chung vẫn còn nhiều điểm gượng gạo.

Hình ảnh gây choáng ngợp

Với kinh phí sản xuất không nhỏ, chủ yếu cho phần hậu kỳ, Kingdom of the Planet of the Apes thết đãi người xem bữa tiệc giải trí thịnh soạn suốt thời lượng dài 144 phút. Ngay từ những thước phim đầu tiên, bối cảnh thế giới phản địa đàng được tái hiện một cách trực quan, chi tiết đến khó tin.

Những cú máy toàn mang loạt đại cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ hiện lên trước mắt khán giả, từ những ngọn núi, cánh rừng bạt ngàn cho tới nơi sống của các thị tộc, bộ lạc... Chúng sinh động, chân thực đến choáng ngợp, nhưng đặt trong bối cảnh hậu tận thế dưới thời thống trị của loài khỉ, kết hợp với màu phim ngả tối lại mang đến cảm giác âu lo, bất an.

Bên cạnh đó, cảnh sinh hoạt của bộ tộc cũng được tái hiện đầy kỳ công. Thước phim Noa cùng đôi bạn thân mạo hiểm leo vách núi, tìm kiếm trứng đại bàng để hoàn thành nghi lễ trước khi trưởng thành tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ, đánh thức sự hào hứng của khán giả.

 Kingdom of the Planet of the Apes mang đến những thước phim chân thực, sống động đến khó tin.

Kingdom of the Planet of the Apes mang đến những thước phim chân thực, sống động đến khó tin.

Trong khi đó, những cú máy cận bám sát từng biểu cảm nhân vật. Loài khỉ hiện lên dưới ống kính của Wes Ball với đầy cảm xúc, từ đau buồn, vui vẻ, giận dữ cho tới tuyệt vọng, đôi lúc còn có cả lòng trắc ẩn. Thành công này phần lớn nhờ công nghệ motion-capture (ghi hình chuyển động), bắt trọn từng biểu cảm, cử động dù là nhỏ nhất, qua đó giúp truyền tải cảm xúc một cách chân thực.

Đây vốn là điểm mạnh của trilogy Planet of the Apes, nhưng qua đến phần này đã được nâng cấp, càng trở nên ấn tượng hơn. Sẽ không ngạc nhiên nếu bộ phim của Wes Ball xuất hiện trong danh sách đề cử Oscar ở hạng mục Hiệu ứng hình ảnh.

Tuy nhiên, những người hâm mộcó thể sẽ hụt hẫng vì phần phim mới nhất không có nhiều cảnh hành động choáng ngợp như mong đợi. Thời lượng lớn, song Kingdom of the Planet of the Apes lại dành khá ít đất cho những màn chạm trán, xung đột giữa nội bộ loài khỉ, hay kể cả là giữa khỉ với người. Trận chiến cuối cùng cũng diễn ra chóng vánh, chưa đủ hoành tráng, mãn nhãn sau một thời gian dài để người xem chờ đợi.

Tiết chế yếu tố hành động, phim tập trung khai thác tâm lý, cùng với việc xây dựng hệ thống nhân vật đặt nền móng cho những dự án tiếp theo. Ngoại trừ cô bé loài người, những nhân vật còn lại đều có hành trình gây được ấn tượng, giàu cảm xúc. Ngay cả phản diện cũng được khai thác đa chiều, thú vị, dù cho bị đánh bại có phần hơi dễ dàng.

Tiếp nối những di sản của trilogy đình đám trước đó, bộ phim do Wes Ball đạo diễn dù còn một số hạn chế nhưng vẫn là nước cờ đầy tiềm năng cho tương lai thương hiệu. Tác phẩm ra mắt với số điểm khá cao trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, lên tới 80% từ các chuyên gia.

Hoàng Nhi

Nguồn Znews: https://znews.vn/hanh-tinh-khi-vuong-quoc-moi-bo-phim-gay-choang-ngop-ve-hinh-anh-post1474953.html