Hãng xe điện BYD của Trung Quốc khánh thành nhà máy tại Thái Lan
Hôm thứ Năm (3/7), BYD đã khánh thành nhà máy tại Thái Lan và cũng là nhà máy đầu tiên của BYD ở Đông Nam Á với thị trường xe điện khu vực đang phát triển nhanh chóng.
Wang Chuanfu, Giám đốc điều hành BYD cho biết: “Thái Lan có tầm nhìn rõ ràng về xe điện và đang bước vào kỷ nguyên mới của sản xuất ô tô… Chúng tôi sẽ mang công nghệ từ Trung Quốc đến Thái Lan”.
Nhà máy mới của BYD là một phần trong làn sóng đầu tư trị giá hơn 1,44 tỷ USD từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang xây dựng nhà máy ở Thái Lan, nhờ trợ cấp của chính phủ và ưu đãi thuế.
Động thái này diễn ra khi Thái Lan đang tìm cách chuyển ngành ô tô lâu đời của mình ra khỏi phương tiện truyền thống và hướng tới sản xuất xe điện.
Theo kế hoạch của chính phủ, đến năm 2030, Thái Lan đặt mục tiêu chuyển đổi 30% sản lượng hàng năm (2,5 triệu xe) thành xe điện. Thái Lan đã là trung tâm xuất khẩu và lắp ráp ô tô trong khu vực và từ lâu đã bị các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota Motor, Honda Motor Co và Isuzu Motors thống trị.
"BYD đang sử dụng Thái Lan làm trung tâm sản xuất để xuất khẩu sang ASEAN và nhiều nước khác", Narit Therdsteerasukdi, tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết.
Nhà máy mới trị giá 490 triệu USD và sẽ có công suất sản xuất 150.000 xe mỗi năm, bao gồm cả xe hybrid.
“Nhà máy BYD Thái Lan có công suất hàng năm là 150.000 xe, bao gồm 4 quy trình chính là sản xuất xe và phụ tùng, đồng thời sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm”, ông Wang Chuanfu cho biết.
Liu Xueliang, Tổng giám đốc BYD khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ lắp ráp pin và các bộ phận quan trọng khác tại đây”.
Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, Thái Lan là thị trường nước ngoài lớn nhất của BYD, chiếm 46% thị phần phân khúc xe điện của cả nước trong quý đầu năm và là hãng xe lớn thứ ba về ô tô du lịch.
Các hãng xe điện khác trên thị trường địa phương bao gồm Great Wall Motor và Tesla.
Theo Báo cáo Triển vọng Xe điện Toàn cầu hàng năm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc đã dẫn đầu sự chuyển đổi toàn cầu sang xe điện, với gần 1/3 số ô tô trên đường sẽ chạy bằng điện vào năm 2030.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý châu Âu đã nêu lên mối lo ngại về điều mà họ gọi là tình trạng “dư thừa công suất” do trợ cấp quá mức gây ra.
Để bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu khỏi hàng nhập khẩu rẻ hơn của Trung Quốc, EU đã đề xuất tăng thuế tạm thời đối với các nhà sản xuất Trung Quốc: 17,4% đối với BYD, 20% đối với Geely và 38,1% đối với SAIC từ mức thuế nhập khẩu 10% hiện tại.
Mặc dù ở mức cao nhưng mức thuế của EU vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 100% mà Mỹ công bố từ tháng trước đối với ô tô điện của Trung Quốc.