Hàng loạt dự án bất động sản vẫn chờ gỡ vướng

Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM xác nhận, số lượng hồ sơ dự án bất động sản tồn đọng chưa xác định giá đất cụ thể trên địa bàn là gần 200 hồ sơ.

Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Tp.HCM vừa có tờ trình kèm dự thảo quyết định phê duyệt Đề án “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn Tp.HCM” báo cáo UBND TP.

Sở TN&MT xác nhận, số lượng hồ sơ dự án bất động sản tồn đọng chưa xác định được giá đất cụ thể trên địa bàn thành phố còn rất lớn, ước gần 200 hồ sơ. Chúng bao gồm những hồ sơ xác định giá để thực hiện nghĩa vụ tài chính lần đầu và những hồ sơ phải xác định giá để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do được cơ quan nhà nước cho thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc làm phát sinh nghĩa vụ tài chính.

Qua thống kê, rà soát, ước gần 80.000 nền đất và căn hộ chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN) có nguyên nhân từ việc chưa xác định được giá đất cụ thể để người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Do đó, Sở TN&MT Tp.HCM đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu (Tổ công tác) đã làm việc với lãnh đạo ba tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.

Tại buổi làm việc, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao Đồng Nai xem xét, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Tp. Biên Hòa năm 2014 (phạm vi tại phường Hiệp Hòa) tương tự như các trường hợp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để sớm triển khai được dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, Tp. Biên Hòa.

Ông Đức cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (phạm vi điều chỉnh quy hoạch gồm 6 vị trí) để tạo điều kiện cho địa phương triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến quy hoạch phân khu C4, Tp. Biên Hòa.

Tại Tiền Giang, theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh không nhiều, quy mô không lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư bất động sản để kinh doanh.

Các sản phẩm chủ yếu là nhà đất riêng lẻ, các khu đất đầu tư hạ tầng để bán đất nền hoặc do tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng kỹ thuật tối thiểu rồi phân lô nền để bán diễn ra một cách tự phát, không đúng quy hoạch dù đã được ngăn chặn kịp thời.

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang đang thực hiện 23 dự án (trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội), với tổng diện tích đất hơn 152 ha, gồm 7.261 căn hộ. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tiền Giang dự kiến tiếp tục triển khai 73 dự án kinh doanh bất động sản với quy mô khoảng 1.379 ha.

Tại buổi làm việc, ông Vĩnh kiến nghị Chính phủ ban hành gói cho vay hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp cho tỉnh Tiền Giang.

Lãnh đạo tỉnh này cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp thêm 300 ha để phát triển Khu công nghiệp Tân Phước 2.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, kịp thời phản hồi những kiến nghị, vướng mắc của các địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch tỉnh. Bởi hiện nay, trong ba địa phương mới chỉ có quy hoạch tỉnh Tiền Giang được phê duyệt và đã công bố. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương có quy mô kinh tế lớn vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch.

Đối với thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng dự án cụ thể. Từ đó, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.

Thực tế, vướng mắc pháp lý được cho là vấn đề tắc nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản trong suốt nhiều năm qua, dẫn đến nguồn cung dự án trên thị trường, đặc biệt là Tp.HCM rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo các chuyên gia, những vướng mắc về pháp lý nếu được tháo gỡ sẽ là mấu chốt giúp thị trường địc ốc sớm phục hồi.

Như Hằng

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/hang-loat-du-an-bat-dong-san-van-cho-go-vuong-d48560.html