Hải Phát chậm trả lãi 2 mã trái phiếu, tiếp tục biến động nhân sự

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố thông tin CTCP Đầu tư Hải Phát chậm trả lãi 2 mã trái phiếu trong năm 2023 với tổng dư nợ 800 tỷ đồng, hai trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 và năm 2025.

Theo đó, tính tới 31/12/2023, Đầu tư Hải Phát còn dư nợ 5 mã trái phiếu, tổng dư nợ 1.493,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, có hai mã trái phiếu phát sinh việc chậm trả lãi trái phiếu cho trái chủ.

Cụ thể, lô trái phiếu mã HPX122018, kỳ hạn 6 năm, phát hành ngày 31/12/2018 (đáo hạn 31/12/2024), dư nợ 300 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/6/2023 phải trả 16,9 tỷ đồng tiền lãi và ngày 31/12/2023 phải trả tiếp 16,6 tỷ đồng tiền lãi nhưng Công ty chưa thanh toán.

Đối với lô trái phiếu mã HPXH2125007, kỳ hạn 4 năm, phát hành ngày 2/8/2021 (đáo hạn ngày 2/8/2025), dư nợ 500 tỷ đồng. Theo đó, ngày 24/5/2023 phải trả 16,2 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ nhưng Công ty chỉ mới trả được 4 tỷ đồng; ngày 24/8/2023 phải trả thêm 15,5 tỷ đồng tiền lãi và ngày 24/11/2023 trả tiếp 13,86 tỷ đồng tiền lãi nhưng Hải Phát Invest không có động thái thanh toán cho trái chủ.

Giải trình sự việc trên, Đầu tư Hải Phát cho biết do gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt và thanh khoản giảm. Do đó, Công ty bị kéo theo ảnh hưởng về dòng tiền thu từ các dự án đầu tư.

Đầu tư Hải Phát cam kết sẽ thanh toán đầy đủ tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn cho tất cả trái chủ.

Được biết, kết thúc quý 1/2024, Đầu tư Hải Phát chỉ còn 71,3 tỷ đồng tiền mặt nhưng tổng nợ va đến 2.390,4 tỷ đồng, tương đương 66,3% vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.751,1 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 639,3 tỷ đồng.

Về kế hoạch năm 2024, Đầu tư Hải Phát cho biết mục tiêu doanh thu là 2.800 tỷ đồng, tăng 66,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, giảm 22,2% so với thực hiện trong năm 2023 và dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 5%.

Về hoạt động kinh doanh, 3 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 323,76 tỷ đồng, tăng 116,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 15,77 tỷ đồng, tăng mạnh 41,96 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 26,19 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11% lên 21,2%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 320%, tương ứng tăng thêm 52,41 tỷ đồng, lên 68,79 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng 247,2%, tương ứng tăng thêm 1,78 tỷ đồng, lên 2,5 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng 15,3%, tương ứng tăng thêm 4,23 tỷ đồng, lên 31,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 20,1%, tương ứng tăng thêm 3,39 tỷ đồng, lên 20,26 tỷ đồng. Các hoạt động khác có biến động nhưng không đáng kể.

Như vậy, ở quý đầu năm 2024, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng nhưng Đầu tư Hải Phát vẫn có dấu hiệu tích cực chuyển từ lỗ sang lãi. Đồng thời, Công ty đã hoàn thành 15% so với kế hoạch lãi 105 tỷ đồng trong năm 2024.

Kết quả kinh doanh hàng quý của HPX từ năm 2018 đến nay

Kết quả kinh doanh hàng quý của HPX từ năm 2018 đến nay

Về quy mô tài sản, thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Đầu tư Hải Phát tăng 5% so với đầu năm, cán mốc 8.711,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.678,2 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.895,3 tỷ đồng, chiếm 33,2%; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 837,5 tỷ đồng, chiếm 9,6%.

Về kế hoạch huy động vốn năm 2024, Công ty thông qua đề xuất chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương ứng chào bán thêm 159,69 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.596,9 tỷ đồng và triển khai trong năm nay.

Công ty cũng sẽ chào bán 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm để huy động 1.403,1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Toàn bộ số tiền huy động từ hai đợt phát hành là khoảng 3.000 tỷ đồng, Công ty sẽ sử dụng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; đầu tư góp vốn vào Công ty con để tái cơ cấu và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty con; đầu tư phát triển các dự án của Công ty; và bổ sung vốn lưu động.

Một diễn biến khác, ngày 3/5, Đầu tư Hải Phát thông qua miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đoàn Hòa Thuận do có đơn xin từ nhiệm. Trong đó, ông Đoàn Hòa Thuận nêu rõ lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành Công ty.

Công ty đã nhanh chóng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương vào vị trí Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2024-2029.

Ông Nguyễn Văn Phương - Tân Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2024 - 2029 của CTCP Đầu tư Hải Phát

Ông Nguyễn Văn Phương - Tân Tổng giám đốc nhiệm kỳ 2024 - 2029 của CTCP Đầu tư Hải Phát

Liên quan vấn đề nhân sự, trước đó, ngày 19/4, Đầu tư Hải Phát nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế.

Lý do từ nhiệm của ba lãnh đạo Đầu tư Hải Phát là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.

Thảo Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/hai-phat-cham-tra-lai-2-ma-trai-phieu-tiep-tuc-bien-dong-nhan-su-211546.html