Hải Dương khuyến cáo nông dân phòng sâu bệnh hại lúa trong thời tiết mưa ẩm

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tăng cường theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại lúa đang thời kỳ phát triển mạnh.

Nông dân xã Thống Nhất (Gia Lộc) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy

Thời gian gần đây, nông dân các địa phương ở Hải Dương tập trung phun trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa. Tuy nhiên, do lứa sâu này có mật độ cao hơn so với trung bình cùng kỳ nhiều năm nên ở một số diện tích lúa quá tốt, còn non, ven làng, gần đèn cao áp... mật độ sâu cuốn lá nhỏ vẫn khá cao và có nguy cơ làm giảm năng suất lúa.

Trong khi đó, từ đêm 1/5 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên có mưa, độ ẩm không khí cao. Đây là điều kiện rất thuận lợi để sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gia tăng gây hại cây lúa.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho cây lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tăng cường theo dõi và phòng trừ sâu bệnh.

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, khẩn trương phun nhắc lại cho những diện tích lúa có mật độ sâu cao (từ 20 con/m2 trở lên) bằng những loại thuốc có chứa hoạt chất như Isocycloseram, Indoxacarb, hỗn hợp hoạt chất Indoxacarb với Emamectin bezoate hoặc Chlorfenapyr.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, phun trừ những diện tích có mật độ rầy từ 2.000 con/m2 đối với diện tích lúa chưa trỗ bông, từ 1.000 con/m2 đối với diện tích lúa đã trỗ bông bằng những loại thuốc có chứa hoạt chất Nitenpyram, Dinotefuran, Imidacloprid, hỗn hợp hoạt chất Nitenpyram với Pymetrozine. Cần duy trì nước trong ruộng khi phun trừ rầy.

Đối với bệnh đạo ôn, khi lúa trỗ được khoảng 5%, tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho những diện tích cấy giống lúa dễ nhiễm bệnh (nếp, Đài thơm, BC 15, TBR225) bằng những loại thuốc có chứa hoạt chất Fenoxanil, Tricyclazole, hỗn hợp Fenoxanil với Kasugamycin. Không sử dụng thuốc chứa hoạt chất Isoprothiolane, nhất là thuốc ở dạng nhũ dầu (EC) để phun trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Đối với bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, khẩn trương phun thuốc cho những diện tích lúa đã chớm bị bệnh (tỷ lệ bệnh 5%) hoặc chủ động phun phòng ngay sau các đợt mưa dông cho những diện tích cấy giống lúa dễ nhiễm bệnh (Bắc thơm số 7, TBR225, Đài thơm). Nên sử dụng thuốc chứa hoạt chất Bronopol, Streptomycin sulfate, Kasugamycin, Bismerthiazol để phun phòng trừ.

Nông dân cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" và biện pháp bảo hộ an toàn khi phun thuốc. Những ngày nắng nóng nên phun thuốc vào buổi chiều muộn. Nếu gặp mưa sau khi phun thuốc thì ngay sau khi trời tạnh ráo cần phun lại cho bảo đảm. Gom vỏ bao bì thuốc sau khi phun để đúng nơi quy định.

VN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-khuyen-cao-nong-dan-phong-sau-benh-hai-lua-trong-thoi-tiet-mua-am-380901.html