Hà Nội thành lập, đặt tên 43 thôn, tổ dân phố mới thuộc 8 quận, huyện

Sáng 10/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã năm 2022.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trình bày Tờ trình tại Kỳ họp.

Cụ thể, thành lập các tổ dân phố mới tại các quận, huyện: Thanh Xuân (1 tổ dân phố); Hà Đông (9 tổ dân phố); Hai Bà Trưng (1 tổ dân phố); Long Biên (3 tổ dân phố); Hoàng Mai (8 tổ dân phố); Nam Từ Liêm (10 tổ dân phố); Thanh Trì (5 tổ dân phố); Mỹ Đức (6 tổ dân phố).

Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua việc đổi tên 16 thôn, tổ dân phố thuộc 2 quận, thị xã. Cụ thể, quận Thanh Xuân đổi tên 15 tổ dân phố; Thị xã Sơn Tây đổi tên 1 thôn.

Nghị quyết giao UBND TP, Chủ tịch UBND TP căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật hiện hành tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Giao Thường trực HĐND TP, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cùng các tổ chức chính trị xã hội được giao tham gia phối hợp tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trước đó, trình bày Tờ trình về việc thành lập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã TP Hà Nội năm 2022, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: Sau khi triển khai thực hiện đề án kiện toàn thôn, tổ dân phố vào các năm 2019, 2020, toàn TP Hà Nội hiện có 5.393 thôn, tổ dân phố (bao gồm 2.359 thôn và 3.034 tổ dân phố).

Các thôn, tổ dân phố sau khi được kiện toàn có quy mô hợp lý, phù hợp với đặc điểm của địa phương; Hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền và hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư tại địa phương. Sau khi thực hiện việc kiện toàn, toàn TP có 5.430 thôn, tổ dân phố (2.363 thôn, 3.067 tổ dân phố).

Căn cứ thực tiễn tại một số địa bàn quận, huyện hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà chung cư cao tầng với quy mô số hộ gia đình lớn. Vì vậy, cần thiết phải thành lập các tổ dân phố mới để Nhân dân sinh hoạt trong tổ chức tự quản dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Mặt khác, do việc tăng dân số cơ học dẫn đến quy mô số hộ gia đình ở các tổ dân phố cũng tăng theo. Vì vậy, cần thực hiện việc chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn để thành lập thôn, tổ dân mới có quy mô, số hộ gia đình hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở và hoạt động tự quản của Nhân dân tại địa phương.

Đối với các tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình nhỏ thực hiện việc xác nhập với tổ dân phố liền kề theo quy định và nhu cầu cầu của tổ dân phố. Về phương án thực hiện: Thành lập 32 tổ dân phố phố mới từ các khu vực dân cư mới hình thành. Cụ thể, quận Thanh Xuân 1 tổ dân phố; quận Hà Đông 8 tổ dân phố; quận Hai Bà Trưng 1 tổ dân phố; quận Long Biên 3 tổ dân phố; quận Hoàng Mai 8 tổ dân phố; quận Nam Từ Liêm 6 tổ dân phố; huyện Thanh Trì 6 thôn.

Thành lập 10 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách các thôn tổ dân phố có quy mô hộ gia đình lớn hơn: Quận Nam Từ Liêm thành lập 4 tổ dân phố mới trên cơ sở chia tách 2 tổ dân phố của phường Mỹ Đình; huyện Mỹ Đức thành lập 6 thôn mới trên cơ sở chia tách 2 thôn hiện có thuộc xã Đồng Tâm.

Thành lập 1 tổ dân phố mới trên cơ sở sáp nhập 2 tổ dân phố có quy mô hộ gia đình nhỏ gồm: Quận Hà Đông sáp nhập 2 tổ dân phố có quy mô hộ gia đình nhỏ để thành lập tổ dân phố thuộc phường Kiến Hưng.

Đổi tên 16 tổ dân phố, trong đó: thị xã Sơn Tây đổi tên 1 thôn theo nguyện vọng của Nhân dân; quận Thanh Xuân đổi tên 15 tổ dân phố thuộc phường Phương Liệt để thuận tiện cho công tác quản lý.

Qua thẩm định phương án và khảo sát thực tế tại các địa phương, UBND TP nhận thấy quy trình thực hiện việc thành lập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố mới được các địa phương thực hiện đúng quy trình, đảm bảo theo các quy định của pháp luật.

Căn cứ Nghị quyết của HĐND TP, UBND TP ban hành quyết định thành lập, đặt tên thôn, tổ dân phố mới, đổi tên thôn, tổ dân phố, giao nhiệm vụ cho các sở ban, ngành và UBND các quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ gồm: Ổn định tổ chức và hoạt động của các thôn, tổ dân phố, cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố lâm thời, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cái việc bầu cử trưởng thôn, tổ dân phố theo các quy định của pháp luật.

Thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố theo các nghị quyết của HĐND TP; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và thực hiện các giao dịch dân sự hành chính sau khi thành lập, thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức theo thẩm quyền.

 Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp.

* Cũng trong sáng 10/12, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định về Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”. Nghị quyết này áp dụng với cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có thành tích hoặc có quá trình cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thành phố Hà Nội và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” chỉ xét tặng một lần đối với mỗi cá nhân, không áp dụng hình thức truy tặng Huy hiệu. Việc xét tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” được tiến hành thường xuyên, thẩm quyền xét tặng thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Huy hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” xét tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Cá nhân tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 ở Hà Nội; cá nhân tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 19-8-1945 không hoạt động ở Hà Nội; cá nhân tham gia kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Pháp; cá nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Hà Nội đã được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ; cá nhân được thành phố Hà Nội tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến chống Mỹ; cá nhân được TP Hà Nội trình và đã được khen thưởng một trong các hình thức: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, đoạt giải Nhất, Huy chương vàng trong các cuộc thi, giải đấu cấp khu vực hoặc thế giới; cá nhân trong thời gian công tác tại Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP Hà Nội được tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công; cá nhân được Thành ủy, UBND TP tặng thưởng một trong các hình thức: Công dân Thủ đô ưu tú, 10 lần được tặng Bằng khen về thành tích công tác năm hoặc danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố, 3 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp thành phố, 3 lần được tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô” (bao gồm cả cá nhân có tên trong nhóm tác giả); cá nhân đã hoặc đang đảm nhiệm một trong các chức vụ: Bí thư, phó bí thư, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; giám đốc, phó giám đốc sở, ban, ngành; trưởng, phó đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã hoặc chức vụ tương đương một nhiệm kỳ (5 năm) trở lên; đại biểu HĐND TP; ủy viên ban thường vụ các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; ủy viên ban thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở; phó chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã từ hai nhiệm kỳ (8 đến 10 năm) trở lên..../.

Trung Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ha-noi-thanh-lap-dat-ten-43-thon-to-dan-pho-moi-thuoc-8-quan-huyen-627137.html