Hà Nội thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thành lập 2-5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, các khu công nghiệp dự kiến sẽ được thành lập gồm: khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu công nghiệp Đông Anh, huyện Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ; Khu công nghiệp Phụng Hiệp, huyện Thường Tín.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Bài liên quan
Hà Nội: Tổng kiểm tra rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ
Ngày 10/1: Ghi nhận 14.818 ca nhiễm COVID-19 mới, Hà Nội 2.830 ca
Thống nhất chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).
Việc thành lập các khu công nghiệp này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.347,42ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định, có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tính đến đầu tháng 12/2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
Các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn lao động (trong đó lao động nước ngoài là 1.100 người). Bình quân 1ha đất tạo việc làm cho hơn 160 lao động.
Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ các lợi thế đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.