Hà Nội nêu giải pháp để đạt tăng trưởng trên 8%

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động với 95 nhiệm vụ, giải pháp.

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Tại đầu cầu Thành phố Hà Nội, tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.

Đây là hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau khi Chính phủ được kiện toàn sau Kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội khóa XV (vừa bế mạc ngày 19/2). Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ USD.

Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội

Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại (kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân); đồng thời tiếp tục tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 của Trung ương; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; hoàn thành các mục tiêu Đại hội XIII đề ra, phấn đấu đạt hai mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao). Theo Thủ tướng, tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện hai mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng nêu rõ, muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%; doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ, ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó. Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Là địa phương phát biểu đầu tiên tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động với 95 nhiệm vụ, trong đó có một số chỉ tiêu kinh tế cụ thể: quy mô nền kinh tế đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (64 tỷ USD), chiếm khoảng 12,6% cả nước; thu nhập bình quân đầu người khoảng 180 triệu đồng (7.200 USD); tổng vốn đầu tư xã hội đạt 622,7 nghìn tỷ đồng, khoảng 40% GRDP và kim ngạch xuất khẩu tăng 7% trở lên (khoảng 20,5 tỷ USD).

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là khai thác, phát huy và làm mới các động lực truyền thống. Cụ thể, Thành phố sẽ khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công: bám sát kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tuần, từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm. Để hoàn thành được mục tiêu này, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển cho vùng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Đặc biệt tập trung chỉ đạo những dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Dự án đường Vành đai 4; Tuyến đường sắt đô thị số 2; Tuyến đường sắt đô thị số 5; Dự án cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát,... Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai. Thành phố đã rà soát, xử lý 420/712 dự án chậm triển khai, với tổng diện tích hơn 9000ha, ước tính hơn 15.000 tỷ đồng quy đổi giá trị về đất được đưa vào thị trường".

Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy đầu tư tư nhân: đảm bảo thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong nước tăng trên 18% (khoảng 360 nghìn tỷ đồng); đồng thời tập trung hoàn thiện hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch, đó là triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng trên 14% (khoảng 973 nghìn tỷ đồng), Chủ tịch Thành phố cũng nhấn mạnh về giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; trong đó, sẽ triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Thành phố xác định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt, là nguồn lực, động lực phát triển mới. Chủ tịch Thành phố cho biết, ngoài việc tập trung đầu tư cho các khu công nghệ cao, Hà Nội hiện đang tập trung dồn lực để khởi công dự án Công nghệ cao Sinh học nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ phát vào đầu tư phát triển hoạt động công nghệ cao phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao trên thế giới và chính sách, định hướng phát triển công nghệ cao của Việt Nam, trong đó ưu tiên là lĩnh vực công nghệ sinh học.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: "Thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo: phấn đấu năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng trên 20 tỷ USD (năm 2024 đạt khoảng 14 tỷ USD). Ngoài Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang hoạt động (là điểm thu hút đầu tư trọng yếu, với 108 dự án, tổng vốn đăng ký trên 116 nghìn tỷ đồng), theo Quy hoạch được duyệt, Thành phố đang triển khai 07 Khu công nghệ cao khác, với tổng diện tích hơn 835 ha. Đây là những động lực tăng trưởng có tính chất đột phá của Hà Nội trong tương lai".

Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là triển khai thi hành Luật Thủ đô (năm 2024) để sớm hiện thực hóa những chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển Thủ đô bền vững. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần tổng kết Nghị quyết số 18, BCH TW khóa XII; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực… đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu xây dựng “chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".

Trước đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 25 xác định 12 chỉ tiêu chủ yếu cho các ngành, lĩnh vực năm 2025; yêu cầu các địa phương phải tăng trưởng bứt phá, từ 8% trở lên, trong đó hai cực tăng trưởng Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đầu tàu cần tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-neu-giai-phap-de-dat-tang-truong-tren-8-304467.htm