Hà Nội kiến nghị làm đường nối sân bay Gia Bình về Thủ đô theo hình thức BT
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư đối với tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.
Địa phương thực hiện GPMB
Dự án có điểm đầu từ sân bay Gia Bình đến điểm cuối tại nút giao tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Vành đai 3 TP Hà Nội, tổng chiều dài tuyến khoảng 35,43km (đoạn tuyến từ sân bay Gia Bình đến cầu Kênh Vàng đi Hải Dương sẽ thực hiện theo 1 dự án đầu tư riêng của tỉnh Bắc Ninh).
Cụ thể, sau khi kiểm tra, rà soát TP Hà Nội thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tuyến trên địa bàn thành phố của tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội như sau: Từ ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội đến nút giao giữa Vành đai 3 của TP với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn xây dựng mới tuyến đường rộng 120m.
Còn đoạn từ nút giao giữa Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đến nút giao tuyến đường kết nối đường dẫn cầu Tứ Liên với Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (đi trùng Vành đai 3) cải tạo từ 35m lên 120m. Tổng mức đầu tư đoạn này dự tính gần 42.500 tỷ đồng.
Đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ sân bay Gia Bình đến ranh giới Bắc Ninh - Hà Nội xây dựng mới tuyến đường rộng 120m. Tổng mức đầu tư dự kiến đoạn này hơn 28.600 tỷ đồng.

Hà Nội trình Thủ tướng loạt cơ chế đặc thù xây dựng đường nối sân bay Gia Bình về Thủ đô
Trên cơ sở phương án tuyến như đã nêu trên, UBND TP Hà Nội đề xuất phương án đầu tư tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP Hà Nội gồm 2 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Hà Nội trong phạm vi ranh giới tuyến đường rộng 120m bằng nguồn vốn đầu tư công của của TP Hà Nội với sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.115 tỷ đồng (không đưa vào giá trị Hợp đồng BT của dự án thành phần 2).
Đối với dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng đoạn tuyến nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo hình thức đầu tư công (không tính vào Hợp đồng BT) để đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ với dự án đầu tư công giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Hà Nội.
Kiến nghị nhiều cơ chế đặc thù triển khai dự án
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Sơ bộ tổng mức đầu tư 55.866 tỷ đồng.
TP Hà Nội cũng dự kiến quỹ đất thanh toán ưu tiên sử dụng quỹ đất hai bên tuyến đường hoặc quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch… trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh làm quỹ đất thanh toán cho Hợp đồng BT.

Phối cảnh sân bay quốc tế Gia Bình
Quỹ đất trên địa bàn thành phố Hà Nội dùng để thanh toán tương ứng cho giá trị thực hiện trên địa bàn TP Hà Nội. Quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dùng để thanh toán tương ứng cho giá trị thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
UBND TP Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị 2 bên tuyến đường với chiều rộng mỗi bên khoảng 300m - 400m, làm cơ sở để chuẩn bị quỹ đất đối ứng cho dự án BT.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền thống nhất một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai dự án đường nối từ sân bay Gia Bình đến TP Hà Nội.
Cụ thể, cho phép TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh áp dụng loại Hợp đồng BT để triển khai thực hiện sau khi phương án tuyến được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ưu tiên sử dụng quỹ đất hai bên tuyến đường hoặc quỹ đất khác phù hợp với quy hoạch… trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh làm quỹ đất thanh toán cho Hợp đồng BT.
Trên cơ sở phương án tuyến được Thủ tướng chấp thuận, TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến công trình tỷ lệ 1/500;
Cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di chuyển hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án thành phần…
Cùng với đó, TP kiến nghị Thủ tướng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc GPMB và dự án PPP, loại hợp đồng BT.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nam… bố trí mỏ vật liệu theo nhu cầu vật liệu thi công tuyến đường và các khu đô thị vệ tinh dọc hai bên tuyến đường; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản…