Góc khuất những tuyến đường cao tốc liên bang Mỹ

Mỹ là một trong những quốc gia phát triển vượt bậc nhờ chiến lược đầu tư mạnh vào hạ tầng, nhất là các tuyến đường cao tốc liên bang.

Nhưng đằng sau các tuyến cao tốc này, có những góc khuất không phải ai cũng biết.

Chia rẽ cộng đồng người da màu

Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da màu, da đỏ (American Indian - thường gọi là người Anh-điêng), người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh. Và một phần lịch sử nước Mỹ gắn với nạn phân biệt chủng tộc.

Trong một bộ phận dư luận Mỹ, từng có những câu nói đầy mỉa mai như “đường của người da trắng, cắt ngang nhà của người da đen”. Những câu nói kiểu này ám chỉ những con đường cao tốc xuyên thẳng qua cộng đồng người da đen, da màu, chia những cộng đồng này làm đôi, khiến họ bị chia rẽ, rơi vào cảnh khó khăn, phải di dời nhà cửa.

Hạ Nghị sĩ Kweisi Mfume cùng đoàn nghị sĩ đại diện bang Maryland tổ chức họp báo ngay dưới con đường cao tốc tại TP Baltimore, cam kết sẽ nỗ lực để củng cố các cộng đồng người da đen bị ảnh hưởng

Hạ Nghị sĩ Kweisi Mfume cùng đoàn nghị sĩ đại diện bang Maryland tổ chức họp báo ngay dưới con đường cao tốc tại TP Baltimore, cam kết sẽ nỗ lực để củng cố các cộng đồng người da đen bị ảnh hưởng

Những câu chuyện “người khóc, kẻ cười” bắt đầu từ năm 1956 khi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower ký ban hành Luật Đường cao tốc quốc phòng và liên bang Quốc gia để hiện thực hóa quy hoạch hệ thống đường cao tốc liên bang.

Với quy mô chưa từng có tiền lệ, Luật đưa ra các tiêu chuẩn mới với những làn đường cao tốc rộng, hiện đại hơn. Từ năm 1958 - 1966, dự án này là nguồn quỹ liên bang lớn nhất được phân bổ cho các bang và đa phần được đánh giá là quyết sách thành công đẩy mạnh kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, với một bộ phận những người da đen, da màu, rất nhiều đường cao tốc liên bang này lại cắt thẳng qua cộng đồng của họ khiến gần 1 triệu người phải di dời nhà cửa.

Các tờ báo Mỹ như Washington Post, Wall Street Journal đều chỉ ra, đa phần những người bị ảnh hưởng là người da màu. Họ cũng chỉ trích các chính sách nhà ở liên bang phân biệt đối xử khiến người da màu thời điểm đó không thể mua nhà ở giá rẻ có trợ cấp.

Kết quả là, những tuyến đường cao tốc bị chỉ trích là trải thảm cho người da trắng chuyển về vùng ngoại ô giàu có sinh sống, dễ dàng di chuyển bằng ô tô trong khi người da màu phải sống ở các cộng đồng đông đúc, chật chội, bị cô lập, giá trị nhà và điều kiện sống đều bị giảm sút.

Thậm chí, theo báo Wall Street Journal, ngay từ đầu, các nhà quy hoạch đô thị đã biết một số con đường liên bang sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều cộng đồng người da màu nhưng vẫn quyết thực hiện.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, kiểu xây dựng đường cao tốc này vẫn được tiến hành trên toàn quốc.

Hệ lụy là sinh ra rất nhiều câu chuyện buồn. Đơn cử chuyện của đường cao tốc liên bang I-170 bị gọi với cái tên “đường cao tốc tới hư không” tại TP Baltimore.

Những “nhát cắt” lịch sử

Glenn Smith lớn lên tại khu dân cư Rosemont, từng là nơi sinh sống nhộn nhịp của người da đen ở khu vực phía Tây TP Baltimore hiểu rất rõ nỗi đau này.

Anh vẫn nhớ những ngày trước khi cao tốc chạy qua, từ công viên, siêu thị cho đến rạp chiếu phim đều nằm trong bán kính gần, có thể dễ dàng đi bộ từ ngôi nhà nơi anh sống cùng cha mẹ và 7 anh chị em khác.

Nhưng năm 1974, khi Smith 19 tuổi, cuộc sống bình yên đã dậy sóng. Gia đình Smith nhận được thông báo từ chính quyền địa phương cho biết nhà anh nằm trong diện phải giải tỏa để làm một đoạn cao tốc liên bang I-170 kết nối trung tâm Baltimore với khu vực ngoại ô, nằm trong kế hoạch xây dựng đường cao tốc dài hơn 150km.

Theo Bloomberg, đường cao tốc Kensington tại TP Buffalo, New York xây dựng đầu năm 1960 đã trở thành rào cản, chia cắt khu vực phía Đông thành phố

Theo Bloomberg, đường cao tốc Kensington tại TP Buffalo, New York xây dựng đầu năm 1960 đã trở thành rào cản, chia cắt khu vực phía Đông thành phố

Ngoài gia đình Smith còn có hàng trăm nghìn hộ gia đình người da đen cũng nhận thông báo tương tự.

Theo kế hoạch, giới chức địa phương sẽ xây đoạn cao tốc qua phía Tây Baltimore dài 2,3 dặm (3,7km).

Sau khi giải phóng mặt bằng, giới chức thành phố chỉ làm 1,4 dặm (2,2km), cắt ngang khu vực phía Tây của thành phố, với 6 làn đường, phần còn lại dự định xây dựng sau.

Song, năm 1979, dự án mở rộng đường cao tốc quy mô lớn của thành phố đã bị bãi bỏ do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nhà hoạt động vì môi trường và cộng đồng người da đen.

Với những người dân ở khu vực này, con đường 2,2km được ví như “nhát dao” cắt ngang cộng đồng và để lại tổn thương cho nhiều thế hệ.

Hơn 1.500 người dân đã phải di dời, 971 ngôi nhà, 62 doanh nghiệp và 1 ngôi trường đã bị san phẳng.

Nếu như nhiều con đường mở ra cơ hội hình thành những khu ngoại ô giàu có (đa phần là người da trắng sinh sống) thì những cộng đồng của người da đen bị chia cắt này lại đầy rẫy tội phạm nguy hiểm, giá trị tài sản bị giảm thấp, tình trạng thất nghiệp tràn lan và thiếu đầu tư kinh tế.

Trong khi đó, con đường này cũng không hiện thực hóa được mục tiêu ban đầu là kết nối ngoại ô với trung tâm thành phố, cuối cùng trở thành “đường cao tốc dẫn tới hư không”.

Với nhiều cộng đồng người da đen, da màu, đường cao tốc liên bang là nỗi ám ảnh với họ

Với nhiều cộng đồng người da đen, da màu, đường cao tốc liên bang là nỗi ám ảnh với họ

Tờ Los Angeles Times nêu ra một ví dụ khác cho thấy rõ tính chất phân biệt chủng tộc khi làm cao tốc trong quá khứ, đó là ở TP Nashville.

Năm 1967, khi làm cao tốc liên bang I-40, giới chức địa phương đã thiết kế thêm một khúc cua để tránh cộng đồng da trắng nhưng lại đi xuyên thẳng vào khu dân cư của người da đen với hàng trăm ngôi nhà và cơ sở kinh doanh sinh sống. Cách làm tương tự cũng áp dụng ở Birmingham, bang Alabama khi xây dựng cao tốc liên bang I-59.

Giải thích về vấn đề này, tờ Los Angeles Times dẫn lời ông Eric Avila, Giáo sư nghiên cứu lịch sử và Chicano tại Đại học California (UCLA) và là tác giả của nhiều cuốn sách về đường cao tốc Mỹ cho biết, những câu chuyện buồn như vậy xảy ra không chỉ do quyết định quy hoạch đường sá mà còn do chính sách kinh tế, nhà ở cũng đậm chất phân biệt chủng tộc trong quá khứ.

Theo ông, khi giải thích về lý do lựa chọn thiết kế tuyến đường qua khu dân cư của người da đen, giới chức thường lập luận rằng giá đất ở các khu vực này rẻ nhất nên chi phí giải phóng mặt bằng thấp hơn.

Trong khi đó, các chính sách về bất động sản, vay lãi suất thấp chỉ dành cho người da trắng đã khiến cho người da màu khó chuyển đến sống ở các phân khu mới.

Sau gần một nửa thế kỷ, qua nhiều tranh cãi, cuối cùng Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã quyết tâm hàn gắn phần nào nỗi đau của cộng đồng những người da màu.

Trong gói 2 nghìn tỷ USD để cải thiện hạ tầng nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cam kết dành một khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD để giải quyết những vấn đề về phân biệt chủng tộc phát sinh trong quá trình quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông của quá khứ.

Riêng với TP Baltimore, Bộ Giao thông Mỹ đã thông qua khoản ngân sách trị giá 2 triệu USD để hỗ trợ tìm cách tái thiết cộng đồng có “đường cao tốc dẫn tới hư không” chạy qua.

Người dân và lãnh đạo TP Baltimore rất vui mừng với chính sách này nhưng các chuyên gia cảnh báo, trong quá trình khắc phục tổn thất quá khứ, thành phố cũng cần cẩn trọng để tránh tạo ra những thảm họa chia cắt mới.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/goc-khuat-nhung-tuyen-duong-cao-toc-lien-bang-my-d595094.html