Giúp lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội

Thu nhập của lao động một số làng nghề trên địa bàn Hà Nội hiện nay không thấp so với công nhân khu công nghiệp, nhưng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động của đối tượng này còn thấp, dẫn đến nhiều thiệt thòi khi gặp rủi ro... Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, giúp lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội hiệu quả hơn.

Chế tác sản phẩm tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Đỗ Tâm

Chế tác sản phẩm tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Đỗ Tâm

Từ chuyện của một làng nghề...

Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) được Sở Du lịch thành phố Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa đầu tư để trở thành một trong những điểm đến du lịch làng nghề. Từ đầu năm 2024 đến nay, nơi đây đã đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các công đoạn sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, như: Hương nén, nụ trầm, nụ trám, hương vòng.

Để làm nên những sản phẩm thủ công mang thương hiệu của làng nghề truyền thống, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cần sự chung tay góp sức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng đông đảo người lao động. Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới bên khu nhà xưởng ồn ào tiếng máy, chủ cơ sở sản xuất Lam Hiền (thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu) Phạm Hồng Lam chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề truyền thống của làng từ lâu, ban đầu làm thuê, sau thì tự mở xưởng sản xuất. Công việc rất vất vả, nhưng mang lại thu nhập tương đối ổn định. Mỗi lao động, tùy trình độ, số lượng sản phẩm làm ra, có thể đạt thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng/tháng. Người nào làm khéo và nhanh tay có thể đạt thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Lao động tại làng nghề đa phần đều mua bảo hiểm y tế, một số có tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhưng hầu hết đều chưa hiểu rõ, chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp”.

Trưởng thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu Nguyễn Đình Đảm cho biết: “Hơn 90% lao động trong thôn làm nghề truyền thống, đời sống, thu nhập ổn định, nhưng hầu hết đều chưa nghiêm túc nghĩ về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chế độ an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động”.

Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có 7.379 người trong độ tuổi lao động. Thu nhập bình quân của người lao động làm nghề tại xã là 72 triệu đồng/năm, nhưng chỉ có 86 người trên tổng số 7.379 lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cần thêm các gói bảo hiểm linh hoạt, hấp dẫn

Không riêng làng nghề xã Quảng Phú Cầu, tại làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Đinh Chí Nguyện cho biết: Lao động trên địa bàn xã đều có việc làm thường xuyên, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn xã phát triển, giảm bớt các tệ nạn xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến quý I-2024, trên địa bàn xã có 10.286 người có bảo hiểm y tế (đạt 96.58%). Tuy nhiên, dù UBND xã cùng các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tỷ lệ lao động tự do tham gia vẫn thấp.

Hiện nay, UBND xã Chuyên Mỹ đang phấn đấu đạt chỉ tiêu 10% người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Đinh Chí Nguyện nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi hết tuổi lao động. Thứ hai, khuyến khích tinh thần nêu gương của đảng viên, công chức trong việc vận động lao động tự do trong gia đình tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện...”.

Chia sẻ thêm giải pháp, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết: “Để hấp dẫn lao động làng nghề tham gia, tôi mong có thêm nhiều ưu đãi trong gói bảo hiểm xã hội tự nguyện, thay vì chỉ được hưởng lương hưu và tử tuất như hiện nay. Cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương, các đơn vị trong công tác tư vấn, truyền thông”.

Trước thực trạng nhiều lao động làng nghề có thu nhập ổn định, thậm chí là tương đối cao so với mặt bằng chung của công nhân lao động, có người thậm chí đã mua bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh: “Cần thiết kế các gói đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện linh hoạt hơn, thời gian ngắn hơn, tăng tính hấp dẫn về quyền lợi, mở rộng diện hỗ trợ về thai sản cho lao động nữ… để ngày càng có nhiều lao động làng nghề dễ dàng tiếp cận và tham gia".

Tin rằng nếu cơ quan chức năng cùng vào cuộc, áp dụng đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giảm nguy cơ lọt lưới an sinh khi người dân làng nghề hết tuổi lao động, tránh tạo gánh nặng cho con cái, cộng đồng khi về già hoặc khi gặp rủi ro trong quá trình lao động.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giup-lao-dong-lang-nghe-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-667689.html