Giúp học sinh dân tộc thiểu số sớm định hướng nghề nghiệp

Để học sinh có định hướng phù hợp về nghề nghiệp, nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), dân tộc bán trú (DTBT) trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm. Qua công tác hướng nghiệp đã trang bị thêm cho các em nhiều kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn khi chọn lựa nghề, ngành học, phục vụ cho công việc tương lai.

Một tiết học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh -Ảnh: TÚ LINH

Trên địa bàn tỉnh có 13 trường phổ thông DTNT và DTBT với hàng nghìn học sinh. Thời gian qua, nhờ được chú trọng công tác hướng nghiệp nên đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của học sinh về nghề nghiệp. Sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số đã chọn được ngành học phù hợp, ra trường tìm được việc làm ổn định. Có được kết quả này phần lớn nhờ vào quá trình hướng nghiệp kịp thời, phù hợp của các trường phổ thông trên địa bàn các xã miền núi.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT huyện Đakrông Nguyễn Văn Thuận cho biết: xác định công tác tuyên truyền, định hướng cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng nên công tác hướng nghiệp được nhà trường chú trọng. Năm học 2023-2024, trường có tổng số 269 học sinh cấp THCS, trong đó có 66 học sinh lớp 9.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018, nội dung giáo dục hướng nghiệp được nhà trường lồng ghép, tích hợp vào các môn học. Bên cạnh đó, trường chủ động phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đakrông để tư vấn, hướng nghiệp và dạy các nghề may, làm vườn, điện dân dụng... cho học sinh từ đầu năm lớp 8.

Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS giúp các em hoặc tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau, hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhờ được tư vấn, định hướng kỹ lưỡng, hằng năm, đa số học sinh sau tốt nghiệp THCS của trường tiếp tục học lên bậc THPT, một số học tại Trung tâm GDNN-GDTX hoặc chọn học nghề thay vì ở nhà hay đi lao động tự do. Nhiều em sau khi học nghề đã có công việc ổn định, tự lập và có thu nhập phụ giúp gia đình.

Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT tỉnh Trần Thị Liên, học sinh nhà trường chủ yếu đến từ các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Các em phấn đấu thi trúng tuyển vào trường DTNT để có điều kiện học tập tốt hơn nhằm thay đổi cuộc đời. Hiểu những kỳ vọng đó của học sinh, nhà trường đã không ngừng đẩy mạnh công tác giảng dạy, lồng ghép các hoạt động giáo dục nhằm tạo ra một môi trường học tập thân thiện, trang bị cho học trò những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp THPT.

Cùng với đó, trường còn chú trọng đến các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là các hoạt động tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh. Hoạt động này thường tổ chức thông qua các câu lạc bộ, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm.

Bám sát những yêu cầu của đời sống thực tiễn, cùng với nội dung hướng nghiệp triển khai từ lớp 10 của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đã xây dựng chuyên đề cho học sinh tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp bản thân. Ngay từ tuần sinh hoạt chính trị đầu tiên dành cho học sinh lớp 10, các em được lồng ghép tiếp cận với các nội dung liên quan đến nghề nghiệp để có định hướng trong suốt cấp học.

Những hoạt động này giúp học sinh từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghề nghiệp, từ đó thay đổi tư duy trong việc chọn nghề phù hợp với năng lực của mình. Bên cạnh đó, thông qua các hội nghị cha mẹ học sinh, phụ huynh được trực tiếp nghe nhà trường tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để nắm bắt và góp phần định hướng thêm cho con em mình nhằm đưa ra quyết định chọn ngành nghề phù hợp.

Đối với khối 11, hằng năm nhà trường phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Quảng Trị dạy các nghề cơ bản để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Trường còn phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tư vấn nghề nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh giúp các em có thêm kiến thức thực tế và xây dựng kế hoạch học tập nhằm đạt được ước mơ.

Tại Trường phổ thông DTNT tỉnh, công tác phân luồng, hướng nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, phù hợp với thực tiễn. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được nâng lên, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%, số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Hàng chục học sinh của trường đủ điều kiện theo học Chương trình học bổng ISSHIN - ASHI của Nhật Bản hệ vừa học, vừa làm và Chương trình học bổng toàn phần Passerelles Numériques (PN) của chính phủ Pháp hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng.

Năm học 2022-2023, có 33/98 học sinh nhà trường đỗ vào các trường đại học (xét tuyển đợt 1); 11 học sinh theo học Chương trình học bổng toàn phần PN của chính phủ Pháp; 31 học sinh theo học tại Nhật Bản trong Chương trình học bổng ISSHINASHI; 10 học sinh của trường đi làm việc theo hợp đồng tại Đức.

Theo bà Trần Thị Liên, ngoài việc học đại học, hiện nay các trường cao đẳng nghề được nhà nước hỗ trợ về học phí, chỗ ở và nhiều trường có cam kết đầu ra, giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Đây là yếu tố thuận lợi, là cơ hội mở cho những học sinh có năng lực học vừa phải, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn lựa chọn để học nghề. Khi tìm được môi trường phù hợp để chọn học nghề hay học cao đẳng, được định hướng rõ ràng, học sinh sẽ hứng thú và có sức sáng tạo riêng để chuẩn bị năng lực tay nghề sau khi ra trường.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/giup-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-som-dinh-huong-nghe-nghiep/181257.htm