Giữ cho tiếng cồng ngân vang mãi
Đã có lần tôi hỏi già làng, nghệ nhân ưu tú K'Tiếu (SN 1952, ngụ buôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), khi nào người K'ho Sre dưới chân núi Brăh Yang này không còn mê tiếng chiêng? Vẫn giọng ồm ồm khỏe khoắn, ông trả lời dứt khoát: 'Hồ Ka La hết nước, núi Brăh Yang này không còn rừng, dòng máu trong người không còn chảy, khi đó người K'ho Sre mình mới hết mê chiêng...'.
Người giữ “lửa”...
Quả thực, đam mê là thứ khó bỏ, càng khó bỏ hơn khi tiếng chiêng ấy đã ngân vang, kéo dài, ăn đời ở kiếp với đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên. Không còn nghi ngờ gì nữa, văn hóa cồng chiêng là sản phẩm sáng tạo không thể tách rời ra khỏi cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Giá trị của cồng chiêng không ai cân đo đong đếm được bằng vật chất thông thường nhưng “sức nặng” của nó đã được thế giới công nhận.
Ngày 25/11/2005, là dấu mốc quan trọng của cộng đồng các dân tộc thiểu số chung sống ở Tây Nguyên. Đó là ngày UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới, sau Nhã nhạc cung đình Huế. Nhắc lại điều này để thấy được giá trị to lớn của không gian văn hóa cồng chiêng mà đồng bào các dân tộc thiểu số chung sống trên vùng đất này đã dày công sáng tạo. Đó không chỉ là sản phẩm văn hóa đỉnh cao của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào chung của đất nước. Thực tế, bây giờ những người chơi được cồng chiêng không nhiều. Chơi hay, chơi giỏi đến mức sáng tạo thêm các giai điệu, bài mới, được cộng đồng thán phục, thừa nhận và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như K’Tiếu lại càng hiếm có.
Dưới chân núi Brăh Yang này, gần 60 năm về trước, có một cậu bé dáng người nhỏ thó, ốm yếu nhưng đôi tay mạnh mẽ và tầm hồn cảm thụ thanh âm cồng chiêng tinh tế đến lạ, đó là K’Tiếu. Cậu bé này đến với cồng chiêng như một lẽ tự nhiên vốn có. Không ai cầm tay chỉ dạy, càng không ai giao chiêng quý cho một cậu bé “thò lò mũi xanh”, quần áo xộc xệch, tay chân nhem nhuống. Hành trình đến với cồng chiêng của Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu khi đó thật gian truân. Bởi, cồng chiêng là thứ tài sản quý, mặc định không dành cho nhà nghèo cái quyền sở hữu. Trong mắt đứa trẻ này, cồng chiêng là thứ xa xỉ, chỉ những gia đình giàu sang nhất buôn mới có. Cái “chân lý” đó quả thực không sai, ngay cả tới bây giờ vẫn thế...
Trong các buôn làng ở Tây Nguyên, nhà nào đang sở hữu cồng chiêng thì chắc chắn một điều, gia đình đó có uy tín rõ ràng. Tiếng nói của họ có trọng lượng, được bà con dòng tộc, cộng đồng dân cư kính trọng. Từ thuở xa xưa, trên vùng đất này, cồng chiêng là thứ tài sản gắn liền với nhà giàu biết cách hưởng thụ âm nhạc. Khi đời sống vật chất dư dả, đương nhiên người ta phải tìm cách lấp đầy khoảng trống về tinh thần. Thời bấy giờ, giữa không gian núi rừng trầm mặc, cồng chiêng là thứ âm thanh “có hồn” duy nhất làm thỏa mãn tâm trạng vui buồn của con người. Thành thử, trong những sự kiện trọng đại của các sắc tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên, người ta có thể bỏ món này, thêm món kia, giảm bớt các thủ tục, nghi thức cho phù hợp với điều kiện, gia cả thực tại nhưng tuyệt nhiên không thể thiếu thanh âm cồng chiêng. Nó quan trọng tới mức, không có cồng chiêng dù mọi thứ có đầy đủ tới đâu, thậm chí đề huề, thừa thãi cũng không thể được xem là lễ hội vì thiếu tính trang trọng, nghi thức linh thiêng. Ngược lại, sính lễ, nghi thức dù có thể còn thiếu nhưng khi tiếng chiêng trầm hùng đã bập bùng vang lên, người ta mặc định lễ hội đã khởi đầu...
K’Tiếu là một trẻ nhỏ nhà nghèo, tiếp cận với cồng chiêng là một thách thức lớn. Đam mê cháy bỏng có thừa nhưng lấy đâu ra cồng chiêng quý để thằng nhỏ tập chơi mới là chuyện đáng bàn. Sau những lần mon men tới một gia đình giữa buôn đang sở hữu bộ chiêng quý với mục đích được đập tay vào chiêng bất thành, rồi thời cơ cũng đã tới. Đó là lần buôn Duệ tổ chức một lễ hội lớn kéo dài trong nhiều ngày.
Với người K’ho Sre ở Lâm Đồng, hội buôn là lúc người ta đánh mất hết ý tứ về quan niệm cấp bậc, giàu sang hay nghèo hèn. Mọi người đều bình đẳng, ai cũng có quyền được ăn chơi, uống rượu cần và thưởng thức cồng chiêng tùy ý. Những ngày đó, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn, chức sắc, nam hay nữ, già hay trẻ... dân buôn hướng tới là ban phát cho nhau những niềm vui trong tiếng cười hạnh phúc. Vì thế, cậu bé K’Tiếu có dịp để tiếp cận và lần đầu tiên được đập nắm tay vào từng chiếc chiêng quý trong ngày hội buôn. Đôi bàn tay nhỏ xíu, thoạt nhìn có vẻ yếu ớt nhưng khi đập chiêng lại phát ra âm thanh vang vọng, dứt khoát tới lạ. Già làng K’Rẹ khi đó đã ngoài 80 tuổi ngồi bên cạnh phát hiện ra tài năng hiếm có của cậu bé sau vài tiếng chiêng dạo đầu vừa “học lỏm”. “Khá lắm, thằng nhóc!... Ngày mai, cứ ra đây, tao dạy cho...”, ông K’Tiếu kể lại lời già làng K’Rẹ khi đó nói với ông như thế.
Không còn sung sướng nào hơn, cậu bé nhà nghèo K’Tiếu tưởng chừng không thể được đụng vào bộ chiêng quý của buôn bỗng được bề trên đáng kính ban phát một đặc ân lâu nay chưa một đứa trẻ nào được nhận.
Tiếng vọng của tổ tiên
Quả thực, con mắt của các già làng bao giờ cũng tinh tế, tài tình hơn người. Chỉ vài ngày theo học ngay dịp hội buôn, K’Tiếu đã lộ rõ tài năng chơi chiêng thiên bẩm hiếm có. Thêm mấy ngày nữa, đưa trẻ hơn 10 tuổi này đã đánh thạo bài “Lối mẹ” (Gung me), một bài giai điệu khó, bình thường không dành cho người mới học chơi. Già làng K’Rẹ hào hứng gật đầu, để cho K’Tiếu ra biểu diễn ngay trong dịp hội buôn Duệ trang trọng kéo dài nhiều ngày năm đó. Cái chiêng to lớn, thật quá khổ với một đứa trẻ, trông cảnh này ai cũng ái ngại. Thế rồi, khi tiếng chiêng trầm hùng vang lên, mọi ánh mắt đổ dồn vào một đứa trẻ. K’Tiếu khiến dân buôn Duệ kinh ngạc với giai điệu khỏe khoắn, lúc trầm, khi bổng, lúc tha thiết ước mong, khi lại thổn thức hồi tưởng, thủ thỉ tâm sự... cứ thế vang lên. Giai điệu mà lâu nay dân buôn Duệ chỉ được nghe từ những người lớn tuổi chơi chiêng sành sỏi.
Đúng như lời già làng K’Tiếu nói với tôi trước đó: “Hồ Ka La hết nước, núi Brăh Yang này không còn rừng, dòng máu trong người không còn chảy, khi đó người K’ho Sre mình mới hết mê chiêng!...”.
Bây giờ, người K’ho Sre có đủ các hình thức giải trí thông minh, tiện ích hơn nhiều, nhưng mỗi khi tiếng chiêng ở đâu đó cất lên, dòng máu nghệ thuật, cảm thụ thanh âm truyền thống trong mỗi người dân buôn Duệ lại trỗi dậy mạnh mẽ. Vì thế, khi K’Tiếu biểu diễn để tặng tôi một bài do chính ông sáng tác, chẳng mấy lúc những đứa trẻ hàng xóm đã kéo tới vây kín cửa, nhoài người hóng vào. Cánh đàn ông, phụ nữ lớn tuổi rảnh rỗi ngày trời mưa không lên rẫy cũng đổ sang chơi, cốt là để nghe tiếng chiêng của già làng K’Tiếu. Thì ra, người buôn Duệ coi tiếng chiêng như lời vọng về của tổ tiên, cội nguồn. Dù bất cứ ở đâu trong buôn, mỗi khi tiếng chiêng vang lên, họ đều kéo tới, đắm đuối lắng nghe và sẵn sàng tham gia, nhiệt tình hòa mình vào các vũ điệu được bắt nhịp bởi tiếng cồng chiêng.
Có hai vấn đề khiến già làng K’Tiếu lo lắng. Đó là những người biết chơi cồng chiêng dưới chân núi Brăh Yang này ngày càng ít và những bộ chiêng đảm bảo chất lượng thật khó tìm kiếm. Để giải quyết nỗi lo thứ nhất, từ cách đây ít năm, già làng, Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu đã mở các lớp dạy chơi cồng chiêng cho con em trong buôn dưới sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Tới nay, hàng chục người K’ho Sre ở buôn Duệ đã biết chơi cồng chiêng và đi nhiều nơi biểu diễn. Họ cũng đã dành được các giải thưởng lớn được tổ chức trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng, liên quan tới liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số...
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng, chủ nhân sáng tạo ra loại văn hóa phi vật thể này.
Thế nhưng, làm ra những bộ chiêng quý lại phụ thuộc và là sản phẩm của người Kinh ở miền đồng bằng. Ngày nay, nghề đúc chiêng rõ ràng không còn thịnh hành, rất hiếm những người có kinh nghiệm để đúc ra các bộ chiêng đạt chuẩn về âm thanh. Không ít bộ chiêng được cơ quan chức năng đem tới nhờ nghệ nhân K’Tiếu “thẩm” nhưng kết quả không đạt. “Người không biết chơi chiêng thì mình có thể dạy, nhưng không có chiêng thì muốn học, muốn đánh cũng đành chịu!...”, già làng K’Tiếu trăn trở. Đó cũng là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách phát triển về văn hóa cồng chiêng và bản sắc của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Tôi hiểu rất rõ hàm ý của già làng, Nghệ nhân ưu tú K’Tiếu khi so sánh niềm đam mê cồng chiêng cháy bỏng của người K’ho Sre với hình ảnh của núi Brăh Yang, hồ Ka La, đó là những hình tượng tự nhiên mang tính biểu tượng vĩnh viễn, gắn liền với các huyền thoại và sức sống mãnh liệt của cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây. Cồng chiêng không thể thiếu, tuyệt nhiên càng không thể tách rời đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của đồng bào K’ho Sre ở buôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Nó cũng giống như một cơ thể con người, sống không thể thiếu dòng máu lưu thông tuần hoàn...
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/giu-cho-tieng-cong-ngan-vang-mai-i703696/