Giới hạn quyền lực của ông Trump
Dù cố gắng xây dựng hình ảnh 'lãnh đạo quyền lực', ông Trump vẫn đối mặt với các rào cản trong và ngoài nước khi triển khai chính sách.

Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách củng cố hình ảnh một nguyên thủ có quyền lực vượt trội. Từ các chuyến công du nước ngoài được tổ chức long trọng đến các quyết định hành pháp gây tranh cãi trong nước, ông Trump liên tục khẳng định vai trò “tổng thống có quyền năng đặc biệt”, theo CNN.
Trong chuyến thăm vùng Vịnh, cũng là chuyến công du đáng chú ý đầu tiên kể từ khi trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng, Tổng thống Trump được tiếp đón với thảm tím, tiêm kích hộ tống và quốc yến xa hoa do các hoàng thân chuẩn bị.

Ông Trump được đón tiếp long trọng trong chuyến công du đến vùng Vịnh. Ảnh: Reuters.
Hình ảnh ấy không chỉ là lễ nghi ngoại giao thông thường, mà còn là minh họa cho thông điệp chính trị của ông Trump: Ông là người có khả năng xoay chuyển cục diện quốc tế và nội bộ quốc gia bằng cá tính và quyền lực cá nhân.
Tuy nhiên, những động thái gần đây cho thấy thực tế quyền lực tổng thống, dù rộng lớn, vẫn bị giới hạn bởi các yếu tố nội tại và ngoại giao. Ông Trump có thể đưa ra quyết định đối ngoại mạnh mẽ, nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn phản ứng từ các quốc gia khác.
Ảnh hưởng quốc tế
Một minh chứng điển hình cho giới hạn quyền lực của ông Trump là cách Trung Quốc phản ứng với chính sách thuế quan cứng rắn của Mỹ. Khi chính quyền ông Trump áp thuế tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình từ chối nhượng bộ.
Trước nguy cơ kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, ông Trump buộc phải giảm mức thuế xuống còn 30%. Đây là bằng chứng cho thấy “người cầm lái” vẫn có thể phải lùi bước khi lợi ích quốc gia bị đe dọa.
Các nước phương Tây cũng bắt đầu xây dựng thế lực chính trị riêng để đối đầu với ông Trump. Tân Thủ tướng Canada Mark Carney đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bằng chiến dịch đối lập trực tiếp với các chính sách của Mỹ, cho thấy sự không đồng thuận ngày càng rõ nét với hình ảnh lãnh đạo mạnh tay của mà ông Trump thể hiện.

Thủ tướng Canada Mark Carney thể hiện lập trường cứng rắn trước Mỹ trong cuộc hội kiến đầu tiên với Tổng thống Trump khi khẳng định "Canada không phải món hàng đem bán". Ảnh: Reuters.
Ở khu vực Đông Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ tỏ thái độ cứng rắn mà còn gián tiếp làm suy yếu uy tín ngoại giao của Mỹ. Việc ông Putin không tham gia hòa đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc họp mà ông Trump mong muốn Tổng thống Ukraine Zelensky có mặt, là cú đòn trực diện vào nỗ lực trung gian hòa bình của Washington.
Dẫu vậy, ông Trump vẫn khẳng định tầm quan trọng của cá nhân mình trong tiến trình hòa giải quốc tế. “Chẳng có gì xảy ra nếu tôi và ông Putin chưa gặp nhau”, ông nói với báo giới trên chuyên cơ Không lực Một.
Tuy nhiên, điểm đáng nói là ông chưa từng sử dụng các công cụ khả dĩ trong tay như lệnh trừng phạt mới hay viện trợ quân sự cho Ukraine để buộc Nga phải nhượng bộ.
Như nhiều tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Trump dần nhận ra rằng dù có trong tay quân đội hùng mạnh và vị thế lãnh đạo toàn cầu, ông không thể đơn phương thay đổi toan tính của các cường quốc hay tổ chức phi quốc gia. Lợi ích quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ, không dễ bị khuất phục bởi sức ép cá nhân.
Quyền lực định hình nước Mỹ
Trái ngược với thách thức trên trường quốc tế, ông Trump lại thể hiện sức ảnh hưởng rõ rệt trong nội bộ nước Mỹ. Ông sử dụng quyền hành pháp để nhắm vào các đối thủ chính trị và những tổ chức dám thách thức mình. Các hãng luật tham gia truy tố ông bị chính quyền siết chặt, truyền thông Nhà Trắng bị kiểm soát, thậm chí cả những cơ sở giáo dục như Đại học Harvard cũng trở thành đối tượng bị điều tra về tính minh bạch.
Hình ảnh các CEO công nghệ, vốn đại diện cho kiểu quyền lực mềm mới của nước Mỹ, nghiêm trang dự lễ nhậm chức của ông Trump tiếp tục là minh chứng cho tác động của chiến lược “lãnh đạo kiểu áp đảo” mà nhà lãnh đạo gốc New York áp dụng trong nước.
Tuy nhiên, dù có thể đơn phương áp đặt thuế quan, ông Trump không thể kiểm soát tác động tiêu cực của chính sách này. Mới đây, Walmart cảnh báo: “Thuế cao hơn sẽ dẫn đến giá cả cao hơn”. Đây là thông điệp có thể tác động trực tiếp đến cử tri, vốn là nền tảng của hầu hết chính trị gia.
Không chỉ Walmart, Amazon từng xem xét việc minh bạch chi phí thuế nhập khẩu trong đơn hàng. Dù ý tưởng chưa triển khai, Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích đây là hành động “thù địch và chính trị”, theo người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt. Điều này cho thấy ông Trump hiểu rõ nguy cơ phản ứng dư luận có thể làm suy yếu các chính sách kinh tế gây tranh cãi.

Việc phải liên tục thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề thuế quan cho thấy sức ảnh hưởng của ông Trump thực sự có giới hạn. Ảnh: Reuters.
Mặt khác, ông Trump cũng tựa vào tình trạng phân cực của Quốc hội Mỹ, nơi bị chia rẽ sâu sắc và không thể đưa ra giải pháp cho các vấn đề khẩn cấp như biên giới phía Nam, để mở rộng quyền hành pháp. Các tuyên bố tình trạng khẩn cấp được dùng như công cụ để kích hoạt quyền lực tổng thống hiếm khi được sử dụng.
Dẫu vậy, hệ thống tư pháp vẫn là một trong số ít những cơ chế có thể kiểm soát quyền lực tổng thống, dù đa phần tác động mang tính hồi tố. Những cắt giảm bộ máy liên bang do Elon Musk, cựu lãnh đạo Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đưa ra đã bị đình chỉ hoặc đảo ngược.
Việc giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nếu bị tuyên là vi hiến, vẫn sẽ để lại khoảng trống lớn mà tổng thống kế nhiệm khó có thể khắc phục.
Một yếu tố khác đang tiếp thêm quyền lực cho Tổng thống Trump là phán quyết của Tòa án Tối cao trước cuộc bầu cử năm 2024, công nhận tổng thống có quyền miễn trừ rộng rãi đối với những hành động chính thức. Đây là tiền lệ tạo điều kiện cho người đứng đầu Nhà Trắng đẩy mạnh các bước đi pháp lý gây tranh cãi trong nhiệm kỳ hai.
Hiện, Tòa án Tối cao lại đang đứng trước một quyết định trọng đại khác: Ông Trump muốn bác bỏ quyền cấp quốc tịch theo nơi sinh, một quyền hiến định từ lâu đời tại Mỹ. Nếu được chấp thuận, tòa án sẽ vô hiệu hóa cơ chế ngăn chặn chính sách ở cấp tòa liên bang, mở rộng đáng kể quyền lực hành pháp.
Chưa dừng lại, Nhà Trắng đang xem xét việc đình chỉ quyền cho phép người bị giam giữ kháng kiện hợp pháp. Cố vấn Stephen Miller tuyên bố: “Chúng tôi đang tích cực xem xét. Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc tòa có làm điều đúng đắn hay không”. Đây là bước đi bị giới chuyên gia cảnh báo là biểu hiện rõ rệt của xu hướng chuyên chế, theo CNN.
Sau khi kết thúc chuyến công du vùng Vịnh, ông Trump trở lại Mỹ và đối mặt với một thử thách khác: thuyết phục Quốc hội, đặc biệt là các nghị sĩ Cộng hòa, thông qua “dự luật lớn, đẹp đẽ” của ông.
Dự luật này bao gồm hàng loạt ưu tiên như cắt giảm thuế mạnh, mở rộng khai thác năng lượng, tăng ngân sách quốc phòng và cắt giảm phúc lợi công như Medicaid hay tem phiếu thực phẩm.
Dù Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson có thể ép thông qua dự luật với thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa, con đường tại Thượng viện dự báo đầy chông gai. Thành bại của chương trình lập pháp trong nhiệm kỳ hai phụ thuộc lớn vào khả năng Trump gây áp lực chính trị lên các nghị sĩ cùng đảng.
Dù quyền lực tổng thống mạnh nhất vào đầu nhiệm kỳ, khi chính sách đối đầu với quyền lợi cử tri, hiệu ứng ngược có thể xuất hiện. Tổng thống Trump được cho là đang chơi một ván cờ mạo hiểm để tái định hình hệ thống kinh tế và chính trị Mỹ và phần còn lại của thế giới theo ý mình.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-han-quyen-luc-cua-ong-trump-post1553573.html