Gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc

Lấp lánh, nhiều chi tiết cầu kỳ, phối màu bắt mắt, chất liệu phong phú… đó là những cảm nhận ban đầu về trang phục của đồng bào Khmer. Khi tìm hiểu kỹ, trang phục của người Khmer có những nét rất riêng biệt. Ngoài tôn lên vẻ đẹp người mặc và đa dạng phong cách, trang phục còn thể hiện một phần văn hóa dân tộc Khmer. Vì vậy, dù trong nhịp sống hiện đại, thời trang hội nhập và tiệm cận quốc tế, trang phục truyền thống vẫn được đặc biệt yêu thích. Người thợ may trang phục Khmer vẫn 'giữ lửa' đam mê với nghề.

Cửa hàng may trang phục Khmer của chị Thị Pholla tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh nhỏ gọn và khá khiêm tốn nhưng lúc nào cũng tấp nập khách ra, vào. Gần 18 năm gắn bó với nghề may, chị không nhớ hết đã làm ra bao nhiêu sản phẩm phục vụ khách hàng. Mắt không còn tinh tường như trước, bàn tay đã chậm hơn xưa nhưng đam mê và tình yêu nghề vẫn lớn dần theo năm tháng. Tình yêu đó đã giúp chị tạo ra những sản phẩm đẹp và độc đáo, hấp dẫn khách hàng.

ChịPholla lựa chọn vải may trang phục Khmer

Chị Thị Hắt, một khách hàng cho biết, ngày trước muốn may trang phục Khmer rất khó khăn. Từ khi có tiệm may của chị Pholla, người dân ở đây vui lắm. Chị Pholla luôn nhiệt tình, may đồ đúng ý khách hàng và rất đẹp.

Chính niềm tin yêu của bà con lối xóm, của cộng đồng đồng bào Khmer đã giúp chị có thêm động lực và niềm tin để phát triển nghề may trang phục Khmer. Chị Pholla chia sẻ, ban đầu chỉ may những đồ đơn giản, dần dần chị học hỏi thêm và thử nghiệm may các mẫu cầu kỳ. Từ đó chị tích lũy, đúc rút kinh nghiệm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Giờ thì chị may rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng và linh hoạt kết hợp giữa truyền thống với hiện đại.

Chị Thị Pholla, chủ cửa hàng may trang phục Khmer tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh miệt mài với nghề

Để tạo nên những bộ trang phục đẹp và độc đáo, nghề may trang phục Khmer yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật may tinh tế và chính xác. Từ việc chọn vải, cắt may đến thêu, đính kèm hoa văn, họa tiết, mỗi bước đều được thực hiện với sự tỉ mỉ, kỳ công. Điều này cần cả sự khéo léo và kinh nghiệm của các thợ may để tạo nên những sản phẩm hoàn hảo.

Theo chị Pholla, trang phục Khmer may rất khó, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và kiên trì. Đồ đơn giản may khoảng 2 ngày là hoàn thành, còn cầu kỳ thì tầm 1 tuần. Nghề may tuy vất vả, thu nhập không cao nhưng chỉ cần nhìn thấy khách mặc đẹp với chị niềm vui như nhân đôi. Vui hơn nữa là chị được bà con yêu thương, ủng hộ, quý trọng vì đã cố gắng giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình.

Các bạn trẻ trong trang phục dân tộc Khmer

Hiện khu vực này có 2 cửa hàng may trang phục Khmer. Khách thường đặt may trang phục để mặc vào tháng 2, tháng 3 vì thời gian này gần tới lễ Chol Chnam Thmay. Một bộ trang phục cả tiền công may và tiền vải dao động từ 900 ngàn đến 1,5 triệu đồng.

Nghề may trang phục Khmer là nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa dân tộc Khmer. Với những đường kim mũi chỉ tinh xảo, hoa văn, họa tiết độc đáo, những bộ trang phục Khmer không chỉ mang đến vẻ đẹp truyền thống mà còn thể hiện sự tự hào và tôn vinh văn hóa dân tộc. Việc được gắn bó và làm việc với nghề này giúp người dân có thêm tình yêu và lòng tự hào với nghề truyền thống của dân tộc.

Sa Rây

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153102/gin-giu-net-dep-van-hoa-dan-toc