Giáo dục mầm non lấy trẻ là trung tâm

Đến Trường Mầm non Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa vào sáng sớm, chúng tôi cảm nhận rõ không khí hào hứng, vui tươi của trẻ cũng như phụ huynh khi đưa con đến trường.

Cô giáo Phạm Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ô Quý Hồ cho biết: Nhờ thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, việc đón, giữ và chăm sóc trẻ thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo đó, nhà trường đã xây dựng các giờ học nhằm tạo cơ hội để trẻ tự sáng tạo, tự khám phá. Ví dụ, tiết học kỹ năng sống, cô giáo dạy cho trẻ biết cách tự vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo, lấy đồ dùng chuẩn bị đi học, cất ba lô đúng nơi quy định, tự giác thu dọn đồ chơi gọn gàng, cất ghế khi ra về, không đi theo người lạ... Hay như tiết hoạt động góc, cô giáo cho trẻ tự nhận góc chơi, tự chọn bạn chơi, đồ chơi yêu thích… giúp trẻ mạnh dạn, tự tin khám phá, hình thành các kỹ năng giao tiếp xã hội (chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi); tiết học khám phá khoa học giúp trẻ hình thành kỹ năng biết quan sát, lắng nghe, biết đặt câu hỏi; tiết học tạo hình giúp trẻ nhận biết màu sắc, hình khối…

Việc thực hiện ý tưởng xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm của nhà trường đã mang lại kết quả tích cực. Trẻ có tâm lý thích đến trường, mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp, thường xuyên đặt câu hỏi trong giờ học. Tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần luôn duy trì 97 - 99%; 90% học sinh sau học kỳ 1 năm học 2023 - 2024 đạt chất lượng tốt.

Cô giáo Phạm Thị Cảnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ô Quý Hồ.

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025, các trường mầm non trên địa bàn thị xã Sa Pa đã chú trọng đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động. Các trường đã huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng, tạo cảnh quan theo chủ đề như: Xây dựng vườn rau, vườn hoa, vườn cây, xây dựng các khu vui chơi có trang trí theo chủ đề bằng những câu chuyện sinh động; thường xuyên sưu tầm các đồ vật gần gũi với cuộc sống để tạo hứng thú cho trẻ vào các hoạt động trải nghiệm. Nhiều trường đã tài liệu hóa nội dung dạy học, kế hoạch giáo dục nhà trường; các video ghi lại những hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa đánh giá: Sau 2 năm thực hiện chuyên đề, chất lượng giáo dục trẻ 100% trường mầm non trên địa bàn thị xã được nâng lên rõ rệt. Các nhà trường có môi trường giáo dục đạt yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm. Trẻ hào hứng, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, ngoại khóa. Nhân dân địa phương và phụ huynh tin tưởng vào chất lượng chăm sóc giáo dục tại các nhà trường, từ đó tích cực ủng hộ, phối hợp hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ... Ðã có nhiều thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được cải tiến, thay mới, nhiều phòng học, sân chơi được làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, thông thoáng, sắp xếp bố trí sáng tạo, phù hợp với diện tích của nhóm lớp, của trường.

Tại huyện Bát Xát, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cũng được triển khai thực hiện tại 21/21 trường mầm non trong toàn huyện. Việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong các nhà trường luôn là mục tiêu hướng đến của hoạt động giáo dục. Các trường đã xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo nhiều cơ hội cho trẻ thực hành trải nghiệm. 20/21 trường có máy Kidsmart cho trẻ tiếp cận với tin học, học thông qua trò chơi, rèn thao tác với chuột máy và bàn phím góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho trẻ. Hầu hết các trường mầm non đã tổ chức đánh giá theo tiêu chí thực hành áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong xây dựng kế hoạch giáo dục trẻ mầm non. Riêng trẻ 5 tuổi đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non bàn giao cho trường tiểu học đạt 100%.

Lào Cai hiện có 198 trường mầm non, trong đó 183 trường công lập, 15 trường tư thục. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chuyên đề. Sự ưu việt của mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 3%, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 4,1%, trẻ thừa cân béo phì chỉ còn 1,7%; 100% trường cho trẻ được làm quen với tin học thông qua phần mềm Kidsmart; hơn 12.800 trẻ được làm quen với tiếng Anh…

Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên trong khai thác môi trường giáo dục đối với sự phát triển của trẻ. Từ đó có sự đổi mới, sáng tạo trong lập kế hoạch, thiết kế các nội dung tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trên cơ sở khai thác môi trường có sẵn trong trường mầm non.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các hoạt động giáo dục đổi mới hướng vào phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy được thế mạnh của từng trẻ và phù hợp nhóm trẻ, 100% trẻ trong các trường mầm non được khuyến khích tham gia mọi hoạt động giáo dục của nhà trường. Các trường chủ động thiết kế môi trường trong và ngoài lớp học, môi trường tâm lý xã hội, môi trường văn hóa… phù hợp tình hình nhà trường, địa phương, với mục tiêu hướng vào sự phát triển toàn diện của trẻ, đảm bảo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, bình đẳng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giao-duc-mam-non-lay-tre-la-trung-tam-post381633.html