Giám sát thực hiện Chương trình Phục hồi: Tiếc nuối vì những điều chưa trọn vẹn

Qua hơn 2 năm thực hiện, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng bên cạnh những chính sách đã đi vào cuộc sống vẫn cần đánh giá kỹ những chính sách chưa khả thi để rút ra bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo.

Đai biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu.

Đai biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu.

Chúng ta trân trọng kết quả đạt được, nhưng cũng có những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nói trong phiên giám sát tối cao sáng 25/5 của Quốc hội.

Nội dung giám sát là “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đây là Nghị quyết được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Nghị quyết được ban hành với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế

Qua hơn 2 năm thực hiện, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng bên cạnh những chính sách đã đi vào cuộc sống vẫn cần đánh giá kỹ những chính sách chưa khả thi để rút ra bài học kinh nghiệm cho chặng đường tiếp theo.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, trong bối cảnh siết chặt kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi, các chính sách nên ưu tiên tính khả thi. Chẳng hạn, gói hỗ trợ lãi suất 2% (chỉ đạt 3,05% trên tổng quy mô nguồn lực 40.000 tỷ đồng” thất bại do không khả thi.

Trong khi đó, các gói giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) phát huy hiệu quả cao, do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế có sẵn. Nhưng, theo đại biểu Đồng, giảm thuế VAT cũng gặp vấn đề khi phân loại mặt hàng hàng nào được giảm xuống 8%, còn mặt hàng nào vẫn phải chịu thuế 10%.

“Nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, thứ đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế. Thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn và cần tập trung vào một ngành rất cụ thể. Ví dụ vào thời điểm mới bắt đầu hết giãn cách, khôi phục các đường bay thì thậm chí nên tính đến việc giảm thuế VAT hàng không về 0% hoặc giảm các loại phí, lệ phí sân bay. Điều này có thể giúp hàng không phục hồi nhanh hơn”, đại biểu Đồng nói.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu.

Bài học nữa, theo đại biểu Đồng là cần tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm.

“Một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm đưa chính sách vào cuộc sống. Còn như Nghị quyết 43 lại cho thời hạn thực hiện 2 năm, trong thời gian đó thì rất nhiều thứ đã khác. Khủng hoảng kinh tế do Covid – 19 rất khác với khủng hoảng khác”- vị đại biểu Quảng Trị nhìn nhận.

Cần hiểu hơn người dân thực sự cần gì, doanh nghiệp thực sự muốn gì

Một số bài học kinh nghiệm cần rút ra cho chặng đường tiếp theo và cũng là để trả lời cho câu hỏi nếu như trong tương lai,một lần nữa dịch bệnh xảy ra liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như đã áp dụng hay không, là vấn đề được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề cập.

Bà Mai nói, thứ nhất, là tính kịp thời trong tổ chức thực hiện. Có lẽ đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết. Trong bối cảnh dịch bệnh, nghj quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hâp thụ được ngay. Tuy nhiên, bên cạnh một số kế quả đạt được thì đến nay một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành. Điều này cũng làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng tính ứng phó kịp thời của một số chính sách.

Đại biểu dẫn chứng, gói giải ngân vốn kết cấu hạ tầng đến nay mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quyết liệt đôn đốc, nhưng mới giải ngân được 61%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,05%. Gói đào tạo, dạy nghề đạt 37% và hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 55,7%.

Bài học thứ hai được bà Mau nêu là cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh nhiều chính sách hợp lý thì cũng có một số chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống. Như chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn phát triển du lịch hay việc sử dụng quỹ viễn thông công ích.

“Nếu có thể làm lại, thì cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta không cần nhiều chính sách, nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt là cần đứng từ góc độ người dân, doanh nghiệp để hiểu hơn người dân thực sự cần gì, doanh nghiệp thực sự muốn gì”, Phó chủ nhiệm Mai nêu quan điểm.

Liên quan đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi đến hết 2025, bà Mai nói hiện trong số 272 dự án thuộc chương trình, có đến 107 dự án có tỉ lệ giải ngân dưới 50%. Nếu không cho phép kéo dài sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí. Như vậy đây cũng là bài toán cần xem xét thận trọng.

Đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan thì có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chúc, cá nhân liên quan, bà Mai đề nghị.

“Đến nay, Nghị quyết 43 đã đi đến chặng đường cuối cùng. Chúng ta trân trọng kết quả đạt được, nhưng cũng có những điều nuối tiếc cho những điểm chưa trọn vẹn. Tuy nhiên với tất cả những trải nghiệm, bài học đúc rút thì chúng ta có quyền tin rằng sẽ làm tốt hơn ở chặng đường tiếp theo”, vị đại biểu Hà Nội bày tỏ.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giam-sat-thuc-hien-chuong-trinh-phuc-hoi-tiec-nuoi-vi-nhung-dieu-chua-tron-ven-d216023.html