Vì một thế giới không suy thoái đất

'Đoàn kết vì đất đai: Di sản của chúng ta. Tương lai của chúng ta' là chủ đề được Liên hợp quốc chọn nhân 30 năm Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17-6-1994 - 17-6-2024) nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của hành động tập thể để bảo tồn tài nguyên đất đai.

Thách thức cấp bách

Sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán là một trong những thách thức môi trường cấp bách nhất của thời đại. Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, mỗi giây, diện tích đất lành bị suy thoái tương đương với 4 sân bóng đá và mỗi năm, diện tích đất bị suy thoái lên tới 100 triệu ha.

Ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cho biết: “Có tới 40% đất đai trên thế giới đã bị suy thoái, ảnh hưởng đến gần một nửa nhân loại. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn đang ở trên bàn. Đã đến lúc đoàn kết vì đất đai và cảnh báo tình trạng mất cũng như suy thoái đất trên thế giới”.

 Hạn hán khốc liệt ở châu Phi. Ảnh: Ecogreen News

Hạn hán khốc liệt ở châu Phi. Ảnh: Ecogreen News

Dân số ngày càng tăng cùng với mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên, gây áp lực quá mức lên đất đai dẫn đến suy thoái đất. Sa mạc hóa và hạn hán đang thúc đẩy tình trạng di cư bắt buộc, khiến hàng chục triệu người mỗi năm có nguy cơ phải di dời. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm những vấn đề này, đặt ra những thách thức đáng kể đối với quản lý đất đai và nông nghiệp bền vững, đồng thời làm suy yếu khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Theo số liệu từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), sự suy thoái này ảnh hưởng đến 3,2 tỷ người trên toàn thế giới, đặc biệt ảnh hưởng đến cộng đồng nông thôn và nông dân sản xuất nhỏ vốn phụ thuộc vào đất đai để kiếm sống, dẫn đến tình trạng đói, nghèo, thất nghiệp và di cư bắt buộc ngày càng gia tăng.

Quản lý bền vững

Để ngăn chặn và đảo ngược những xu hướng đáng báo động trên cũng như đáp ứng các cam kết toàn cầu nhằm khôi phục 1 tỷ ha đất bị suy thoái vào năm 2030, cần tạo cơ hội việc làm cho người dân nông thôn, giúp thanh niên tiếp cận các cơ hội kinh doanh sinh thái, đồng thời nhân rộng các phương pháp tiến bộ nhất.

Trong số 8 tỷ dân trên thế giới, hơn một tỷ thanh niên dưới 25 tuổi sống ở các nước đang phát triển, đặc biệt ở các khu vực phụ thuộc trực tiếp vào đất đai và tài nguyên thiên nhiên để sinh sống.

Đây cũng là lý do vì sao chủ đề được chọn năm nay lại tập trung tìm cách huy động mọi thành phần trong xã hội hỗ trợ quản lý đất đai bền vững, cùng nhau hành động để các thế hệ mai sau có thể tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng. Việc quản lý bền vững tài nguyên đất và nước là cần thiết để tăng cường sản xuất lương thực, bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện chất lượng đất và nước; đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng nông thôn trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Theo FAO, trong nỗ lực khôi phục và nâng cao khả năng phục hồi hệ sinh thái cần ưu tiên trước hết đối tượng phụ nữ và thanh niên. Đây là những người có vai trò quan trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe đất đai và chịu thiệt hại nặng nề do suy thoái đất. Nguyên tắc này cũng đảm bảo rằng việc phục hồi đất dựa trên cơ sở khoa học và lấy con người làm trung tâm, phấn đấu vì một thế giới không suy thoái đất, cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-mot-the-gioi-khong-suy-thoai-dat-post744910.html