Nông dân Tiền Giang tung 'tuyệt kỹ', làm giàu từ những cây trồng bạc tỷ

Trong khu vườn rộng hơn 1,2 ha, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, ông Bùi Văn Công (xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) thu về trên dưới 1,5 tỷ đồng từ cây mai vàng. Giống như thú 'chơi' mai, nghề trồng mai cũng lắm công phu.

Ông Bùi Văn Công chia sẻ, cây mai vàng đến với ông như là một cái duyên. Khi còn nhỏ, gia đình ông chuyên trồng cây ăn quả, trong khu vườn đó, ông Công bắt đầu trồng xen kẽ cây mai vàng, cứ sau mỗi năm, cây mai lại thêm nhiều, và đến nay thì chiếm đa số trong vườn.

Những cây trồng bạc tỷ

Vụ Tết năm 2024, trong vườn nhà ông Công có gần 1.500 gốc mai vàng, cây giá trị thấp thì vài triệu đồng, cây có giá trị cao lên tới cả tỷ đồng. Sau vụ mùa thắng lợi, thu về hơn 1 tỷ đồng, những ngày này ông lại đang tất bật tỉa cành, chăm sóc cây để chuẩn bị cho năm tới.

Cây mai là một loại cây không quá khó trồng, nhưng theo ông Công, để mai có thế đẹp, thân khỏe, ra hoa đúng vào dịp Tết, đòi hỏi người trồng mai phải có những “tuyệt kỹ” riêng. Người trồng mai cũng giống như người “chơi” mai, luôn phải có tình yêu đặc biệt với loại cây này.

Cây mai vàng đang là một trong những cây trồng bạc tỷ ở Tiền Giang.

Cây mai vàng đang là một trong những cây trồng bạc tỷ ở Tiền Giang.

Không ngại chia sẻ về thu nhập của mình, ông Công tiết lộ nhiều năm qua, mỗi năm ông bán ra thị trường từ 200-300 cây mai vàng, thu nhập từ 1,2-2 tỷ đồng/năm. Nhờ trồng mai, nhà ông có của ăn của để, tiền nuôi con cái ăn học thành tài.

Bên cạnh mở ra hướng làm giàu cho bản thân, vườn mai của gia đình ông Công còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Những ngày thường, vườn mai luôn có từ 4-6 lao động chuyên cắt cỏ, tỉa cành, cùng với đó là một số nghệ nhân chuyên tạo thế, sửa kiểng… thu nhập bình quân 350-500 nghìn/ngày.

Nếu ông Bùi Văn Công đang có thu nhập cao từ trồng mai vàng, thì ông Lê Văn Thủy (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) lại đang thu “quả ngọt” từ trồng thanh long. Khu vườn của ông không chỉ rộng nhất nhì địa phương mà còn rất "kiểu mẫu" được nhiều người học hỏi.

Ông Thủy cho biết, gia đình ông trước đây trồng lúa nhưng thị trường bấp bênh, kinh tế theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2012, được sự khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, ông bắt tay vào sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP rồi đến GlobalGAP.

Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, ông liên kết với HTX Mỹ Tịnh An để được hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và đặc biệt là được hỗ trợ về thị trường tiêu thụ, đưa trái thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính từ châu Á sang châu Âu.

Liên kết để làm giàu bền vững

Sự đồng hành của HTX, ngành nông nghiệp địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực của bản thân đã và đang giúp ông Lê Văn Thủy gặt hái thành công đáng tự hào. Hiện, vườn thanh long của gia đình ông được “xử lý” ra trái 3 vụ, cho năng suất từ 50-60 tấn.

Trái thanh long tươi sau thu hoạch được bán lại cho HTX Mỹ Tịnh An với giá cao hơn mặt bằng thị trường 10-20%. Kết quả, trong 3 năm trở lại đây, bất chấp khô hạn kỷ lục, mỗi năm ông Thủy vẫn thu về trên dưới 400 triệu đồng.

Cây thanh long cũng là loại cây xóa nghèo, làm giàu của nông dân Tiền Giang.

Cây thanh long cũng là loại cây xóa nghèo, làm giàu của nông dân Tiền Giang.

Không chỉ có ông Thủy, HTX Mỹ Tịnh An đang là điểm tựa sản xuất cho hàng trăm hộ trồng thanh long ở Chợ Gạo. HTX hiện có 120 thành viên sản xuất thanh long. Diện tích sản xuất là 130 ha và tất cả diện tích này đều có chứng nhận về quy trình sản xuất GlobalGAP với tổng sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm.

Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, HTX đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan vùng trồng thanh long của HTX và ký hợp đồng bao tiêu cho toàn bộ sản phẩm. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX chủ yếu là xuất khẩu sang các nước: Mỹ, EU, Úc, Nhật…

Cùng với cây thanh long, cây dứa (khóm/thơm) cũng đang là giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân tỉnh Tiền Giang thời gian qua. Đơn cử, những năm gần đây, ông Phạm Văn Sừng ở xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, liên tục gặt hái thành công từ loại cây này.

Để có thành công hiện tại, ông Sừng kiên trì theo đuổi các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, xử lý cho cây dứa ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, mất giá”. Ông cũng chủ động học tập thêm kinh nghiệm thâm canh của những nông dân giỏi đi trước giúp ông liên tục nâng cao năng suất, chất lượng trong quá trình thâm canh cây khóm và mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Thêm động lực để bứt phá

Không chỉ là các hộ cá thể, nhiều HTX trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đang được thành lập để phát huy thế mạnh của quả dứa nói riêng và cây ăn quả nói chung.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Quyết Thắng ở ấp Tân Phong, xã Tân Lập 2 đang tập trung hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho các thành viên, đồng thời nghiên cứu giống dứa mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện, HTX xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh tổ chức sản xuất, các HTX trên địa bàn huyện Tân Phước còn liên kết thu mua, tiêu thụ nông sản với nông dân theo mô hình chuỗi giá trị; mở rộng mạng lưới hàng trăm cơ sở thu mua, tiêu thụ, sơ chế sản phẩm cây ăn quả phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; 23 trang trại chăn nuôi quy mô lớn liên kết với các doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị gắn kết đầu vào và đầu ra sản phẩm, 122 ha cây trồng đặc sản đạt chứng nhận VietGAP...

Tỉnh Tiền Giang xưa nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” trái cây của cả nước, với hơn 84.000 ha canh tác và sản lượng hàng năm trên 1,8 triệu tấn các loại. Trong đó, có một số loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng, vú sữa, khóm, thanh long…

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản, rau màu chuyên canh theo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 284 mã số vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số, với diện tích 20.473,6 ha, mở ra cơ hội lớn cho các hộ sản xuất chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Với những thành công đang có, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý hoặc theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; xúc tiến việc xây dựng thương hiệu; tiếp tục tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, gắn với liên kết tiêu thụ, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu…

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-tien-giang-tung-tuyet-ky-lam-giau-tu-nhung-cay-trong-bac-ty-1100416.html