Nhà mua hàng quốc tế tăng đặt hàng doanh nghiệp Việt

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, có thể cung ứng trên 400 tỷ USD hàng hóa/năm, là lực hút đáng kể với các nhà mua hàng toàn cầu.

Các tập đoàn lớn như Samsung, LG… đều có nhà máy sản xuất ở Việt Nam để cung ứng hàng ra toàn cầu

Các tập đoàn lớn như Samsung, LG… đều có nhà máy sản xuất ở Việt Nam để cung ứng hàng ra toàn cầu

Nhà bán lẻ toàn cầu tăng nhập hàng Việt

“Sẽ tăng đặt hàng từ Việt Nam” là chia sẻ của các tập đoàn Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon (Hoa Kỳ); Falabella (Chilê); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); LuLu (UAE); IKEA, H&M (Thụy Điển)... khi tham gia sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 mùa 2, do Bộ Công thương tổ chức.

Ông Herman Xu, Giám đốc chất lượng toàn cầu Miniso Group cho hay, hiện các sản phẩm Việt Nam trong chuỗi của hãng này vào khoảng 10%, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng lên trong thời gian tới, bởi Hãng đã xác định Việt Nam là địa điểm cung ứng cần thiết.

Khi các nhà mua hàng quốc tế tăng đặt hàng doanh nghiệp Việt, là thời cơ để xuất khẩu - một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, có đà tăng trưởng.

Nhiều nhà mua hàng quốc tế đánh giá, khác biệt về thuế quan là yếu tố quan trọng trong việc quyết định đặt hàng. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), môi trường kinh doanh ổn định, giúp giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Với việc tham gia 17 FTA thế hệ mới, tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam tăng tốc xuất khẩu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA đạt 230,5 tỷ USD.

Thông qua việc thu hút một lượng vốn FDI lớn trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất hàng hóa vài trăm tỷ USD mỗi năm (có thể đạt trên 400 tỷ USD). Các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Uniqlo… đều có nhà máy sản xuất bề thế để cung ứng hàng từ Việt Nam ra toàn cầu, giúp các nhà đặt hàng thêm yên tâm về tiêu chuẩn, chất lượng.

Bộ Công thương cho biết, việc ký kết thành công các FTA với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Năm 2022, lần đầu tiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD. Sang năm 2023, dù chịu ảnh hưởng của thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng xuất khẩu vẫn đạt gần 355 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiếp đà phục hồi, với mức tăng trưởng 15,2%, đạt 156,7 tỷ USD, tương ứng tăng thêm 20,72 tỷ USD.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam nhận xét, Việt Nam là một trong những nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart, từ hàng may mặc, đồ điện tử, đồ chơi, thực phẩm. Theo đó, việc đa dạng hóa và mở rộng danh mục sản phẩm “made in Vietnam” tiếp tục là trọng tâm của nhà bán lẻ này trong thời gian tới.

Hàng Việt Nam không chỉ thâm nhập hệ thống Walmart tại Hoa Kỳ, mà còn tại các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Canada, Mexico

Đối với Mexico, thị trường thuộc Mỹ Latinh, với khoảng cách địa lý xa Việt Nam, nhưng đang gần lại nhờ giao thương phát triển. Bà Jennifer Yuriko Patton Inukai, Giám đốc thu mua khu vực châu Á, Tập đoàn Coppel (Mexico) đánh giá, Việt Nam là địa chỉ cung ứng hàng hóa quan trọng của tập đoàn này, nhất là từ khi 2 nước cùng là thành viên của CPTPP.

“Tiềm năng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ Latinh còn lớn, trong đó, ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là lợi thế cho hàng hóa Việt Nam khi vào thị trường Mexico”, bà Jennifer Yuriko nhấn mạnh.

Ước tính, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang Mexico tăng gần 28%, đà tăng được duy trì liên tục nhờ thực thi CPTPP. Năm ngoái, Việt Nam xuất 4,43 tỷ USD hàng hóa sang Mexico, thì có 1,62 tỷ USD được hưởng ưu đãi thuế quan, chiếm tỷ lệ 36,6%.

Có thể thấy, mở rộng thu mua hàng từ Việt Nam là mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ, bởi họ muốn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững. Điều này càng rõ hơn khi xung đột địa chính trị căng thẳng, khó đoán định.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 3 FTA và 1 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương). Kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Liên tục chuyển đổi để thích ứng

Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu, với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả, với chất lượng ngày càng tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, trước thực tế các nhà mua hàng toàn cầu đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung lâu dài, nhưng đưa thêm tiêu chuẩn về sản phẩm bền vững, hầu hết doanh nghiệp đã ý thức và hành động để đáp ứng các yêu cầu này.

Nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Minh chứng là, tại sự kiện Kết nối cung ứng hàng hóa 2024, Việt Nam đã đón nhiều nhà thu mua trung cấp, là chuyên gia mua hàng của hệ thống siêu thị chuyên ngành, các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng giảm giá, chuỗi siêu thị phục vụ người châu Á, những công ty thương mại chuyên nhập khẩu để cung ứng theo ngành hàng riêng biệt cho các chuỗi siêu thị trên toàn cầu. Điểm chung của các nhà mua hàng này là đến từ nhiều thị trường mới, có tiêu chuẩn không quá khắt khe như Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Âu.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu. Nhưng xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát triển bền vững, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU… đều tăng yêu cầu về các yếu tố bền vững. Song, theo ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, điều cần làm của doanh nghiệp Việt là tăng cường năng lực đáp ứng.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-mua-hang-quoc-te-tang-dat-hang-doanh-nghiep-viet-d217621.html