Giải quyết việc khó - thước đo đánh giá cán bộ
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội' (Chỉ thị 24) đã tạo sự chuyển biến tích cực, đặc biệt trong việc xung phong giải quyết việc khó, việc mới của đội ngũ cán bộ các cấp. Và kết quả của phần việc này được xem là tiêu chí, thước đo đánh giá cán bộ.
Tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, nhiều việc khó trong giải phóng mặt bằng, thực hiện chỉnh trang đô thị tồn tại qua nhiều năm trước, thế nhưng gần đây được cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm, với việc xung phong đảm nhận việc khó từ các đồng chí cán bộ đứng đầu.
Đó là câu chuyện khi đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Quận ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi xung phong đảm nhận nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động thu hồi diện tích đất còn lại không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng dự án mương thoát nước Hà Nội (giai đoạn II) đối với một hộ dân ở ngõ 596 đường Hoàng Hoa Thám. Nhận nhiệm vụ, hiểu rõ khó khăn “tấc đất, tấc vàng” ở Thủ đô, đồng chí Ngọc đã thành lập tổ công tác, linh hoạt trong vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tranh thủ các buổi tối đến vận động gia đình, kết hợp với những đảng viên cao tuổi, người thân kiên trì vận động. Kết quả, trong tháng 5-2024, hộ dân trên đã đồng thuận, tự tháo dỡ, di chuyển tài sản và bàn giao đất cho UBND phường quản lý theo quy định. Trước đó, cuối năm 2023, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc đăng ký với Ban Thường vụ Đảng ủy phường nhận nhiệm vụ vận động 5 hộ dân ở đường Trích Sài sử dụng diện tích sát đường kè ngoài Hồ Tây trái phép, nhân dân phản ánh rất nhiều. “Nhận nhiệm vụ, cái khó là các hộ dân này đều cho người khác thuê, chủ không có ở đó. Tôi đã rà soát, lấy thông tin, trực tiếp đến cơ quan mà các chủ hộ làm việc để gặp gỡ, vận động. Một hộ thành công và sau đó, các hộ đều chấp thuận bàn giao lại diện tích lấn chiếm, trả lại cảnh quan môi trường cho địa bàn dân cư”, đồng chí Nguyễn Thị Ánh Ngọc chia sẻ.
Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn đang từng ngày đổi thay khi được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu năm 2024. Sự phát triển của địa phương đi liền với nhiều dự án phải giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thi công. Xác định rõ nhiệm vụ trong nghị quyết lãnh đạo năm của Đảng ủy xã, đồng chí Đàm Khắc Trường, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Linh xung phong đảm nhận chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn.
Từ sự sâu sát địa bàn, bám nắm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân liên quan đến các dự án trên địa bàn xã, đồng chí Trường đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết thấu tình, đạt lý nguyện vọng của nhân dân.
Nhờ vậy, đối với dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND xã Phù Linh, hiện nay, xã đã hoàn thành công tác xác nhận nguồn gốc đất với tổng 15 thửa đất, diện tích hơn 2.000m2. UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Hiện địa phương đã bàn giao cơ bản mặt bằng cho đơn vị thi công, tiếp tục thực hiện quy trình thu hồi đất đối với các thửa còn lại. Với dự án mở rộng Quốc lộ 3, hiện nay, UBND xã Phù Linh phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn thu thập các giấy tờ đất đai có liên quan phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, trong đó, đất ở đạt 90%, đất nông nghiệp đạt 15% các hộ gia đình, cá nhân nộp giấy tờ. Tiến độ dự án đang diễn ra thuận lợi, nhân dân trong xã cơ bản chấp thuận phương án đền bù mà cơ quan chức năng đưa ra.
Không chỉ riêng xã Phù Linh mà đối với hệ thống chính quyền các cấp của TP Hà Nội đều xác định nội dung công việc theo phương châm "5 rõ": “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, đúng quy định. Qua đó, không chỉ kỷ luật, kỷ cương được giữ vững mà tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt trong từng nhiệm vụ, đặc biệt là việc mới, việc khó.
Có thể khẳng định: Việc thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thực sự là luồng gió mới trong thực thi công vụ, giải quyết việc mới, việc khó trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Khảo sát thực tiễn tại các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy: Để thực hiện tốt Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ, đảng viên. Không chỉ tự soi chiếu bản thân mình về tinh thần tự giác, gương mẫu; trách nhiệm cao với công việc mà khi gặp việc khó, cán bộ, đảng viên phải chủ động đề xuất giải pháp để địa phương, đơn vị thực hiện, chứ không phải tìm cách đẩy việc, né việc.
Từng cơ quan, đơn vị đã xây dựng quy trình nội bộ, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân. Trong đó luôn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi ở đâu người đứng đầu không nắm chắc, không sâu sát với công việc, với cơ sở; không có khả năng dự báo tình hình, không nhìn ra được những việc mới, việc khó cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết thì sẽ dễ dẫn tới tình trạng chậm muộn, thậm chí không khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thì Chỉ thị 24 đặt nội dung “kỷ cương” lên đầu tiên, tiếp đó là “kỷ luật”, “trách nhiệm”. Đây chính là sự tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở.
Từ kết quả thực hiện Chỉ thị 24, từ những việc làm cụ thể trong xung kích vào việc mới, việc khó của đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị TP Hà Nội là thước đo trong đánh giá cán bộ. Từ đó làm cơ sở để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ TP Hà Nội lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; để tận dụng được các cơ hội, giải quyết được những khó khăn, thách thức đặt ra; khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, huy động được nguồn lực to lớn của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đưa công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Hà Nội lên những tầm cao mới, dựng xây Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại”.