Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo tương đối cao so với trung bình của cả nước, nhưng phần lớn chỉ có trình độ từ sơ cấp đến dạy nghề. Với chất lượng đào tạo này, nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và còn gây lãng phí nguồn nhân lực.

Xác định nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên ba yếu tố: Thể lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 22 cơ sở công lập, tám cơ sở tư nhân, doanh nghiệp FDI. Trong số này chỉ có 11 cơ sở đào tạo nghề trọng điểm: Bốn ngành nghề trọng điểm quốc tế, 10 ngành nghề trọng điểm khu vực ASEAN, 24 nghề trọng điểm quốc gia… Đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đa số có trình độ từ đại học trở lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được đầu tư mở rộng đáp ứng yêu cầu dạy và học… Qua đó, tỷ lệ đào tạo và truyền dạy nghề đạt trên 70%, cao hơn mức trung bình của vùng Trung du miền núi phía Bắc; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực thành thị trên 53%, khu vực nông thôn trên 20%...

Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh khối 12

Tuy tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả cao; năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ và các tiến bộ KHKT còn hạn chế. Nhiều lao động chuyển từ nghề nông nghiệp sang nên khả năng thích ứng với môi trường công nghiệp chậm; trong khi đó ý thức kỷ luật chưa cao, chưa có tác phong làm việc công nghiệp. Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư, mở rộng, song vẫn chưa đạt theo tiêu chuẩn. Chương trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thị trường lao động… Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động theo đơn đặt hàng chưa hiệu quả; kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo va doanh nghiệp sử dụng lao động chưa chặt chẽ…

Đào tạo nghề hàn đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

Nguyên nhân chính là do công tác phát triển nguồn nhân lực còn những bất cập, thiếu trọng tâm, trọng điểm; dự báo nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa sát thực tế, chính sách thu hút nhân tài, lao động có trình độ cao chưa hấp dẫn còn thiếu sự quyết tâm từ các ngành, các cấp.

Để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 với tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề 72%; cơ cấu lao động: Nông nghiệp 47%, công nghiệp xây dựng 27%, dịch vụ 26%; số lao động làm việc tăng thêm 15-16 nghìn người/năm; xuất khẩu lao động 2.700 người/năm; bình quân mỗi năm đào tạo 46,3 nghìn người; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân, công nhân kỹ thuật 25,6 nghìn lượt người…

Theo đồng chí Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH: “Trước hết cần tăng cường quản lý Nhà nước về nguồn nhân lực, đồng thời phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác theo dõi, dự báo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống thông tin cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu lao động để phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo đó, trọng tâm là đào tạo nghề phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng. Ưu tiên đào tạo các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí; các ngành dịch vụ du lịch, lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước (NSNN), vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia để đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và thị trường lao động.

Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh

Bên cạnh đó, sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp ở cả quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các nguồn lực quốc tế thông qua hợp tác và liên kết. Ngoài ra tiếp tục giao quyền tự chủ từng phần cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch… theo Nghị định 16 của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định ngành nghề đào tạo trọng điểm của tỉnh, chỉ tiêu đào tạo hàng năm từ nguồn NSNN đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động tại chỗ. Đồng thời, rà soát, tinh gọn bộ máy, tổ chức lại theo hướng tự chủ một phần…

Cùng với đó, các cấp, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực như: Chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên đào tạo theo định hướng phân luồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ làng nghề, HTX vừa đào tạo nghề, truyền nghề vừa gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương; chú trọng liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp… có như vậy mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo đúng tiêu chí đề ra: Thể lực, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp.

Đinh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa-xa-hoi/giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc/192294.htm