Gặp Trung Quốc thảo luận về AI tiên tiến, Mỹ nói không đàm phán về các chính sách bảo vệ công nghệ

Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận về trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến vào ngày 14.5, Reuters đưa tin. Hai quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng các chính sách bảo vệ công nghệ của chính quyền Biden sẽ không phù hợp để đàm phán, dù cuộc thảo luận giữa hai bên nhằm khám phá cách giảm thiểu rủi ro từ AI.

Chính quyền Biden đã cố gắng tiếp xúc với Trung Quốc về loạt vấn đề để giảm bớt sự hiểu lầm giữa hai nước. Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị đã thảo luận về chủ đề AI vào tháng 4 tại Bắc Kinh, nơi họ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán song phương chính thức đầu tiên về chủ đề này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc giục Trung Quốc và Nga phát ngôn phù hợp với các tuyên bố của Mỹ rằng chỉ có con người, chứ không bao giờ là AI, đưa ra quyết định triển khai vũ khí hạt nhân.

“Đây là cuộc họp đầu tiên thuộc loại này. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ có một cuộc thảo luận đầy đủ các rủi ro về AI, nhưng sẽ không đưa ra phán quyết về bất kỳ chi tiết cụ thể nào thời điểm này”, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói trước cuộc họp khi được hỏi liệu Mỹ có ưu tiên vấn đề vũ khí hạt nhân hay không.

Quan chức này cho biết việc Trung Quốc thường xuyên triển khai nhanh chóng các khả năng AI trên các lĩnh vực dân sự, quân sự và an ninh quốc gia đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh, đồng thời nói thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ cho phép Mỹ truyền đạt trực tiếp mối quan ngại của mình.

“Cần phải làm rõ rằng các cuộc hội đàm với Trung Quốc không tập trung vào việc thúc đẩy bất kỳ hình thức hợp tác kỹ thuật nào hoặc hợp tác nghiên cứu tiên phong trong bất kỳ vấn đề nào. Các chính sách bảo vệ công nghệ của chúng tôi cũng không phù hợp để đàm phán”, quan chức này nói thêm.

Reuters đưa tin chính quyền Biden đã sẵn sàng mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực bảo vệ AI của Mỹ khỏi Trung Quốc và Nga với kế hoạch sơ bộ nhằm thiết lập các rào chắn xung quanh các mô hình AI tiên tiến nhất. Đó là phần mềm cốt lõi của các hệ thống AI như ChatGPT.

Theo Reuters, một quan chức khác của chính quyền Biden thông báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để định hình các quy tắc về AI, nhưng cũng hy vọng tìm hiểu xem liệu một số quy tắc có thể được "tất cả quốc gia chấp nhận" hay không.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi chắc chắn không đồng quan điểm về nhiều chủ đề và ứng dụng AI, nhưng tin rằng việc trao đổi thông tin về những rủi ro nghiêm trọng của AI có thể giúp thế giới an toàn hơn”.

Tarun Chhabra (quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ) và Seth Center (quyền đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về công nghệ quan trọng và mới nổi) sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán với các quan chức từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc và cơ quan hoạch định nhà nước này là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào ngày 14.5 để thảo luận về AI - Ảnh: Reuters

Chuck Schumer (lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ) có kế hoạch đưa ra các khuyến nghị trong những tuần tới để giải quyết các rủi ro từ AI, điều mà ông cho biết sau đó sẽ được chuyển thành luật từng phần.

Chuck Schumer đã viện dẫn sự cạnh tranh với Trung Quốc và các mục tiêu khác nhau của nước này với AI, gồm cả các ứng dụng giám sát và nhận dạng khuôn mặt, là lý do khiến Mỹ cần đi đầu trong việc xây dựng luật liên quan đến công nghệ đang phát triển nhanh chóng này.

Chính quyền Trung Quốc từng nhấn mạnh sự cần thiết của nước này trong việc phát triển công nghệ AI "có thể quản lý được" của riêng mình.

Lý do Mỹ muốn chặn Trung Quốc tiếp cận mô hình AI tiên tiến nhất

Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc một động thái pháp lý mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình AI độc quyền hoặc nguồn đóng, có phần mềm và dữ liệu đào tạo được giữ kín.

Hiện tại, không gì có thể ngăn cản các gã khổng lồ Mỹ về AI như Microsoft, OpenAI, Google DeepMind của Alphabet và Anthropic, vốn đã phát triển một số mô hình AI nguồn đóng mạnh mẽ nhất, bán chúng cho hầu hết mọi người trên thế giới mà không có sự giám sát của chính phủ.

Các nhà nghiên cứu của chính phủ và khu vực tư nhân lo ngại các đối thủ cạnh tranh với Mỹ có thể sử dụng các mô hình AI này khai thác lượng lớn văn bản và hình ảnh để tóm tắt thông tin và tạo nội dung, rồi thực hiện các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ hoặc thậm chí tạo ra vũ khí sinh học nguy hiểm.

Để phát triển biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các mô hình AI, Mỹ có thể chuyển sang ngưỡng có trong lệnh về AI được ban hành vào tháng 10.2023, dựa trên lượng sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo một mô hình AI. Khi đạt đến ngưỡng đó, các công ty phải báo cáo kế hoạch phát triển mô hình AI của mình và cung cấp kết quả thử nghiệm cho Bộ Thương mại Mỹ.

Theo hai quan chức Mỹ và một nguồn tin khác tóm tắt về các cuộc thảo luận, ngưỡng sức mạnh tính toán đó có thể trở thành cơ sở để xác định những mô hình AI nào sẽ bị hạn chế xuất khẩu.

Nếu được áp dụng, quy định có thể chỉ hạn chế việc xuất khẩu các mô hình AI vẫn chưa được phát hành. Lý do vì chưa có mô hình AI nào đã đạt đến ngưỡng này, dù Gemini Ultra của Google được cho đang tiến gần tới, theo EpochAI - Viện nghiên cứu theo dõi các xu hướng AI.

Việc xem xét động thái như vậy cho thấy chính phủ Mỹ đang tìm cách vá lỗ hổng trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng AI của Trung Quốc, bất chấp những thách thức nghiêm trọng về áp đặt chính sách quản lý cứng rắn với công nghệ phát triển nhanh chóng này.

Khi chính phủ Biden xem xét sự cạnh tranh với Trung Quốc và những nguy cơ từ AI tinh vi, "các mô hình AI rõ ràng là một trong những điểm nghẽn (rủi ro) tiềm ẩn mà bạn cần suy nghĩ ở đây. Liệu bạn có thể thực sự biến nó thành một điểm nghẽn bị kiểm soát xuất khẩu trong thực tế hay không thì vẫn cần phải xem xét thêm", theo Peter Harrell, cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Cộng đồng tình báo Mỹ, các tổ chức nghiên cứu và học giả ngày càng lo ngại về những rủi ro do các tác nhân xấu nước ngoài tiếp cận với các khả năng AI tiên tiến gây ra. Các nhà nghiên cứu tại tổ chức Gryphon Scientific và Rand Corporation lưu ý rằng các mô hình AI tiên tiến có thể cung cấp thông tin giúp tạo ra vũ khí sinh học.

Trong đánh giá mối đe dọa an ninh nội địa năm 2024, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết rằng các tác nhân mạng có thể sẽ sử dụng AI để "phát triển các công cụ mới nhằm giúp cuộc tấn công mạng quy mô lớn hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và khó ngăn chặn hơn".

"Sự bùng nổ tiềm tàng trong việc sử dụng và khai thác AI là rất lớn. Chúng tôi thực sự đang gặp khó khăn trong việc theo dõi điều đó", Brian Holmes, quan chức Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nói tại một cuộc họp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 3, nhấn mạnh sự tiến bộ của Trung Quốc là một mối quan ngại đặc biệt.

Để giải quyết những lo ngại này, chính quyền Biden đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn dòng chảy chip AI tiên tiến của Mỹ và các công cụ sản xuất ra chúng sang Trung Quốc.

Chính quyền Biden cũng đề xuất một quy định yêu cầu các công ty đám mây Mỹ thông báo cho chính phủ khi khách hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ của họ để đào tạo các mô hình AI mạnh mẽ có thể được sử dụng cho tấn công mạng. Song đến nay, họ vẫn chưa giải quyết được vấn đề với các mô hình AI.

Alan Estevez, người giám sát chính sách xuất khẩu của Mỹ tại Bộ Thương mại, nói vào tháng 12.2023 rằng cơ quan này đang xem xét các lựa chọn để điều chỉnh việc xuất khẩu mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở trước khi tìm kiếm phản hồi của ngành công nghiệp.

Tim Fist, chuyên gia chính sách AI tại tổ chức tư vấn CNAS có trụ sở tại Washington D.C (thủ đô Mỹ), nói ngưỡng sức mạnh tính toán “là một biện pháp tạm thời tốt cho đến khi chúng ta phát triển các phương pháp tốt hơn để đo lường khả năng và rủi ro của các mô hình AI mới”.

Ngưỡng này không cố định. Một trong những nguồn tin của Reuters nói Bộ Thương mại Mỹ có thể sẽ đưa ra ngưỡng thấp hơn, kết hợp với các yếu tố khác, chẳng hạn như loại dữ liệu hoặc mục đích sử dụng mô hình AI tiềm năng, chẳng hạn khả năng thiết kế protein có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học.

Bất kể ngưỡng là gì, việc kiểm soát xuất khẩu mô hình AI sẽ rất khó khăn. Nhiều mô hình AI là mã nguồn mở, nghĩa là chúng sẽ nằm ngoài phạm vi kiểm soát xuất khẩu đang được Mỹ xem xét.

Tim Fist cho biết ngay cả việc áp đặt các biện pháp kiểm soát với các mô hình AI độc quyền tiên tiến hơn cũng gặp nhiều thách thức, vì các cơ quan quản lý có thể sẽ gặp khó khăn trong việc xác định các tiêu chí phù hợp để xác định những mô hình AI nào nên được kiểm soát. Ông lưu ý rằng Trung Quốc có thể kém Mỹ khoảng 2 năm trong việc phát triển phần mềm AI của riêng mình.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gap-trung-quoc-thao-luan-ve-ai-tien-tien-my-noi-khong-dam-phan-ve-cac-chinh-sach-bao-ve-cong-nghe-217182.html