G20 liệu gỡ được nút thắt thương mại của ông Trump?
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã khai mạc ngày 17-7 tại Nam Phi. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Phi chủ trì G20, mang đến diễn đàn toàn cầu những ưu tiên bức thiết của lục địa đen.

Kỳ vọng của châu Phi
G20 năm nay là cơ hội để lục địa đen đưa tiếng nói của mình vào trung tâm nghị sự toàn cầu, khi các nước đang phát triển chìm trong gánh nặng nợ nần, chi phí vay vốn cao, biến đổi khí hậu khốc liệt và nguy cơ thiếu an ninh lương thực ngày càng lớn.
Hội nghị tại Nam Phi nằm trong chuỗi hoạt động của Finance Track, nối tiếp các cuộc họp cấp bộ trưởng ở Cape Town (Nam Phi) hồi tháng 2 và Washington (Mỹ) vào tháng 4. Sự kiện quy tụ đại diện của 19 nền kinh tế lớn, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU) cùng các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội đồng Ổn định tài chính (FSB)…
Kỳ vọng đặt vào hội nghị năm nay khá cao, vì nó diễn ra đúng lúc kinh tế toàn cầu đầy bất ổn. Đặc biệt, bức tranh kinh tế đang phủ bóng bởi chính sách bảo hộ của chính quyền Trump. Mỹ vừa tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm từ 25% lên 50%, áp thêm 30% với nhiều hàng hóa từ Nam Phi và hơn chục quốc gia khác.
Điều này không chỉ đẩy chi phí thương mại lên cao mà còn làm lung lay hệ thống thương mại đa phương vốn đã mong manh. Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiếp tục vắng mặt, chỉ cử cấp phó là ông Michael Kaplan đi thay, khiến cơ hội đàm phán trực tiếp để tháo gỡ căng thẳng thương mại hầu như không còn.
Trong 2 ngày trước hội nghị cấp bộ trưởng, cuộc họp cấp phó từ 14 đến 15-7 đã thảo luận và thống nhất 5 nhóm vấn đề trọng tâm. Đó là dự thảo Tuyên bố chung về ổn định tài chính và phát triển bền vững; đánh giá thách thức kinh tế (lạm phát và nợ công); cải cách hệ thống tài chính quốc tế; thúc đẩy các ưu tiên của châu Phi về giảm nợ; hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực; và xây dựng cơ chế tài chính ứng phó khủng hoảng y tế.
Ngoài ra, hội nghị còn đề cập đến bài học từ đại dịch Covid-19. WB đề xuất lập quỹ 10,5 tỷ USD hỗ trợ các nước thu nhập thấp mua vaccine và thiết bị y tế khi xảy ra khủng hoảng y tế mới. Dù không phải ưu tiên hàng đầu lúc này, nhưng đề xuất đó vẫn thể hiện trách nhiệm chung với các nước dễ tổn thương nhất.
Nam Phi tận dụng vai trò chủ nhà để nhấn mạnh những vấn đề sống còn của lục địa đen. Theo WB, gần 40% các quốc gia đang phát triển (gần một nửa ở châu Phi) phải chi hơn 10% ngân sách chỉ để trả lãi nợ, làm giảm mạnh nguồn lực cho y tế, giáo dục.
Vì thế, cải thiện cơ chế tái cơ cấu nợ, huy động thêm vốn tư nhân thông qua tài chính hỗn hợp và tăng minh bạch nợ được coi là cấp thiết. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel đã kêu gọi các giải pháp tài chính sáng tạo giúp châu Phi chống chọi với biến đổi khí hậu, chi phí vay cao và cú sốc địa chính trị.
Giới hạn khó vượt qua
Nếu đạt được đồng thuận, hội nghị G20 tại Nam Phi có thể mang lại một số tín hiệu tích cực cho kinh tế toàn cầu. Việc các ngân hàng trung ương tái khẳng định cam kết kiềm chế lạm phát, phối hợp quản lý nợ công sẽ giúp trấn an nhà đầu tư và giảm nguy cơ bất ổn thị trường.
Những sáng kiến như Bàn tròn nợ toàn cầu, nếu được triển khai, có thể mở đường để các quốc gia châu Phi và những nền kinh tế dễ tổn thương tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, từ đó thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục.
Hội nghị cũng có thể tiếp thêm động lực cho lộ trình tài chính bền vững của G20, giúp tài trợ cho các dự án chuyển đổi năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề đặc biệt cấp bách ở châu Phi, nơi thiên tai mỗi năm cuốn đi hàng tỷ USD và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.
Đồng thời, việc xây dựng cơ chế tài chính ứng phó khủng hoảng y tế, nếu thành hiện thực, sẽ giúp cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh hơn trước các đại dịch mới. Thế nhưng, với thương mại và thuế quan, bế tắc vẫn bế tắc.
Chính quyền Trump giữ vững lập trường bảo hộ, đánh thuế cao với nhiều mặt hàng, đẩy chi phí thương mại toàn cầu lên mức kỷ lục. Nước chủ nhà Nam Phi cũng là một trong những nạn nhân bị áp thuế.
Thực tế, tại hội nghị G20 hồi tháng 2, các bên không thể ra được Tuyên bố chung, vì Mỹ phản đối những cụm từ nhấn mạnh “hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc” hay “chống bảo hộ”. Lần này, sự vắng mặt của Bộ trưởng Tài chính Mỹ càng khiến hy vọng đàm phán trực tiếp gần như bằng không.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị từ chiến sự Nga - Ukraine, quan hệ Mỹ - Trung vẫn chia rẽ sâu sắc các thành viên. Trong ngắn hạn, gần như không có khả năng hội nghị này giải quyết được nút thắt thuế quan và thương mại.
Về trung và dài hạn, Nam Phi có thể đặt nền móng để tiếp tục thảo luận ở WTO hoặc các diễn đàn tài chính quốc tế khác, nhưng kết quả thực chất vẫn phụ thuộc vào chính trường Mỹ và mức độ sẵn sàng hợp tác của các cường quốc khác.
Đối với Việt Nam và Đông Nam Á, diễn biến của G20 tại Nam Phi sẽ có những tác động gián tiếp nhưng đáng chú ý. Việc Mỹ tiếp tục chính sách bảo hộ sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như thép, nhôm, dệt may, điện tử.
Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ và EU, có thể chịu sức ép gia tăng từ các biện pháp kiểm soát thương mại, đồng thời phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các nước đang tìm cách chuyển hướng xuất khẩu để né thuế Mỹ.
Tuy nhiên, nếu G20 đồng thuận được về cải cách tài chính quốc tế, các nước Đông Nam Á có thể hưởng lợi từ nguồn vốn phát triển giá rẻ, qua đó đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực chống chịu trước biến đổi khí hậu và tăng cường hệ thống y tế công cộng.
Việc Nam Phi đưa vấn đề giảm nợ, tài chính bền vững của các nước đang phát triển vào trung tâm nghị sự cũng giúp khu vực Đông Nam Á có thêm cơ sở vận động hỗ trợ quốc tế, nhất là khi khu vực này đang chuyển mình sang kinh tế xanh và số hóa mạnh mẽ.