Duy trì mức lãi suất thấp tạo điều kiện cung ứng vốn cho nền kinh tế

Với nhiều giải pháp được ngân hàng đưa ra trong việc chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn từ nay đến cuối năm.

Tính đến giữa tháng 4/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt trên 1%, tuy còn thấp nhưng so với mức tăng trưởng âm của 2 tháng đầu năm thì nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang dần phục hồi. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với cường độ cao hơn rất nhiều so với những năm trước, làm sao thực hiện được việc cung cấp vốn ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ 1/7 sẽ tháo gỡ, tạo sự chủ động hơn nữa cho các tổ chức tín dụng, gồm cả tổ chức tín dụng có vốn nhà nước cũng như tư nhân trong vấn đề tự quyết quyền cho vay của mình đối với nền kinh tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

"Huy động vẫn đang dồi dào nhưng cho vay vẫn còn khó khăn bởi vì cầu tín dụng đang thấp. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp để luôn tạo thanh khoản cho nền kinh tế và chắc chắn câu chuyện thiếu vốn tại thời điểm hiện nay cũng như thời gian tới là không có. Nếu như có dự án hiệu quả, đáp ứng được những điều kiện về tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cung ứng đủ nguồn vốn.

Ngân hàng Nhà Nước cũng đang sử dụng các biện pháp về hạn mức tín dụng cho các Ngân hàng thương mại và đưa ra thông điệp với nền kinh tế là trong năm 2024, tín dụng tăng khoảng 15% và có thể tăng hơn nếu như nhu cầu nền kinh tế vẫn cần và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép".

Một trong những yếu tố quan trọng khác cũng tác động tới tín dụng đó là lãi suất. Về vấn đề này, Phó Thống đốc cho biết, hạ lãi suất đến thời điểm hiện nay có thể nói là thấp nhất trong nhiều chục năm qua. Lãi suất là một vấn đề quan trọng, nó là chỉ tiêu vĩ mô cực kỳ phức tạp và đòi hỏi điều hành phải hợp lý bởi còn quan hệ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tỷ giá.

"Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm chỉ đạo điều hành trên tinh thần hạ lãi suất nhưng phải phù hợp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và vẫn phải kiểm soát được lạm phát, bởi nguy cơ áp lực lạm phát vẫn không phải là nhỏ. Chính vì vậy, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện tại và trong thời gian tới chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì mức lãi suất như hiện nay, nhưng vẫn khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí của mình để hạ được lãi suất cho vay. Tóm lại, lãi suất có thể nói vẫn cố gắng duy trì bảo đảm mức lãi suất thấp như hiện nay nhưng phải luôn luôn đảm bảo hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá. Đấy là một trong những nguyên tắc điều hành vĩ mô, phải tính toán vì lợi ích chung".

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hiện đang hoàn thiện văn bản mới sửa lại Thông tư 02 về chính sách giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn mà chưa trả được; đáng lẽ đến 30/6 kết thúc thì sẽ kéo dài đến hết năm nay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng.

Với nhiều giải pháp được ngân hàng đưa ra trong việc chủ động cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn từ nay đến cuối năm.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/duy-tri-muc-lai-suat-thap-tao-dieu-kien-cung-ung-von-cho-nen-kinh-te-102240426170625241.htm