Đừng ngại Covid-19 mà không đi sàng lọc lao
Mặc dù cơ thể xuất hiện triệu chứng mắc bệnh lao nhưng nhiều người chần chừ không đến bệnh viện khám do lo sợ bị lây nhiễm Covid-19 khiến cơ thể gặp nguy hiểm.
Ho ra máu mới nhập viện
Trong phòng hồi sức tích cực thuộc Khoa Lao phổi Bệnh viện Phổi Hải Dương, bà Nguyễn Thị Nho ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) ngồi cạnh giường bệnh con trai với vẻ mặt đượm buồn, đôi mắt thâm quầng do nhiều đêm không ngủ vì lo lắng. Anh Đinh Văn Lộc (33 tuổi, con trai bà Nho) đôi mắt đờ đẫn, chưa thể tự ngồi dậy dù đã trải qua gần 1 tuần điều trị lao tích cực.
Bà Nho cho biết khoảng nửa tháng trước, anh Lộc bắt đầu ho, mua thuốc uống nhưng không khỏi. “Tôi giục con đi viện chiếu chụp xem sao nhưng cháu nhất quyết không đi vì sợ dịch Covid-19, còn cố đi làm. Đến khi ho ra máu mới lên đây thì bác sĩ bảo sao lại để nặng mới vào viện”, bà Nho chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nam, 65 tuổi ở phường Hiệp An (Kinh Môn) nằm ở giường bên cạnh nói với giọng thều thào: “Tôi cũng thế đấy, bị ho ra máu mới lên đây. Phần do chủ quan, phần vì sợ đến bệnh viện đông người lại lây nhiễm dịch bệnh nên mới ra nông nỗi này”.
Những bệnh nhân nằm cùng phòng anh Lộc, ông Nam đều thuộc diện phát hiện và điều trị lao muộn. Một số người không chỉ bị ho ra máu mà còn tràn khí màng phổi, thời gian điều trị kéo dài, thậm chí phải chuyển lên tuyến trên.
Dịch Covid-19 bùng phát và lây lan là nguyên nhân chính khiến nhiều người ngại không muốn đi bệnh viện dù cơ thể có những dấu hiệu không bình thường. Năm 2021, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Lao phổi Bệnh viện Phổi Hải Dương giảm khoảng 60% so với năm 2020. Khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, mỗi năm Hải Dương phát hiện từ 1.200-1.400 bệnh nhân mắc lao nhưng năm 2021 toàn tỉnh chỉ có hơn 900 trường hợp. Còn nhiều bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Lúc chưa có dịch, số giường tại Khoa Lao phổi luôn chật kín nhưng 2 năm qua trống rất nhiều.
Bác sĩ Lương Thị Ngọc Ánh (Khoa Lao phổi Bệnh viện Phổi Hải Dương) cho biết không hiếm người mắc lao nhưng không hay biết. Những triệu chứng ban đầu như ho, sốt, mệt mỏi... khiến họ nhầm tưởng mình chỉ bị ốm thông thường. Bệnh nhân tự mua thuốc uống ở nhà mà không đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, kê đơn. “Điều trị lao phải có phác đồ chứ không thể tùy tiện uống thuốc mua ở ngoài. Việc tự mua thuốc uống không những không đem lại kết quả mà còn khiến bệnh thêm nặng, kháng thuốc. Khi phát hiện ra đã muộn, phải điều trị kéo dài gây tốn kém và để lại nhiều di chứng như xơ phổi, giãn phế quản, vôi hóa phổi, ung thư”, bác sĩ Ánh nói.
Không được chủ quan
Tại Hải Dương, cứ 100.000 người thì có 60-70 người mắc lao. Hơn 70% số bệnh nhân lao trong độ tuổi lao động, còn lại là nhóm người già, trẻ em...
Những năm qua, Chương trình chống lao quốc gia trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Nhận thức của người dân về bệnh lao đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ người mắc lao thấp hơn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù vậy, mỗi năm tỉnh ta vẫn có hàng nghìn người mắc lao, 20-30 bệnh nhân tử vong, hàng chục bệnh nhân phải chuyển tuyến trên. Nhiều trường hợp phát hiện muộn khiến cơ thể phải hứng chịu những di chứng đeo bám suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và công việc.
Bệnh lao có thể được điều trị khỏi nhưng cũng cần từ 6-24 tháng. Những người suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, đái tháo đường, mắc các bệnh mạn tính, nghiện rượu là đối tượng dễ mắc lao nhất. Bệnh càng được phát hiện sớm càng dễ điều trị, thời gian nằm viện ngắn và ngược lại. “Người dân cần đến bệnh viện khám và sàng lọc lao khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, sốt về chiều, vã mồ hôi về đêm, gầy sút cân... Đặc biệt, những người đã ho ra máu, khó thở, tức ngực thì cần được cấp cứu và điều trị ngay. Đừng vì ngại Covid-19 mà không đi sàng lọc lao”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.
Đối với những bệnh nhân điều trị lao sau khi ra viện về nhà cũng không được chủ quan mà vẫn cần uống thuốc đầy đủ, đúng giờ theo đơn bác sĩ kê. Tuyệt đối kiêng bia rượu, thuốc lá, tăng cường dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng. Riêng nhóm người mắc các bệnh như suy thận, tiểu đường cần áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Lãnh đạo Bệnh viện Phổi Hải Dương cho biết mặc dù là một trong những bệnh viện được Sở Y tế giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng nhưng khu vực này được cách ly đặc biệt, nằm tách biệt hoàn toàn với các khu vực khám và điều trị bệnh nhân thông thường. Do đó, người dân không nên lo sợ bị lây nhiễm dịch Covid-19 khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Mọi người trước khi vào khám bệnh đều được sàng lọc, xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ngày Thế giới phòng chống lao 24.3 năm nay có chủ đề "Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực-Tăng cường phát hiện bệnh lao".
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay, Bệnh viện Phổi Hải Dương đã gửi các tài liệu liên quan đến Trung tâm Y tế 12 huyện, thị xã, thành phố để phối hợp Đài Phát thanh huyện và đài truyền thanh cấp xã tuyên truyền. Đơn vị đã phối hợp treo 11 băng rôn tuyên truyền các chủ đề về phòng chống lao trên các tuyến phố chính ở TP Hải Dương; phát khoảng 300 tờ rơi và dán 20 áp phích tuyên truyền phòng chống lao trong bệnh viện.
Nhân dịp này, Bệnh viện Phổi Hải Dương còn phát động toàn thể cán bộ, nhân viên và người thân tham gia ủng hộ Quỹ "Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao" bằng cách soạn tin nhắn TB gửi tổng đài 1402 (20.000 đồng/tin nhắn), thời gian từ ngày 22.3-20.5.