'Đưa trường học đến thí sinh' năm 2024: Học sinh Vĩnh Long chọn nghề nào phù hợp?

Theo các chuyên gia, học sinh Vĩnh Long cần bám sát quy hoạch phát triển của địa phương và của vùng để chọn ngành nhưng không nhất thiết phải đóng khung trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp

Hôm nay (17-3), tại Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) diễn ra chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 23 năm 2024, do Báo Người Lao Động tổ chức. Chương trình được Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long truyền hình trực tiếp từ 8 giờ, Báo Người Lao Động tường thuật trực tuyến tại địa chỉ nld.com.vn.

Nguyện vọng gắn với chiến lược phát triển vùng

Gần 2.000 học sinh của các trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Lưu Văn Việt, THPT Vĩnh Long, THPT Nguyễn Thông, THCS-THPT Phú Qưới và Trường THPT Song Phú... sẽ quy tụ để được ban tư vấn đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH, CĐ phía Nam giải đáp những thông tin mới nhất về thi và tuyển sinh năm 2024.

Số liệu của Bộ GD-ĐT cho biết ở khu vực ĐBSCL, tỉ lệ nhập học ĐH, CĐ trong tổng số học sinh tốt nghiệp THPT của vùng là gần 40%. Số thí sinh trúng tuyển nhập học là 79.431, trong đó số thí sinh nhập học các trường trong vùng là 39.816.

Trong kế hoạch quy hoạch tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2030, mục tiêu của tỉnh là trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và sinh thái tiên tiến trong vùng ĐBSCL. Điều này sẽ được thực hiện thông qua việc xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại và liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực.

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại chương trình “Đưa trường học đến thí sinh năm” 2024 ở TP HCM. Ảnh: QUANG LIÊM

Trong chiến lược phát triển, ngành nông nghiệp - thủy sản của tỉnh Vĩnh Long sẽ dần chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình kinh tế hóa nông nghiệp, tập trung vào ứng dụng công nghệ và khoa học, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuân thủ nguyên tắc tái chế. Đồng thời, việc xây dựng các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung và quy mô lớn, liên kết với các ngành công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và thúc đẩy phát triển thương hiệu sản phẩm cũng là ưu tiên hàng đầu.

Trong việc cải thiện cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tỉnh sẽ tập trung vào việc sử dụng đất trồng lúa một cách hiệu quả và linh hoạt, tăng diện tích canh tác các loại cây trồng có hiệu suất cao ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Ngoài ra, sẽ có các nghiên cứu và phát triển giống cây trồng nhằm đưa Vĩnh Long trở thành trung tâm cung cấp giống cây trồng cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, ngành chăn nuôi và thủy sản cũng sẽ được phát triển theo hướng công nghiệp và công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm, liên kết chặt chẽ với các khu vực sản xuất nguyên liệu. Đồng thời, cũng sẽ đồng hành với sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho nông nghiệp và chế biến.

Không nên đóng khung trong nông nghiệp

Theo TS Lê Trung Đạo, việc chọn ngành của học sinh tỉnh Vĩnh Long nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung cần bám sát chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và của vùng nếu các em xác định sẽ về quê làm việc sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ. Nói đến ĐBSCL vựa lúa của cả nước không có nghĩa chỉ là học nông nghiệp mà các em có thể học nhiều ngành nghề khác.

Cũng liên quan đến việc chọn ngành, theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, thí sinh trước tiên phải tìm hiểu xem mình thích và phù hợp với nghề nào, sau đó chọn ngành đào tạo để ra làm nghề đó và sau cùng là chọn trường có đào tạo ngành đó trên cơ sở phù hợp với năng lực học tập cũng như điều kiện kinh tế của gia đình. Cần tránh việc chọn ngành nghề theo trào lưu, ngành hot... mà mình không phù hợp thì khó phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Trước khi thí sinh chọn ngành, chọn nghề, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, lưu ý khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển; thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng ở thứ tự cao nhất (nếu trúng tuyển); điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; điểm ưu tiên khu vực được áp dụng trong năm tốt nghiệp THPT và một năm kế tiếp... thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, quy trình đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xác nhận nhập học... thực hiện hoàn toàn theo hình thức online.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh chỉ có thể trúng tuyển 1 nguyện vọng nên cần đặt nguyện vọng yêu thích nhất làm nguyện vọng 1 sau đó các thứ tự ưu tiên khác giảm dần.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, năm nay thí sính đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển từ ngày 10 đến 25-7; từ ngày 28-7 đến 3-8 thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến...

11 chuyên gia tư vấn

Tham gia Ban Tư vấn trong chương trình tại Vĩnh Long gồm có: TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT; TS Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long; TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing; TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM; TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; TS Đàng Quang Vắng, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM; ThS Vũ Đình Lê, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh Trường ĐH Luật TP HCM; ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; ThS Đỗ Quang Vinh, Phó Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP HCM; bà Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến; ông Võ Công Trí, Giám đốc Truyền thông Sự kiện, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn.

Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-truong-hoc-den-thi-sinh-nam-2024-hoc-sinh-vinh-long-chon-nghe-nao-phu-hop-196240316214533561.htm