Đưa giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào trường học

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, chú trọng và thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cho học sinh. Từ đó, giúp các em có thêm những hiểu biết, và nâng cao ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Tiết mục nhảy sạp của học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh.

Tiết mục nhảy sạp của học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh.

Thầy giáo Nguyễn Văn Suốt, Tổng phụ trách đội, Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh, cho biết: Nhà trường hiện có 186 học sinh, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường. Các em đang ở lứa tuổi quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhận thức. Chính vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương, từ đó lồng ghép vào chương trình giảng dạy cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà trường cũng xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Phòng trưng bày mở cửa thường xuyên để phục vụ học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với đó, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thu hút đông đảo học sinh trong trường tham gia".

Vào các ngày lễ, tết nhà trường thường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi như: nhảy sạp, đánh cồng chiêng, khua luống và nhiều trò chơi dân gian như kéo co, ném còn... Nhà trường cũng tích cực mời các nghệ nhân am hiểu bản sắc văn hóa của địa phương đến truyền dạy cho học sinh. Thông qua những cách làm đó, giúp học sinh thêm yêu, thêm hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình, từ đó thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông đã để lại.

Từ những tiết học bổ ích trên lớp, những buổi ngoại khóa thú vị hay tham gia các tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, các em học sinh trong trường đều cảm nhận rõ nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Em Hà Thị Thúy Kiều, dân tộc Thái, học sinh lớp 6B Trường THCS Dân tộc nội trú Như Thanh, cho biết: "Em luôn cảm thấy hào hứng và tự hào khi được tham gia các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số do nhà trường tổ chức. Chẳng hạn, trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, chúng em được thầy cô truyền đạt về gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... Ngoài ra, chúng em còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, hay tìm hiểu món ăn của đồng bào dân tộc như xôi ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng... Từ đó, giúp chúng em có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, cũng như các dân tộc khác".

Tại Trường PTDT nội trú THCS Ngọc Lặc, cô giáo Bùi Thị Cay, hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Nhà trường hiện có 189 học sinh, chủ yếu là dân tộc Mường. Việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vào giảng dạy cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường thực hiện trong những năm qua. Theo đó, hàng tuần học sinh sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào thứ 2 và thứ 6, và các ngày lễ, tết. Cùng với đó, nhà trường luôn tuyên truyền, khuyến khích học sinh nói tiếng Mường trong sinh hoạt hằng ngày. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian... Thông qua đó, giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, và tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh".

Là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường nên những năm qua ngành giáo dục huyện Ngọc Lặc luôn khuyến khích các nhà trường đưa giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số lồng ghép với các môn học. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tìm hiểu, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Phạm Tuấn Quảng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc chia sẻ: "Việc đưa những nét văn hóa truyền thống của dân tộc vào trường học còn là một hoạt động bổ ích để hình thành và rèn luyện kỹ năng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho học sinh. Do đó, hầu hết các nhà trường trên địa bàn huyện đều quan tâm đến công tác này, dưới nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi trường. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào trường học trong những năm qua chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu chứ chưa được đầu tư, chú trọng. Học sinh cũng chưa hào hứng với việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các nhà trường cũng chưa thường xuyên mời nghệ nhân về giảng dạy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh... Đó là những khó khăn mà các nhà trường trong huyện đang gặp phải".

Việc đưa nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vào trong trường học đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các trường học ở địa bàn miền núi như Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh... Tùy vào điều kiện tình hình thực tế của mỗi trường học, các nhà trường có những cách làm sáng tạo, phù hợp, thiết thực, ý nghĩa. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số và làm giàu thêm vào kho tàng di sản văn hóa của xứ Thanh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc được lan tỏa sâu rộng và thu hút đông đảo các em học sinh tham gia, các nhà trường cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa trong việc xây dựng đội ngũ truyền dạy di sản văn hóa, đầu tư kinh phí, trang thiết bị...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dua-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vao-truong-hoc-31190.htm