Du ngoạn đền Đô tựa cảnh tiên
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 20 km, nếu đi qua quốc lộ 1A cũ hoặc đi đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có một ngôi đền thiêng thờ 8 vị vua triều Lý mang tên đền Đô. Đền Đô thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Đình Bảng còn có một tên gọi nữa là Cổ Pháp.
Vào thế kỉ VIII- XI, Cổ Pháp là trung tâm Phật giáo với các thiền sư nổi tiếng từ lâu đã đi vào sử sách: Định Không, Thiên Không, Vạn Hạnh... Nhắc đến vùng địa linh nhân kiệt Cổ Pháp, một trong tam cổ của lịch sử Việt Nam, người ta có câu: "Thứ nhất Cổ Bì, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp". Đây là quê hương nhà Lý - triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt.
Tương truyền đền được xây dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn lên ngôi chuyển ra kinh thành Thăng Long, ông về thăm quê hương, dừng chân tại đây. Sau này dân làng Đình Bảng đã lấy khu đất này xây một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh đón nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa làm nơi thờ tự vua cha. Những vị vua ở các triều đại sau, sau khi mất đều được đưa bài vị lên đây để sớm hôm nhang khói.
Đền Đô hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế.
Do ảnh hưởng dịch COVID-19 diễn ra đã qua ba cái Tết, suốt từ năm Canh Tý sang năm Tân Sửa tới năm Nhâm Dần, đền Đô vắng vẻ không còn cảnh tấp nập như xưa. Dù vậy, sức hấp dẫn của ngôi đền có một không hai này vẫn lôi kéo được số đông du khách thập phương. Năm 1991, đền Đô được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 1998, Trung tâm nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn Bộ xây dựng thực hiện. Dự án này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt: "Quy hoạch tổng thể khu văn hóa các đời vua nhà Lý - xã Đình Bảng". Cuối năm 2014, đền Đô được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đền Đô nằm trong một giao lộ đặc biệt, cách trung tâm thị xã Từ Sơn chưa đầy 1km, và chưa đầy 2km là tới chùa Dận (chùa Cổ Pháp - Ứng Thiên Tâm, nơi Lý Công Uẩn ra đời). Người ta truyền tai nhau đền được xây dựng trên đất "Liên hoa bát diệp" đất vượng khí phát tinh hoa 8 đầu của 8 con rồng. Số 8 với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng là con số rất đẹp, chỉ sự may mắn, thành công, sự thịnh vượng. Số 8 đọc là bát, gọi chệch đi là số phát, phát tài, phát lộc, phát đạt, giàu sang, đại cát đại lợi. Đặc biệt, có sự trùng hợp, đền thờ 8 vị vua triều Lý nên còn có tên gọi là Cổ Pháp Điện.
Đền Đô hay còn gọi là Thái miếu nhà Lý nằm trên thế đất phát lại được quy hoạch thành một tổng thể hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Vương triều nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị vua được thờ ở đền Đô, riêng vị vua bà cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng để mất ngôi rồi mở ra triều đại nhà Trần nên không được thờ trong đền Đô. Nhân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền Rồng được khánh thành thờ riêng Lý Chiêu Hoàng cách đền Đô 4km.
Đền Đô được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Nghĩa là kiến trúc bên trong có hình chữ Công, bên ngoài có hình chữ Quốc. Nội thất gồm các công trình: Nhà Hậu cung, nhà Chuyển bồng, nhà Tiền tế, nhà Bia, và nhà để 8 kiệu thờ, nhà để 8 ngựa thờ ở hai bên.
Ngoại thất gồm các công trình: Nhà Vuông (Phượng Đình), đền Vua bà, nhà chủ tế, nhà khách, nhà kho, Ngũ Long Môn, sân Rồng, tượng voi, sấu đá. Kiến trúc đền Đô với bố cục hài hòa cân xứng bề thế giữa cảnh sắc đất trời hòa hợp với thiên nhiên. Tất cả gồm 21 hạng mục công trình xây dựng công phu, chạm khắc độc đáo, tinh xảo. Ấn tượng Hồ bán nguyệt nằm trước cửa đền, mỗi độ khai xuân vào hội, Hồ bán nguyệt là nơi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước và hát quan họ. Thủy đình nằm ở giữa hồ nổi lên như một bông hoa sen trên sóng nước trong xanh. Người Đình Bảng truyền câu ca: "Một đóa sen xinh hồ bán nguyệt/ Lung linh hình đất nước quê hương/ Nhớ bến Tiêu tương Quan họ hát/ Trời buông vắng lửa, người người thương".
Tượng vua triều Lý.
Ông Nguyễn Tiến Chiến - Trưởng ban Khu Di tích lịch sử Quốc gia đền Đô kể: "Thủy Đình được trùng tu và Thạch Kiều quan họ được làm mới năm 2000 do Bộ Tài chính đầu tư kinh phí 900 triệu, thực hiện xã hội hóa việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng".
Nhà Văn chỉ có vị trí đăng đối với khuôn viên nhà Võ chỉ qua trục chính của đền. Trước nhà Văn chỉ là khoảng sân rộng được lát bằng gạch Bát Tràng. Trong khuôn viên có đường dạo, bồn cây, thảm cỏ, tường bao xung quanh và cửa ra vào. Tiền đường gian giữa treo bức hoành phi: "Minh tâm bảo giám". Hậu cung treo bức hoành phi: "Thái Sơn Bắc đẩu". Nơi đây thờ Thái sư Lý Đạo Thành và Tô Hiến Thành hai vị tướng tài của vương triều nhà Lý. Kiến trúc đặc sắc của nhà Văn chỉ là cửa cuốn tò vò và mái cuốn.
Ông Nguyễn Tiến Chiến - Trưởng Ban Khu di tích lịch sử Quốc gia đền Đô cho biết: "Năm 2002, Bộ Quốc phòng đã đầu tư kinh phí 2.200 triệu đồng xây dựng lại nhà Văn chỉ. Hậu duệ của cụ Phùng Khắc Khoan, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo trùng tu tại nhà Văn chỉ đền Đô. Nhà Võ chỉ ở bên trái giữa nội ngoại thành theo lối kiến trúc truyền thống Bắc bộ, dáng hình gần giống nhà Văn chỉ. Nhà Võ chỉ được xây dựng lại năm 2005. Kinh phí do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư".
Hậu cung chính là nơi quan trọng nhất của đền Đô, viên ngọc mắt rồng của Cổ Pháp điện - nơi đặt bài vị của Lý bát đế. Khung nhà được làm bằng gỗ lim. Trạm khắc xà cột ở đây tinh xảo được làm qua đôi bàn tay công phu điêu luyện của các nghệ nhân lành nghề. Trạm khắc rồng, hoa lá, mái lợp ngói ngũ hài, bờ nóc, bờ chảy hoa chanh, chính giữa đắp nổi 3 chữ linh thiêng: "Cổ Pháp Điện".
Tượng Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông được thờ ở vị trí giữa trung tâm, nơi tôn nghiêm nhất của Hậu cung. Tượng 8 vị vua được làm bằng gỗ mít. Trước mỗi tượng đều có hương án. Hương án chạm tinh xảo, sơn son thiếp vàng vô cùng sáng láng. Trên mỗi hương án đặt bài vị thờ tự, khay đài, bộ tam sự (1 đỉnh gương và 2 con hạc) tất cả đều được làm bằng đồng có rùa đội cây đèn, song bình cắm hoa, các đài quả và nến.
Ông Nguyễn Đức Thìn, chủ nhiệm CLB Thơ đền Đô đã có những câu nức lòng: "Người về Đình Bảng cùng thơ/ Tiêu tương in bóng ngẩn ngơ cõi lòng/ Duyên thơ, đức sáng, tâm trong/ Hội đền Đô nức Thăng Long xuân đời."
Hội đền Đô được tổ chức hằng năm theo cổ lệ vào ngày 15 tháng 3 âm lịch kéo dài 4 ngày (14, 15, 16, 17 ) nay được tổ chức gọn lại trong ba ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch. Chính hội 15 tháng 3, ngày trăng tròn nhất của mùa xuân, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc, sự thịnh vượng và phát triển. Tương truyền, đó là lễ hội kỉ niệm ngày Lý Thái Tổ đăng quang (15-3 năm Canh Tuất 1010). Ngày ấy tốt lành vào giờ chính Ngọ - 12 giờ trưa, Lý Thái Tổ làm lễ tế đất trời, đặt niên hiệu là Thuận Thiên (thuận theo ý trời) cầu mong mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình, vị vua đầu triều Lý đã ban Chiếu dời đô.
Năm 1946, chiến tranh nổ ra, lễ hội đền Đô bị gián đoạn. Năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng Đình Bảng. Năm 1952, đền Đô bị giặc Pháp phá hủy. Sau ngày quê hương được giải phóng, hội làng chọn ngày 15 tháng 3 âm lịch làm chính hội. Năm 1989, khởi công xây dựng lại đền Đô, Lễ hội đền Đô được mở lại vô cùng tấp nập, đông vui nhưng cũng không kém phần trang trọng, nhiều trò chơi dân gian được khôi phục.
Ông Nguyễn Tiến Chiến Trưởng BQL Di tích lịch sử Quốc gia đền Đô khẳng định: "Lễ hội đền Đô là biểu trưng của một bảo tàng đời sống tâm linh người Việt, nơi tụ hội nhiều phong tục văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của dân tộc. Lễ hội đền Đô là nơi giao thoa văn hóa của các làng bản, sự cố kết chặt chẽ trong cộng đồng người Việt để hướng đến một cuộc sống an lành, tốt đẹp. Đáng tiếc trong suốt 3 năm nay, lượng du khách đổ về đền chưa bằng 1/10 những năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhà đền liên tục có nhiều tháng phải đóng cửa, hay đến mùa lễ hội chỉ duy trì phần Lễ mà phải bỏ phần Hội. Nhưng, hiện nay, sau nhiều đợt tiêm phủ vacxin ở diện rộng trong cả nước thì nhà đền đã mở cửa đón du khách của mọi miền Tổ quốc đổ về, tuy còn thưa thớt nhưng dần có tín hiệu khả quan".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/du-ngoan-den-do-tua-canh-tien-i649103/