Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng: Việt Nam phải làm chủ được công nghệ
Đại biểu Quốc hội lưu ý khi triển khai dự án đường sắt Lào Cai Hà Nội – Hải Phòng, Việt Nam phải có phương án để có thể được nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng tuyến đường sắt này…
Chiều 15-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ủng hộ dự án này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh đây là đường sắt kết nối tuyến hành lang kinh tế quan trọng, nối thẳng với hệ thống đường sắt của Trung Quốc nên tính liên vận về hàng hóa trong nước với quốc tế rất cao.
Đại biểu Cường đề nghị Chính phủ nghiên cứu các phương án làm chủ công nghệ trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt này. Theo đó, nhà nước cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước trong việc làm chủ xây dựng cầu, đường, hầm, sản xuất đường ray, đóng toa xe.
![Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_114_51485807/bd191b72283cc162982d.jpg)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội).
"Việc đặt hàng này giúp tăng trưởng trong nước, còn nếu mua của nước ngoài, ngoại tệ sẽ chảy ra nước ngoài và không bao giờ chúng ta có ngành công nghiệp đường sắt"- ông Cường nói và cho rằng cần đưa vào nghị quyết quy định về "ưu tiên đặt hàng". Chính phủ cam kết doanh nghiệp trong nước có thị phần để mạnh dạn và yên tâm đầu tư, gắn với việc bắt buộc chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước.
Ở góc độ khác, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị đánh giá tác động, tính đến hiệu quả của dự án này. Đại biểu chỉ rõ khi dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành, tuyến giao thông này có rất nhiều đường song hành với các hình thức vận tải khác nhau, như đường sắt khổ đơn, đường sắt khổ đôi, đường bộ cao tốc và đường quốc lộ.
![Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_114_51485807/f0a754cc67828edcd793.jpg)
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc).
“Tôi đề nghị cần đánh giá tác động khi dự án đường sắt hoàn thành sẽ tác động đến thị phần vận tải và hoạt động kinh doanh vận tải trên từng tuyến đường như thế nào để có phương án trong thời gian tới cho phù hợp”, đại biểu Tiến nói.
Giải trình, làm rõ thêm ý kiến các đại biểu nêu, Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh cho hay dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố với chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
![Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_114_51485807/54abffc0cc8e25d07c9f.jpg)
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh.
Về tổng mức đầu tư dự án, ông Minh cho biết qua tính toán sơ bộ khoảng 8,3 tỉ USD, bao gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, giải phóng mặt bằng và các chi phí khác. Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác, chi phí xây dựng ở mức 15,97 triệu USD/km.
“Tuyến đường sắt mới nhất của Lào từ Viêng Chăn đến Boten giáp Trung Quốc dài 118 km, có tổng vốn đầu tư là 5,96 tỉ USD và suất đầu tư quy đổi là 16,77 triệu USD/km"- ông Minh so sánh và nhận định "suất đầu tư của chúng ta thấp hơn một chút và tương đối hợp lý”.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành GTVT cho biết Chính phủ cũng đã có các giải pháp để cân đối, đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.