Đốt pháo hoa: cần hiểu cho đúng
Theo quy định mới của Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, nghiêm cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ.
Cách đây 26 năm, ngày 8.8.1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Nguyên nhân do ở thời điểm đó, tình trạng sản xuất, buôn bán, đốt pháo nổ, pháo hoa tùy tiện, nhất là trong các ngày lễ Tết, hội hè, liên hoan, khai trương... ngày càng nhiều. Sản xuất và đốt pháo, trong đó có pháo hoa đã gây ra hàng nghìn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thiệt hại kinh tế, ô nhiễm môi trường. Ở nhiều nơi, việc đốt pháo kéo dài liên tục tạo tiếng nổ lớn, làm cho người già, trẻ em, người yếu tim, thần kinh yếu không chịu nổi, khói pháo dày đặc kéo dài...
Theo thống kê của 44 trong tổng số 53 tỉnh, thành phố ở thời điểm đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm 71 người chết, 765 người bị thương và tiêu tốn từ 20-30 tỷ đồng. Vì vậy, Chỉ thị số 406-TTg đã quy định kể từ ngày1.1.1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo...
Đã 25 năm trôi qua, việc kiểm soát pháo nổ nói chung và pháo hoa trái phép ngày càng được siết chặt hơn. Hàng nghìn đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, pháo hoa trái phép đã bị xử lý. Tình trạng tai nạn thương tích do pháo nổ, pháo hoa vẫn xảy ra nhưng rất hiếm.
Hằng năm, trong các sự kiện đặc biệt của quốc gia và các tỉnh, thành phố, pháo hoa vẫn được phép sử dụng nhưng luôn trong tầm kiểm soát. Pháo hoa sử dụng trong các sự kiện được cấp phép do các tổ chức có kinh nghiệm chủ trì để bảo đảm tuyệt đối an toàn, tránh gây tai nạn thương tích, hỏa hoạn.
Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11.1.2021 thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP, trong đó quy định "cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa". Quy định này đã mở rộng đối tượng và thời điểm được sử dụng pháo hoa. Đây có thể coi là một chủ trương phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, khi được đốt pháo hoa sẽ mang lại sự phong phú cho đời sống tinh thần của họ. Dù vậy, Nghị định 137 quy định, pháo hoa chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa do các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Doanh nghiệp bắn pháo hoa phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa phải có kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy…
Đặc biệt, theo giải thích của Bộ Công an về những điểm mới của Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, ngoài pháo hoa được phép sử dụng nói trên, nghiêm cấm sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Theo đó, pháo gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian chính là pháo hoa nổ. Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Do vậy, người dân cần có sự phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa với pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.
HUY TIẾN(Cẩm Giàng)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/dot-phao-hoa-can-hieu-cho-dung-155078