Đột phá để trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Trong số 3 khu vực kinh tế của tỉnh chỉ duy nhất có khu vực II (công nghiệp – xây dựng) là có mức tăng 8,87%, còn khu vực III (thương mại – dịch vụ) chỉ tăng 0,03% và đặc biệt là khu vực I (nông – lâm - thủy sản) giảm 2,61%. Còn nếu tính chung thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước chỉ đạt 0,51%. Đây là những con số báo cáo chính thức được trình bày tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa IX mới đây.

Nhìn vào các con số thống kê trên, chúng ta sẽ thấy rằng, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của tỉnh từ trước đến nay. Có rất nhiều nguyên nhân tác động lên nền kinh tế đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm chậm đi khá nhiều và hầu hết các nguyên nhân này đều đến từ yếu tố khách quan. Đó là tình hình dịch tả heo châu Phi kéo dài từ năm 2019 sang tận những tháng đầu năm 2020; là hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt nhất từ trước đến nay và đặc biệt là dịch Covid-19 đã làm đình trệ nền kinh tế Việt Nam trong một thời gian và hiện vẫn còn dai dẳng tại một số quốc gia trên thế giới. Cả 3 nguyên nhân khách quan trên đều là “khắc tinh” của Khu vực I, nên cũng không quá khó để hiểu được vì sao khu vực này lại có tốc độ tăng trưởng giảm 2,61% trong 6 tháng đầu năm.

Khai thác biển và nuôi tôm đang tìm thấy cơ hội trở lại và khả năng tăng tốc mạnh trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Khai thác biển và nuôi tôm đang tìm thấy cơ hội trở lại và khả năng tăng tốc mạnh trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: TÍCH CHU

Trong bài viết trước đây, người viết đã từng ví von dịch tả heo châu Phi và dịch Covid-19 như những “cú đấm knock-out” đối với nghề chăn nuôi của tỉnh, kể cả chăn nuôi heo và gia cầm. Hàng loạt trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải “treo chuồng” vì giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh, kéo dài và rủi ro thiệt hại do dịch bệnh. Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp thì tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh giảm đến 19,5%. Do đó, dù chỉ chiếm 10 - 15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, nhưng một khi chăn nuôi sụt giảm, rất khó để các lĩnh vực còn lại như: trồng trọt, thủy sản… bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt mà lĩnh vực chăn nuôi để lại, kể cả trong điều kiện phát triển thuận lợi.

Chẳng những không có điều kiện để san sẻ, gánh vác sự sụt giảm của chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt và thủy sản còn phải gồng mình để vượt qua khó khăn về hạn hán, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Năm nay, mùa khô đến sớm, hạn kéo dài, độ mặn cao và xâm nhập sâu vào nội địa gây thiếu nước tưới nghiêm trọng cho một số vùng sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái. Cũng theo báo cáo trên của ngành nông nghiệp, diện tích lúa giảm 13,6%, sản lượng giảm 7,8%; diện tích cây màu giảm 10,4%; riêng diện tích cây ăn trái tăng 0,55%. Không chỉ khó khăn trong sản xuất, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản cũng gặp khó vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoại trừ cây lúa.

Thủy sản, với chủ lực là con tôm nước lợ cũng khá hơn so với trồng trọt và chăn nuôi khi tiến độ thả nuôi tôm bị chậm lại khá nhiều so với cùng kỳ. Không những vậy, nắng nóng, độ mặn cao còn gây sốc cho tôm nuôi, làm phát sinh dịch bệnh và đặc biệt là giá tôm lên, xuống bất thường, một số bị thua lỗ, khiến người nuôi chưa thật sự yên tâm. Từ nửa cuối tháng 5 đến nay, tiến độ thả nuôi có phần khả quan hơn, nhưng tính đến ngày 26-6, cũng chỉ mới đạt gần 27.800ha, tức chỉ bằng 77% so với cùng kỳ. Điều kiện nuôi đã tương đối thuận lợi trở lại nhưng người nuôi vẫn chưa thật sự yên tâm do giá tôm gần đây liên tục giảm.

Sau khi vượt qua đợt hạn mặn, cây lúa tiếp tục được kỳ vọng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Ảnh: TÍCH CHU

Sau khi vượt qua đợt hạn mặn, cây lúa tiếp tục được kỳ vọng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra. Ảnh: TÍCH CHU

Với một tỉnh nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế như Sóc Trăng, một khi tốc độ tăng trưởng của khu vực này giảm, khó có thể đòi hỏi tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh tăng cao hơn được. Trong khi đó, một khu vực kinh tế khác cũng rất quan trọng là thương mại – dịch vụ cũng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng gần như không đáng kể (chỉ 0,03%). Đó cũng là lý do vì sao dù khu vực II vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá (với 8,87%) nhưng vẫn không thể kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh lên cao được.

Khó khăn trong 6 tháng đầu năm là hiện hữu, nhưng dự báo cũng cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong 6 tháng còn lại của năm. Điều này đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn thẳng thắn nhìn nhận trong phát biểu khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh mới đây: “6 tháng qua, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất từ trước đến nay. Dự báo 6 tháng cuối năm 2020 vẫn còn có những khó khăn, thách thức mới. Do đó, chúng ta cần thảo luận, đánh giá và đề xuất những giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, để đi đến quyết định các vấn đề quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra”.

Vẫn nhận định tình hình chưa hết khó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 dự báo khó thực hiện đạt, nhưng với tinh thần cùng cả nước vượt qua khó khăn, Tỉnh ủy chủ trương không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm. Do đó, để thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2020, theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, đánh giá những lĩnh vực đạt thấp để có giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển trong 6 tháng còn lại của năm.

Một điểm sáng lạc quan là từ tháng 5 đến nay, tình hình có phần khả quan hơn, cùng với đó là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng ta có quyền hy vọng, sau khó khăn sẽ là cơ hội; sau trì trệ sẽ là sự tăng tốc, để kinh tế của tỉnh trở lại quỹ đạo tăng trưởng như mục tiêu đề ra.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/dot-pha-de-tro-lai-quy-dao-tang-truong-40074.html