Đông Nam bộ và ĐBSCL: 'khát' vốn đầu tư công, nhưng giải ngân chậm

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công ở khu vực Đông Nam bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra khá ì ạch. Song, nhu cầu vốn phục vụ cho đầu tư phát triển ở hai khu vực này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2020.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, song nhu cầu vốn của vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong ảnh là dự án cầu Vàm Cống nối hai địa phương Đồng Tháp và Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng ĐNB và ĐBSCL” diễn ra ở tỉnh Vĩnh Long vào hôm nay, 14-8.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đánh giá tình hình giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của vùng ĐNB và ĐBSCL cho biết, đối với vùng ĐNB, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao được hơn 73.000 tỉ đồng, đạt 99,63% số vốn đã được Quốc hội thông qua. “Đây là khu vực có tỷ lệ kế hoạch giao lớn nhất so với 6 vùng cả nước”, ông cho biết và nói rằng vùng này có một tỷ lệ rất nhỏ vốn ODA chưa giao được khoảng 271 tỉ đồng.

Còn đối với vùng ĐBSCL, theo ông Đông, Chính phủ giao được hơn 46.000 tỉ đồng, chiếm 98,08% số vốn được Quốc hội thông qua và hiện còn khoảng 904 tỉ đồng chưa giao được.

Theo ông Đông, có ba lý do chưa giao được: thứ nhất, do một số địa phương chưa điều chỉnh quyết định đầu tư theo thông báo 102 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khoảng hơn 173 tỉ đồng; thứ hai, một số địa phương có dự án kiểm toán nhà nước của chương trình phát triển kinh- tế xã hội, khoảng 164 tỉ đồng và cuối cùng là 486 tỉ đồng vốn ODA chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt, ký kết.

Trong khi đó, về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30-7-2019, khu vực ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 38,56%, cao hơn mức trung bình cả nước là 36,11%. “Còn ĐNB có tỷ lệ giải ngân rất thấp, có thể nói thấp nhất trong 6 vùng cả nước, đạt 25,35% so với tỷ lệ bình quân cả nước là 36,11%”, ông Đông cho biết.

Các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả hai vùng nêu trên, nhưng cũng chỉ đạt ở mức dưới 40%. “Đây cũng là vấn đề cần tập trung giải quyết, vấn để trọng yếu cần sự vào cuộc của Chính phủ”, ông Đông nhấn mạnh.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm?

Theo ông Đông, thứ nhất, một số địa phương vẫn còn tâm lý chủ quan vì chủ tịch UBND các địa phương được quyết định kéo dài kế hoạch năm nay giải ngân đến cuối năm sau, trong khi một số địa phương tập trung giải ngân của năm trước dẫn đến chưa thực hiện quyết liệt; thứ hai, một số địa phương chưa phân cấp triệt để cho cấp xã và huyện dẫn đến kéo dài cho công tác giải ngân…

Mặt khác, một số dự án ODA do gặp khó khăn liên quan đến thủ tục ký kết gia hạn hiệp định, thỏa thuận vay lại cũng như vướng trong việc ghi thu chi, xác định nợ cũng làm chậm giải ngân vốn ODA.

Dù kết quả giải ngân vốn của các địa phương diễn ra khá chậm chạp, song nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của các địa phương ở hai vùng nêu trên trong năm 2020 vẫn tăng rất mạnh.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhu cầu vốn trong năm 2020 của vùng ĐNB là 91.760 tỉ đồng, tăng 23,3% so với số vốn đã giao của năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 68.500 tỉ đồng, tăng 10,35% so với kế hoạch năm 2019; vốn ODA là 10.748 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với kế hoạch 2019; vốn trái phiếu Chính phủ là 7.146 tỉ đồng, bằng 98% so với kế hoạch năm 2019 và vốn chương trình hỗ trợ mục tiêu là 5.021 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với 2019.

Đối với khu vực ĐBSCL, kế hoạch năm 2020 cần 80.486 tỉ đồng phục vụ cho đầu tư phát triển, tăng 44% so với số vốn đã được giao năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 34.108 tỉ đồng, tăng 10% so với kế hoạch 2019; vốn ODA là 5.156 tỉ đồng, bằng 90% năm 2019; vốn trái phiếu Chính phủ 1.934 tỉ đồng, bằng 90% so với kế hoạch năm 2019 và nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ mục tiêu là 10.863 tỉ đồng, tăng 183% so với 2019.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292820/dong-nam-bo-va-dbscl-khat-von-dau-tu-cong-nhung-giai-ngan-cham.html