Động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây (Trung Quốc) và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam
Chuyến thăm của Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới và là chuyến thăm lần thứ ba liên tiếp trong vòng 3 năm qua của lãnh đạo cấp cao nhất Quảng Tây (Trung Quốc) tới Việt Nam.
![Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương. (Nguồn: gxzf)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_194_51508909/ad1cdb5ff5111c4f4500.jpg)
Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương. (Nguồn: gxzf)
Nhân dịp Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương đang có chuyến thăm Việt Nam, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Nguyễn Thị Hường đã trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, nhấn mạnh mục đích chuyến thăm cũng như sự hợp tác sôi động, hiệu quả và thiết thực giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam thời gian qua.
Xin Tổng lãnh sự đánh giá ý nghĩa chuyến thăm của Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025?
Như các bạn đã biết, từ ngày 18-21/2, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương dẫn đầu đoàn đại biểu Quảng Tây đến thăm Việt Nam và đồng chủ trì Hội nghị Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc).
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Trần Cương trên cương vị Bí thư Khu ủy Quảng Tây và là chuyến thăm lần thứ ba liên tiếp trong vòng 3 năm qua của lãnh đạo cấp cao nhất Quảng Tây tới Việt Nam. Điều này cho thấy sự coi trọng cao độ của Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng trong quan hệ với Việt Nam, cụ thể là với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, đồng thời cho thấy tầm quan trọng, ý nghĩa tích cực của chuyến thăm, nhất là khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025.
![Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Nguyễn Thị Hường. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_194_51508909/292c5c6f72219b7fc230.jpg)
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Nguyễn Thị Hường. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh)
Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương sẽ có những hoạt động gì tại Việt Nam? Tổng lãnh sự kỳ vọng như thế nào về chuyến thăm vào thời điểm đầy ý nghĩa này?
Trong thời gian thăm Việt Nam, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương có lịch trình đến chào Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn để báo cáo một số kết quả thực hiện những nhận thức chung quan trọng đã được thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các hoạt động Quảng Tây tổ chức nhằm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và năm giao lưu nhân văn Việt-Trung; lắng nghe ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Việt Nam để tăng cường hơn nữa hợp tác thực chất, hiệu quả giữa Quảng Tây với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam.
Đồng thời tại Hà Nội, Bí thư Khu ủy Quảng Tây Trần Cương sẽ hội kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên để trao đổi về hợp tác thương mại hai bên, đồng chủ trì Hội nghị Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Tiếp nối những thành quả tốt đẹp trong các chuyến thăm Việt Nam trước đây của lãnh đạo cấp cao nhất của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cũng như những kết quả phát triển không ngừng trong hợp tác giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là cơ chế Hội nghị Gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với Quảng Tây, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm lần này sẽ đạt được những thành quả tích cực, là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phát triển hơn nữa, không chỉ cho năm 2025 mà còn trong những năm tiếp theo.
![Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc tại TP Nam Ninh, Quảng Tây, ngày 17/1. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_194_51508909/556f262c0862e13cb873.jpg)
Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc tại TP Nam Ninh, Quảng Tây, ngày 17/1. (Nguồn: TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh)
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Quảng Tây (Trung Quốc) và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã đóng góp như thế nào vào quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước?
Trước hết, quan hệ hợp tác giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam luôn được đặt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Thời gian qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp trên cơ sở định hướng, nhận thức chung quan trọng đã được Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước thống nhất. Cụ thể là “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, đồng thời cùng đề ra “6 phương hướng hợp tác lớn thúc đẩy quan hệ Việt-Trung bước sang giai đoạn phát triển mới, toàn diện và bền vững”…
Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa Quảng Tây với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã được thúc đẩy triển khai một cách hết sức thuận lợi và hình thành bầu không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực và toàn diện trên các mặt.
Tính riêng trong năm 2024, các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp diễn ra sôi động, đã tổ chức gần 200 đoàn công tác, trong đó đặc biệt là các đoàn Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Khu ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền nhân dân sang thăm và trao đổi, làm việc; ký kết trên 50 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Quy mô thương mại giữa các bên tiếp tục được mở rộng, theo thống kê của Hải quan Quảng Tây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây và Việt Nam đạt 295,6 tỷ NDT, tăng trưởng 16,4%.
Công tác xây dựng hạ tầng cửa khẩu, mở/nâng cấp, công nhận cửa khẩu, đấu nối giao thông, xây dựng công trình biên giới… đạt nhiều tiến triển tích cực: Quảng Ninh và Quảng Tây đã công bố Cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh (Việt Nam) - Lý Hỏa (Trung Quốc); Lạng Sơn và Quảng Tây công bố hoạt động hai Lối thông quan Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) (khu vực mốc 1090 - 1091) và Cốc Nam (Việt Nam) - Lũng Nghịu (Trung Quốc) (khu vực mốc 1104 - 1105) thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị quan (Trung Quốc); ký Bản ghi nhớ về cơ chế gặp gỡ trao đổi định kỳ cùng xây dựng cửa khẩu thông minh; Cao Bằng và Quảng Tây đã cùng triển khai tổ chức Lễ vận hành chính thức Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) an toàn, hiệu quả từ ngày 15/10/2024, tạo tiền đề mở rộng mô hình hợp tác du lịch, phối hợp triển khai các sản phẩm mới về du lịch tại khu vực biên giới...
Bên cạnh đó, các địa phương biên giới đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới theo đúng các quy định của 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc; giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch… đạt nhiều kết quả tích cực.
Những kết quả này đã góp phần hết sức quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam-Trung Quốc từ cấp độ địa phương.
![Vị trí trung tâm của Quảng Tây trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. (Nguồn: CGTN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_194_51508909/9d34ec77c2392b677228.jpg)
Vị trí trung tâm của Quảng Tây trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam. (Nguồn: CGTN)
Tổng lãnh sự có thể nêu một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Tây mà Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy hợp tác trong tình hình mới?
Trước hết, Quảng Tây có vị trí rất thuận lợi trong hợp tác với Việt Nam. Quảng Tây là địa phương duy nhất của Trung Quốc giáp Việt Nam cả trên bộ và trên biển. Quảng Tây giáp với 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam với đường biên giới dài 696km cùng 3 cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị quan (Trung Quốc), Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc), nhiều cặp cửa khẩu song phương và các lối mở, cặp chợ biên giới.
Trên biển, Quảng Tây giáp với Vịnh Bắc Bộ với nhiều cảng biển lớn như cảng Vịnh Bắc Bộ, Khâm Châu, Phòng Thành… Hạ tầng giao thông của Trung Quốc nói chung và tại Quảng Tây nói riêng hết sức thuận lợi với mạng lưới đường sắt, đường sắt cao tốc, đường cao tốc, cảng biển, sân bay… kết nối thông suốt, do đó, hàng hóa của Việt Nam có thể thông qua Quảng Tây để xâm nhập thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Bên cạnh đó, định vị chiến lược của Quảng Tây được trung ương Trung Quốc xác định trong tổng thể chiến lược của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam và ASEAN cũng là điều kiện thuận lợi, tiềm năng to lớn để thúc đẩy hợp tác. Vị trí của Quảng Tây trong chính sách của chính quyền Trung ương Trung Quốc ngày càng được củng cố, thể hiện ở việc Quảng Tây được Trung ương Trung Quốc xác định 3 định vị chiến lược gồm: xây dựng hành lang quốc tế hướng ra ASEAN; kiến tạo điểm tựa chiến lược mở cửa phát triển khu vực Trung Nam - Tây Nam Trung Quốc và hình thành cửa ngõ quan trọng liên kết hữu cơ Sáng kiến Vành đai và con đường.
Quảng Tây là một trong số rất ít địa phương được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm, làm việc 3 lần (tháng 4/2017, 4/2021, 12/2023), thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với sự phát triển của Quảng Tây. Hiện Quảng Tây tiếp tục được Trung ương Trung Quốc giao tổ chức nhiều hoạt động cấp độ quốc gia, quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Trung Quốc-ASEAN. Vị trí trung tâm của Quảng Tây trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến truyền thống hợp tác hữu nghị giữa Quảng Tây và các địa phương biên giới của Việt Nam, giữa người dân Quảng Tây với đất nước và con người Việt Nam. Quảng Tây là nơi ghi đậm dấu hoạt động cách mạng của Bác Hồ với nhiều di tích lịch sử được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Quảng Tây cũng là hậu phương của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Người dân Quảng Tây yêu quý và kính trọng Bác Hồ, yêu mến nhân dân Việt Nam.
Đây là những giá trị lịch sử, nhân văn có ý nghĩa quan trọng, là tiềm năng to lớn để hai bên tiếp tục phát huy, thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với Quảng Tây không chỉ hôm nay mà còn cùng hợp tác và phát triển hướng tới tương lai.
Xin cảm ơn Tổng lãnh sự!
"Tiếp nối những thành quả tốt đẹp trong các chuyến thăm Việt Nam trước đây của lãnh đạo cấp cao nhất của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cũng như những kết quả phát triển không ngừng trong hợp tác giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là cơ chế Hội nghị Gặp gỡ đầu xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với Quảng Tây, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chuyến thăm lần này sẽ tiếp tục đạt được những thành quả tích cực, là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Tây và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phát triển hơn nữa không chỉ cho năm 2025 mà còn trong những năm tiếp theo". (Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Nguyễn Thị Hường)